Ông trùm gia vị kể chuyện mới về Việt Nam làm thuê: Gặp “double” hạn, “49 chưa qua, 53 đã tới”, nhận ra hạnh phúc nằm ở 3 ĐIỀU

22/12/2023 13:22 PM | Sống

“Cuộc đời tưởng vất vả nhưng nhìn theo khía cạnh khác thì không đến nỗi. Bởi tôi có căn nhà mình thích, được ăn món mình thích và ở với người mình thích. Đời còn gì bằng!”, CEO Dh Foods trải lòng.

Xuất hiện tại Thương Vụ Bạc Tỷ (Shark Tank) mùa 4 để gọi vốn, ông Nguyễn Trung Dũng – CEO Công ty Dh Foods đã thu hút cả 2 Shark đầu tư. Thế nhưng ông vẫn quyết định trở về tay trắng khi từ chối lời đề nghị 12 tỷ đồng đổi lấy 5% cổ phần. Ông Trung Dũng còn gây thú vị khi khởi nghiệp ở tuổi 50 và là vị Sếp quyền lực tại chương trình “Whose Chance - Cơ hội cho ai”.

CEO Dh Foods từng có hơn 30 năm sống ở Ba Lan, nếm trải thành công và cả thất bại nơi xứ người. Nhưng cuối cùng, ông vẫn về Việt Nam khi trong tay không có tài sản, tiền bạc, duy chỉ có niềm tin và hy vọng.

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, ông đã có những chia sẻ về thời điểm mới về Việt Nam - ông đã đi làm thuê để bắt đầu gây dựng sự nghiệp và nỗi cay đắng khi một lần nữa, niềm tin bị đặt sai chỗ…

Ông trùm gia vị kể chuyện mới về Việt Nam làm thuê: Gặp “double” hạn, “49 chưa qua, 53 đã tới”, nhận ra hạnh phúc nằm ở 3 ĐIỀU  - Ảnh 1.

Ông Trung Dũng trở thành vị Sếp quyền lực tại chương trình “Whose Chance - Cơ hội cho ai”.

“49 chưa qua, 53 đã tới”...

Chắc các bạn trẻ, nhất là các bạn trẻ khởi nghiệp ít người biết khái niệm "49 chưa qua, 53 đã tới", đơn giản vì các bạn còn quá trẻ.

Ngày xưa các cụ nói ở tuổi 49, con người thường gặp hạn lớn. Và khi chưa qua khỏi đã tới hạn còn lớn hơn, đó là ở tuổi 53. Tất cả đây là tính tuổi ta (BTV - Âm lịch), tức là 48 và 52 tuổi Tây (BTV - Dương lịch). Nếu bạn gặp đúng khủng hoảng toàn cầu thì đúng là “double” hạn.

Năm 2010 (49 tuổi ta), tôi xách một vali về Việt Nam, đúng giữa tâm khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nếu theo cách nhìn các cụ ngày xưa thì đúng là tôi gặp “double” hạn. Đến năm 2014 (53 tuổi ta), cái hạn còn nặng hơn do đây là năm thứ 3 tôi khởi nghiệp với Dh Foods. Tình hình rất khó khăn, lỗ triền miên, tiền cạn dần và thế giới vẫn chưa thoát hẳn cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên ngay lúc đó và cả bây giờ, khi nhìn lại chặng đường đã qua, tôi chưa bao giờ nghĩ là gặp hạn, nhất là hạn “double”.

Tôi như chiếc xe lu, ủi qua mọi chướng ngại vật, tiến về phía trước…

Thực ra với câu nói dân gian, các cụ ngày xưa chỉ đánh giá tới yếu tố công danh và tài chính, ít khi đề cập tới “happiness” của con người. Và đó chính là câu chuyện của tôi trong giai đoạn đó.

Mùng 1 Tết 2010, tôi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất với một chiếc vali, bắt đầu một chặng mới của cuộc đời: Không tiền bạc, tài sản nhưng đầy niềm tin và hy vọng.

Như tôi đã nhiều lần chia sẻ, trong quá khứ, tôi đã khởi nghiệp vô số lần, thành công có, thất bại có, có những lúc rất nhiều tiền nhưng không hề có hạnh phúc trong cuộc sống, công việc. Tôi từng nghĩ, phải cố gắng kiếm tiền, kiếm càng nhiều tiền càng tốt. Khi có nhiều tiền thì có nhiều bạn bè tung hô ca ngợi, khi hết tiền chắc số bạn chỉ còn đếm ngón tay trên một bàn tay.

Và khi đã tận cùng của khủng hoảng 2009 (theo các cụ ngày xưa thì đó mới chỉ là bắt đầu), tôi có quyết định táo bạo: Bỏ tất cả để về Việt Nam, làm lại cuộc đời với người bạn học cấp 3 và chấp nhận đi làm thuê, làm gì cũng được.

Ông trùm gia vị kể chuyện mới về Việt Nam làm thuê: Gặp “double” hạn, “49 chưa qua, 53 đã tới”, nhận ra hạnh phúc nằm ở 3 ĐIỀU  - Ảnh 2.

Với một người đã khởi nghiệp 20 năm và đã có những thành công lớn thì đó là quyết định khó. Tôi nghĩ ít người dám làm vậy. Nhưng hóa ra là quyết định đúng nhất của cuộc đời: Làm lại tất cả, trong công việc lẫn cuộc sống riêng tư.

Rất nhiều người nghĩ tôi điên, nhưng tính tôi đã quyết là làm. Và quan trọng nhất là bỏ được cái tôi, chấp nhận làm việc gì cũng được và làm vui vẻ với tất cả sức lực, tinh thần, giống như khởi nghiệp vậy.

Một người bạn đại học, đồng thời là bạn khởi nghiệp lần đầu của tôi ở Ba Lan lúc đó sở hữu cổ phần chi phối tại một công ty lớn ở Việt Nam đồng ý nhận tôi vào làm. Bạn tôi nói rằng công ty đang rất cần người.

Đó là một công ty nhà nước cổ phần hóa nên ban lãnh đạo vẫn là những con người cũ. Chính vì vậy, sau khi cổ phần hóa 6 năm, công ty vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn: Doanh số thấp, dòng tiền không có, mặc dù vay ngân hàng nhiều nhưng luôn nợ nhà cung cấp, thỉnh thoảng nợ lương công nhân. Chủ tịch HĐQT cũ (cũng là bạn cùng phòng tôi thời đại học) kể, có lần thiếu lương công nhân, họ biểu tình ngồi đầy sân nhà máy khiến cậu bạn sợ không dám ra khỏi phòng.

Tính tôi luôn nói là làm và làm đến nơi. Ban đầu, tôi phụ trách sản xuất, nhận ra bộ phận văn phòng không dám thử sản phẩm của công ty, từ quảng cáo tới phòng kinh doanh hay Marketing. Tôi nghĩ, nếu chúng ta không dám dùng sản phẩm của mình thì nói gì khách hàng?

Vì thế, tôi lập tức bắt tay vào cải tiến chất lượng sản phẩm. Tôi tự đi đàm phán với các nhà cung cấp để mua nguyên liệu tốt hơn nhưng rẻ hơn, vì bớt được các phụ phí. Tiếp theo, trưởng phòng thu mua phải cho nghỉ việc đầu tiên cùng các phó phòng và một số nhân viên thu mua chủ chốt. Tôi đề xuất các việc thu mua được diễn ra công khai và ngay cả các công ty không trúng thầu sau này gặp lại cũng vẫn quý tôi.

Từng phòng ban thay đổi dần, những người không phù hợp hoặc không quan tâm tới lợi ích chung đều phải chia tay, cho dù đó là thành viên HĐQT, ban TGĐ, BGĐ hay trưởng phó phòng. Tôi như chiếc xe lu, ủi qua mọi chướng ngại vật, tiến về phía trước.

Tôi tuyển dụng một loạt các bạn trẻ vào làm, nhiều bạn đang năm cuối đại học. Tôi chú trọng thay đổi chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và văn hóa công ty. Vì thế, điều tất yếu sẽ đến: Doanh số và lợi nhuận tăng gần gấp đôi sau 2 năm. Với công ty, đó là điều kỳ diệu. Doanh số tăng, chi phí giảm thì tất nhiên lợi nhuận tăng và là lợi nhuận thật chứ không phải trên giấy tờ. Công ty trả hết nợ ngân hàng, tính lũy tiền trên tài khoản để chuẩn bị đầu tư nhà máy mới.

Lại một lần nữa niềm tin đặt nhầm chỗ….

Hồi đó, tôi làm việc kinh khủng, từ sáng tới đêm, và đi công tác khắp Việt Nam. Nhiều hôm đến 22h đêm, tôi mới ăn tối, 01h sáng mới trả lời xong email. Nhưng tôi vẫn rất yêu đời, không cảm thấy vất vả, không cảm thấy vận hạn.

Bên ngoài công ty, những người bị sa thải thành lập một nhóm “anti” tôi, vận động người bạn (là cổ đông chính của công ty) sa thải tôi. Bạn tôi đi điều tra (ngầm) về khả năng tham nhũng của tôi và tôi đã sốc vì bạn nghe những người bị sa thải (trước đó vì đã có chứng cứ và bạn đồng ý sa thải những người này).

Sau khi cân nhắc và bàn với gia đình, tôi quyết định xin nghỉ. Và lúc này bạn sốc, đến tận nhà thuyết phục tôi ở lại. Tôi đã dành bao tâm huyết và sức khỏe cho công ty, chưa một lời phàn nàn hay đòi hỏi, và quan trọng hơn là kết quả sản xuất kinh doanh chứng minh tôi đã làm đúng. Đổi lại, tôi nhận về sự nghi ngờ.

Người bạn tiếp tục hứa trả ưu đãi còn cao hơn nhưng tôi từ chối. Và tôi chọn khởi nghiệp lần nữa.

Ông trùm gia vị kể chuyện mới về Việt Nam làm thuê: Gặp “double” hạn, “49 chưa qua, 53 đã tới”, nhận ra hạnh phúc nằm ở 3 ĐIỀU  - Ảnh 3.

Khởi nghiệp lần 3 - Đi xe máy, xe ôm mà đời vẫn vui…

Với số vốn không nhiều, vài bạn trẻ ban đầu, thay vì làm tại công ty lớn với lương bổng cao ngất, là ước mơ của nhiều người, tôi chọn khởi nghiệp. Tôi đi xe máy, xe ôm thay vì có tài xế riêng đưa rước mọi nơi, mọi lúc. Tôi đã chọn sự tự do, làm việc mình thích, với những người mình thích.

Tới năm 2014, “startup” của tôi gần như tiêu hết vốn, phải vay thêm tiền nhà, nhưng chưa bao giờ tôi mất niềm tin và chưa bao giờ nghĩ là đang gặp hạn. Đơn giản tôi cố gắng mỗi ngày, cố làm tốt hơn về sản phẩm và dịch vụ.

Tôi vẫn vui mỗi ngày vì tôi TỒN TẠI, có VIỆC LÀM và LÀM ĐIỀU TÔI THÍCH. Và quan trọng nữa, tôi chăm chỉ, tiết kiệm và không vội.

Các bạn thấy đấy, nếu xét về địa vị hay vật chất thì đúng như các cụ nói: Tôi đang gặp hạn, nhưng đối với tôi, đó không phải là hạn mà là lựa chọn con đường của riêng mình. Con đường ít tiền hơn, vất vả hơn nhưng thoải mái hơn và “happy” hơn.

Và sắp qua 10 năm nữa, mỗi ngày đi làm, tôi vẫn cố gắng tốt hơn một chút, vẫn vui với công việc của mình, với các đồng nghiệp của mình (bây giờ rất nhiều bạn đã thành cổ đông của Dh Foods).

Cũng như năm nay khó khăn với tất cả các công ty và càng khó khăn với các công ty SME nhưng các bạn đừng nản. Hãy chăm chỉ hơn, tiết kiệm hơn và cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày. Các bạn có thể không giàu nhưng các bạn có tự do, rồi các bạn sẽ vượt qua khó khăn.

Trong tương lai nếu các bạn tới tuổi 49 hay 53 thì đừng lo ngại! Cuộc đời tưởng vất vả nhưng nhìn theo khía cạnh khác thì không đến nỗi. Bởi tôi có căn nhà mình thích, được ăn món mình thích và ở với người mình thích. Đời còn gì bằng!

Nguồn: Trung Dung Nguyen

Theo Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM