Oyo - Startup khách sạn 10 tỷ USD: Từ kỳ lân thần tốc đến lo ngại "WeWork thứ 2" với hàng loạt bê bối gian lận, mất kiểm soát, nhân sự yếu kém...

06/01/2020 09:13 AM | Kinh doanh

Oyo là một công ty khởi nghiệp cung cấp phòng khách sạn bình dân đã phát triển thành một trong những công ty tư nhân có giá trị nhất Ấn Độ và họ tham vọng trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới vào năm 2023, nhưng nhiều bất ổn bên trong công ty đang cản trở tốc độ phát triển.

Sự phát triển thần tốc của startup trị giá 10 tỷ USD và những rắc rối kéo theo

Ritesh Agarwal thành lập Oyo năm 2013 khi anh chỉ vừa 19 tuổi. Từ một doanh nghiệp nhỏ, Oyo hiện được định giá 10 tỷ USD, một phần là nhờ khoản đầu tư trị giá 1,6 tỷ USD trong 2 năm qua từ tập đoàn SoftBank. 

Oyo cung cấp vốn và đào tạo cho các chủ khách sạn, những người gia nhập vào mạng lưới và đổi thương hiệu của mình thành Oyo. Ngoài ra, công nghệ khai thác dữ liệu độc quyền của Oyo cũng giúp họ tối đa hóa doanh thu so với cách kinh doanh truyền thống.

Đổi lại, OYO nhận một phần doanh thu từ đó, với tỷ suất lợi nhuận gộp trung bình là 20%. Trên khắp thế giới đang có hơn 44 nghìn khách sạn OYO với 1,2 triệu phòng phân bổ trên 80 quốc gia. Công ty đang sử dụng hơn 20 nghìn nhân viên và huy động được hơn 2,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư.

Tuy vậy, báo cáo tài chính của Oyo cho thấy công ty vẫn trong giai đoạn tăng tốc chiếm lĩnh thị trường và chưa có lợi nhuận. Quá trình này, theo dự tính của ban lãnh đạo, sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2021. 

Bên cạnh đó, không phải bước đi nào của Oyo cũng thành công, bằng chứng là nỗ lực phát triển hệ thống khách sạn Oyo tại Nhật Bản đã thất bại. Hai nhà đầu tư lớn khác là Sequoia Capital và Lightspeed Venture Partners đã bán 1,5 tỷ USD vốn đầu tư tại công ty cho Agarwal.

Dựa theo hồ sơ tài chính, các rắc rối pháp lý và phỏng vấn nhân viên cũng như cấp lãnh đạo công ty, giới đầu tư ngày càng lo ngại Oyo có thể đi theo vết xe đổ của WeWork.

Một trong số đó là tình trạng gian lận phòng ốc. Trong một số trường hợp, Oyo cung cấp phòng từ các khách sạn không có sẵn, chẳng hạn như những khách sạn đã ngưng hợp tác với Oyo. Hành động này khiến số lượng phòng trên website Oyo trông lúc nào cũng phong phú.

Hàng ngàn phòng ốc trong mạng lưới của Oyo đến từ các khách sạn và nhà nghỉ hoạt động "chui". Để ngăn chặn rắc rối từ chính quyền đối với các phòng "chui" này, đôi khi Oyo cung cấp chỗ ở miễn phí cho cảnh sát và quan chức địa phương, theo The New York Times.

Không chỉ dính líu đến gian lận và mua chuộc, Oyo còn bị kiện vì không chịu thanh toán cho các dịch vụ khách hàng trong mạng lưới, theo Saurabh Mukhopadhyay - Cựu Giám đốc điều hành Oyo ở miền bắc Ấn Độ, người đã rời công ty vào tháng 9.

Oyo - Startup khách sạn 10 tỷ USD: Từ kỳ lân thần tốc đến lo ngại WeWork thứ 2 với hàng loạt bê bối gian lận, mất kiểm soát, nhân sự yếu kém... - Ảnh 1.

Ritesh Agarwal - người sáng lập và cũng là CEO của Oyo


Thách thức trăm bề: Bê bối gian lận phòng ốc, nhân lực yếu kém, áp lực công việc gia tăng

Thành bại của Oyo hiện nay rất quan trọng vì hàng tỷ USD từ nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rót vào các công ty khởi nghiệp trẻ có cách thức kinh doanh khó kiểm soát như Oyo. Riêng đối với SoftBank – nhà đầu tư chính sở hữu một nửa cổ phiếu khởi nghiệp của Oyo, họ vẫn xem Oyo là viên ngọc quý trong hệ sinh thái khởi nghiệp của quỹ Vision Fund của mình và từ chối đưa ra bình luận trước các chỉ trích.

Ritesh Agarwal - Giám đốc điều hành của Oyo, đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, một số phòng cho thuê trong mạng lưới Oyo thực sự không còn tồn tại. Ông nói Oyo đang cố gắng cập nhật và điều chỉnh thông tin để khớp với số phòng thực tế.

Người đứng đầu các hoạt động tại Ấn Độ của Oyo là Aditya Ghosh cũng tiết lộ hiện rất nhiều khách sạn trong hệ thống của Oyo thiếu các loại giấy phép cần thiết để hoạt động. Đây là điểm yếu chết người bởi chính phủ Ấn Độ có thể đóng cửa các khách sạn này. Tuy nhiên ông Ghosh phủ nhận Oyo hối lộ cảnh sát và quan chức tại địa phương và cho biết Oyo luôn thanh toán đầy đủ hóa đơn cho khách sạn trong hệ thống.

Thách thức nghiêm trọng khác Oyo đối mặt là nguồn nhân lực kém chất lượng: gần 80%  nhân viên của hãng tham gia công ty chưa đầy một năm. Đây là cái giá phải trả khi Oyo bứt phá tốc độ phát triển trong năm 2018-2019 vừa qua.

Oyo - Startup khách sạn 10 tỷ USD: Từ kỳ lân thần tốc đến lo ngại WeWork thứ 2 với hàng loạt bê bối gian lận, mất kiểm soát, nhân sự yếu kém... - Ảnh 2.

Những người đã và đang làm việc tại Oyo cho rằng môi trường công ty đang ngày càng trở nên khắt nghiệt.

Ví dụ, Mohammad Jahanzeb Gul gia nhập Oyo với vai trò quản lý khu vực phải giám sát 23 khách sạn của Oyo từ tháng 1/2019. Ông nói với The New York Times rằng mọi người thường xuyên thức thâu đêm để hoàn thành công việc được giao. Một nhân viên khác, ông Mukhopadhyay, bắt đầu làm việc tại Oyo vào tháng 8 năm 2018, cho biết nhân viên chịu quá nhiều áp lực phải thêm phòng mới và do đó chất lượng phòng bổ sung trở nên kém đi khi thiếu điều hòa, máy nước nóng hoặc điện. Những người này còn bị yêu cầu tham gia vào một số vụ gian lận bằng cách chèn nhanh các phòng ốc không có thực vào danh sách.

Hành động chèn ép đối tác của Oyo cũng khiến một số chủ khách sạn đâm đơn ra tòa. Trong một đơn khiếu nại vào tháng 11, Betz Fernandez - chủ sở hữu của Roxel Inn ở Bangalore, cho biết Oyo đã nợ anh ta 49 nghìn USD. 

Oyo cũng gặp trặc trong khâu giám sát nhân viên. Bốn nhân viên Oyo đã bị bắt trong các nỗ lực chống gian lận khởi nghiệp ở Ấn Độ. Họ thông đồng với nhau để không check out các phòng khi khách rời đi (đa số khách là các cặp đôi "tình một giờ"), sau đó bán lại phòng cho các cặp đôi khác và bỏ túi số tiền ấy. 

Không chỉ đứng trước nguy cơ mất kiểm soát ngày càng cao, nguồn tin lãnh đạo nội bộ của Oyo còn cho biết từng có một vị khách dài hạn tại một khách sạn do Oyo điều hành ở Noida, gần New Delhi đã gọi cho ông. Cô nói rằng ba người đàn ông đã hãm hiếp cô trong phòng. Và sau đó, các rắc rối pháp lý nảy sinh với đội ngũ nhân viên của Oyo.

Ứng Minh

Cùng chuyên mục
XEM