Ông trùm cổ vật Đỗ Hùng: "Mua của người chán, bán cho người chơi"
Điều hành cùng lúc nhiều công ty thuộc nhiều lĩnh vực, nhưng ông Đỗ Hùng, Chủ tịch HĐQT Kim Group lại có niềm đam mê đặc biệt với cổ vật.
Trên thị trường chứng khoán, cái tên Đỗ Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (mã chứng khoán: KVC-HNX) dường như đã không còn xa lạ với nhiều nhà đầu tư. B
ởi từ lúc doanh nghiệp niêm yết (năm 2014), KVC đã tốn không ít giấy mực của báo giới khi phân tích về những thăng trầm cũng như những bước đột phá của Kim Vĩ, một doanh nghiệp sở hữu hơn 500 nhân công và đang là đơn vị đầu ngành sản xuất, xuất nhập khẩu thanh kim loại Inox tại Việt Nam.
Tuy nhiên, KVC chỉ là thành viên và đại diện cho một trong số nhiều lĩnh vực mà Kim Group đang tham gia đầu tư như công nghiệp nặng, bất động sản, dịch vụ lưu trú, xuất nhập khẩu. Vì theo ông Hùng, việc sưu tầm, đấu giá và kinh doanh cổ vật cũng không kém phần kịch tính như kinh doanh những ngành khác.
* Hơn 22 năm đam mê sưu tầm cổ vật, đến nay, bộ sưu tập mà ông đang sở hữu lớn như thế nào?
- Tôi không thể nhớ được con số chính xác, vì hàng hóa vào ra liên tục. Ước lượng Kim Cổ đang sở hữu khoảng từ 6.000 - 7.000 cổ vật. Lâu nay, có người cho rằng một món cổ vật có giá trị đến mấy tỷ đồng là ảo, nhưng trong quá trình kinh doanh, việc bán một món cổ vật mấy tỷ đồng là chuyện bình thường.
Ví dụ, khi nói về vật dụng hoàng cung, một cái đĩa Khánh Xuân thị tả (đồ sứ ký kiểu thời Lê Trịnh, cuối thế kỷ XVIII), với một centimet (tính theo đường kính) có giá thị trường hiện nay khoảng 3.000 - 3.5000 USD. Nên một cái đĩa khoảng 16cm sẽ có giá 48.000 - 56.000 USD (khoảng hơn một tỷ đồng).
Sở dĩ thời Lê Trịnh, vật dụng hoàng cung có mức giá cao vì đây là giai đoạn văn hóa, nghệ thuật, kinh tế phồn thịnh nhất, nên các vật dụng hoàng cung rất xa xỉ, chất liệu, tính nghệ thuật đều đạt đỉnh cao. Hiện nay, cũng có những dòng cổ vật thời vua chúa Trung Quốc giá lên đến vài trăm nghìn USD, thậm chí còn có mức giá một triệu đến vài chục triệu USD. Tất cả những món cổ vật quý nhất trên đời không có gì là vô giá và đều được định giá rõ ràng.
* Vậy, các buổi đấu giá chắc chắn sẽ không kém phần gay cấn?
- Việc đấu giá các món đồ quý ở nước nào cũng có những yêu cầu rất khắt khe, không có chuyện kêu giá cho oách rồi để đó. Trước khi tham gia đấu giá, người mua phải đặt cọc theo một tỷ lệ nhất định, tùy theo giá trị, tính thanh khoản của cổ vật. Nếu trúng đấu giá mà không lấy thì sẽ mất tiền cọc.
Trong trường đấu giá cổ vật ở luôn có nhà kinh doanh, nhà sưu tầm trong và ngoài nước nên mức độ gay cấn đến đâu còn tuỳ vào món đồ. Chẳng hạn, với người này có sở trường về dòng cổ vật này nhưng lại không có sở trường về dòng khác, rồi sở thích nữa. Dĩ nhiên không loại trừ có người trúng đấu giá nhưng lại cảm thấy ân hận vì giá bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực.
* Nguồn cổ vật đang kinh doanh ở Kim Cổ được thu thập từ đâu, thưa ông?
- Cổ vật chúng tôi đang kinh doanh gồm cổ vật Việt Nam và cổ vật Trung Hoa, nhưng trọng tâm là cổ vật Việt Nam. Cổ vật Việt Nam đang ngày càng có nhiều dòng trở nên nổi tiếng trên thế giới, cộng với lớp kế thừa có điều kiện kinh tế, kiến thức sâu hơn nên người sưu tầm ngày một nhiều. Có những nhà đầu tư ráo riết gom một dòng cổ vật nào đó để tạo độ khan hiếm, rồi sau đó bán ra nhỏ giọt.
Hoặc có những nhà đầu tư đi theo hướng chuyên môn, viết sách, kể chuyện về cổ vật đó để PR, quảng bá... Tất cả tạo nên bức tranh sôi động cho thị trường. Cổ vật là mặt hàng mang tính giá trị về tài sản cũng như mang tính giá trị về lịch sử, văn hóa rất cao, nên trong giới sưu tầm thường có câu "Mua của người chán, bán cho người chơi" là vậy.
Theo đó, hôm nay bạn chơi món cổ vật này, ngày mai thấy người khác có món cổ vật đặc sắc hơn, thế là hứng thú tìm kiếm. Từ đó, giá của cổ vật ngày càng tăng. Dĩ nhiên theo quy luật, dù bạn có là tỷ phú cũng phải bán bớt cổ vật để nâng cấp món chơi, đó cũng là hình thức kinh doanh và thỏa mãn niềm đam mê.
Ngoài những tinh hoa về cổ vật, bảo vật trong nước, thì nước ngoài cũng là một nguồn cung cấp cổ vật, vì trên các sàn đấu giá luôn có các dòng cổ vật từ Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia... Không ít người đặt câu hỏi vì sao cổ vật tinh hoa của Việt Nam lại chủ yếu nằm ở nước ngoài và chúng tôi phải đấu giá để đem về.
Chẳng hạn như vừa rồi là cuộc đấu giá ở Pháp về cổ vật cung đình Huế như xe kéo, long sàng. Điều này xuất phát từ các vương triều phong kiến, khi thay đổi triều đại và biến cố lịch sử xảy ra thì họ thường xuất ngoại và các vật dụng thường ngày được mang theo. Thực tế là nguồn cung cổ vật cao cấp đến từ nước ngoài nhiều hơn trong nước.
Có những nhà sưu tầm, kinh doanh cổ vật không phân biệt giới hạn về địa lý hay quốc gia, miễn những cổ vật đó thuộc đẳng cấp cao, đem đến lợi nhuận lớn. Thành ra, khi chúng tôi muốn đem món cổ vật nào về nước thì phải chấp nhận quy luật thị trường. Việt Nam khi chưa có Luật Di sản văn hóa, việc bảo vệ cổ vật quá lỏng lẻo nên dẫn đến việc "chảy máu cổ vật". Bây giờ kể cả việc đem cổ vật đi triển lãm cũng phải tuân theo Luật Di sản văn hóa.
* Vậy, ông có gặp khó khăn trong việc kinh doanh cổ vật khi theo Luật Di sản văn hóa thì chỉ có nhập chứ không cho xuất?
- Theo tôi thì Luật Di sản văn hóa vẫn còn một số điểm thiếu tính khoa học. Trên thế giới, như Trung Quốc vốn được xem là cái nôi của cổ vật, dù họ cũng bị "chảy máu cổ vật" với số lượng rất lớn nhưng vẫn rất khoa học trong vấn đề bảo vệ cổ vật. Ví dụ, họ quy định cổ vật vào thời nhà Thanh, giai đoạn nào là được mang ra nước ngoài, giai đoạn nào là không được.
Họ quy định những bảo vật thời Thương, Chu là không được đấu giá, kể cả trong nước. Ở Việt Nam, có những con tàu bị đắm, khi được trục vớt với hàng trăm loại cổ vật, nhưng có những hộp phấn Chu Đậu có tuổi đời 300 - 500 năm nổi tiếng trên thế giới nhưng chỉ bán với giá 100.000 đồng/hộp. Tại sao? Vì cổ vật này có quá nhiều, thậm chí đem đi nước ngoài bán cũng rất khó.
* Theo ông, vì sao các bảo tàng của Việt Nam hiện nay chưa thu hút được đông đảo khách tham quan?
- Trước hết là do còn nghèo nàn về cổ vật. Tuy nhiên, sự nghèo nàn về cổ vật dễ tha thứ hơn là tư duy, kiến thức, tính khoa học cũng như cách quản trị một bảo tàng. Tôi còn nhớ một vị tiến sĩ là kiến trúc sư về bảo tàng có kinh nghiệm 20 năm làm việc cho các bảo tàng lớn của Mỹ cho rằng, để một bảo tàng hoạt động tốt không chỉ đơn giản đem cổ vật bỏ vào đó trưng bày.
Nó phải bao hàm nhiều hoạt động nghệ thuật, trưng bày, bảo quản, phương thức quảng bá... Hiện, các bảo tàng của Việt Nam chưa thu hút người xem còn bởi tư duy bao cấp, bộ máy cồng kềnh. Đó là chưa kể tình trạng một số bảo tàng trưng bày toàn phiên bản, hoặc phục chế. Người ta đến bảo tàng là muốn xem "đồ thật" hơn là xem phiên bản.
* Theo ông, cách quản trị bảo tàng có khác với quản trị doanh nghiệp?
- Quản trị bảo tàng cũng như quản trị doanh nghiệp. Ở nước ngoài, các bảo tàng nổi tiếng hầu như thuộc quyền sở hữu của tư nhân. Việc quản trị mấy nghìn cổ vật với rất nhiều nền văn hóa khác với quản trị một nhà máy ở chỗ phải hiểu biết về khoa học, lịch sử, nghệ thuật hội họa, kiến trúc, cách trưng bày... Tất cả đều phải qua đào tạo. Mỹ hiện đang dẫn đầu thế giới về kinh doanh bảo tàng. Bảo tàng được xem là đặc sản của Mỹ, khách du lịch đến đây không ai bỏ qua việc tham quan các bảo tàng.
* Kim Group kinh doanh nhiều lĩnh vực, ông đặt nặng ở lĩnh vực nào?
- Kim Cổ kinh doanh liên quan đến nghệ thuật là một trong những lĩnh vực yêu thích của tôi. Song, tôi cũng yêu rất nhiều môn khác. Nếu không có đam mê thì khó có thể tồn tại, phát triển và đem lại lợi ích cho mình và cho nhiều người.
* Nhưng ông có cho rằng trong quản trị doanh nghiệp, quan trọng nhất là đối nhân xử thế?
- Với tôi, một nhà chuyên môn giỏi chưa hẳn là nhà quản lý giỏi, một nhà quản lý giỏi là phải tập hợp được những người giỏi chuyên môn. Tùy vào điều kiện của từng DN mà có cách quản trị, cách dụng nhân khác nhau. Do vậy, với tôi, người quản lý giỏi phải tạo "đất dụng võ” cho nhân sự, tạo điều kiện để họ sống được với chuyên môn và "ngôi nhà thứ hai" mà họ đã chọn.
* Cám ơn ông về những chia sẻ thú vị!