Ông Trump sẽ mời Chủ tịch Kim Jong Un tới Nhà Trắng?
"Bình thường hóa quan hệ là điều mà tôi mong đợi sẽ làm, tôi hy vọng sẽ làm", ông Trump nói.
Hôm thứ Năm vừa qua, Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ "chắc chắn" mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến Mỹ nếu cuộc hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới tại Singapore diễn ra tốt đẹp.
Một chuyến viếng thăm Mỹ - mà theo ông Trump là có thể diễn ra tại Nhà Trắng - sẽ là điều đáng chú ý sau nhiều thập niên tiếp xúc "tối thiểu" giữa Mỹ và quốc gia chưa mở cửa này. Các cuộc đàm phán vào tuần tới sẽ đánh dấu lần đầu tiên một vị Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên gặp mặt trực tiếp, vì Mỹ đang cố gắng thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa của họ, cũng như làm dịu bớt những lo ngại về một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra giữa hai bên.
Tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ cho biết ông muốn thiết lập quan hệ bình thường với Triều Tiên nếu chính phủ nước này cam kết phi hạt nhân hóa. Ông Abe cũng nhấn mạnh rằng Nhật Bản – quốc gia lâu nay vốn có những căng thẳng với Triều Tiên - đã sẵn sàng bình thường hóa các mối quan hệ của họ với Bình Nhưỡng.
"Bình thường hóa quan hệ là điều mà tôi mong đợi sẽ làm, tôi hy vọng sẽ làm", ông Trump nói.
Mặc dù ông Trump cho biết ông thấy được "tiềm năng để thực hiện một thỏa thuận" với Triều Tiên để làm cho quốc gia bị "cô lập" này từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình, nhưng ông nhấn mạnh rằng ông "hoàn toàn sẵn sàng rút lui khỏi" cuộc hội nghị thượng đỉnh này. Trump đã từng hủy bỏ cuộc họp này một lần trước khi nó được lên lịch lại, sau một chuyến thăm chính thức của Triều Tiên đến Washington.
Hội nghị thượng đỉnh sắp tới mang đến cơ hội cho một bước đột phá tiềm năng trong các cuộc đàm phán nhằm giảm căng thẳng ở Đông Á. Tuy nhiên, cũng có không ít lo ngại rằng không biết ông Trump và các đồng minh của Mỹ như Abe có thể nhận được sự nhượng bộ nào từ Bình Nhưỡng trong lần này.
Ngoài ra còn có một điều làm tăng thêm những mối quan ngại ở Mỹ, đó là sự chuẩn bị của ông Trump dành cho cuộc hội nghị thượng đỉnh này, vì trước đó ông đã nói rằng "Tôi không nghĩ mình phải chuẩn bị rất nhiều".
Vào hôm thứ Năm vừa qua, ông Trump cho biết đã ngừng sử dụng ngôn ngữ "gây áp lực tối đa" từng được sử dụng trước đây để mô tả các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế đối với Triều Tiên, "bởi vì chúng tôi đang đàm phán thân thiện". Và điều đó được cho là có liên quan đến Thủ tướng Abe.
Cũng hôm thứ Năm, Thủ tướng Nhật Bản cho biết ông Trump sẽ không dỡ bỏ "các biện pháp trừng phạt rất mạnh" đối với Triều Tiên cho đến khi chính phủ nước này có hành động đối với việc phi hạt nhân hóa. Ông nói thêm rằng ông muốn thấy có sự thỏa thuận – bất kì thỏa thuận nào cũng được - giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim để giải quyết tất cả vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo tầm trung.
Ông Trump nhấn mạnh rằng ông đã giữ nguyên tất cả các biện pháp trừng phạt kinh tế hiện có đối với Triều Tiên. Tổng thống Mỹ hiện có một danh sách dài các biện pháp trừng phạt mới được chuẩn bị, nếu các cuộc đàm phán trở nên tồi tệ.
"Áp lực tối đa đang có hiệu lực tuyệt đối", ông nói.
Thủ tướng Abe cũng cho biết ông đã nhấn mạnh với ông Trump sự cần thiết phải nhắc đến vấn đề công dân Nhật Bản đang bị bắt làm con tin ở Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới. Ông cho biết Tổng thống Mỹ "hoàn toàn hiểu" tầm quan trọng của vấn đề này.
Cuối hôm thứ Năm vừa qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu rằng "sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược của bán đảo Triều Tiên là kết quả duy nhất mà chúng ta sẽ thấy có thể chấp nhận được". Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng cho biết, về phần mình, Chủ tịch Kim đã "chỉ ra" cho ông thấy rằng Triều Tiên đang chuẩn bị để từ bỏ hạt nhân.
Pompeo nói rằng ông Trump đang tỏ ra "hy vọng" nhưng "vẫn bước vào cuộc hội nghị thượng đỉnh với đôi mắt dè chừng" về một sự không thật lòng có thể xảy ra từ phía Triều Tiên.