Ông Tập Cận Bình: 'Không một ai có thể ra lệnh cho Trung Quốc nên hay không nên làm gì'
"Không một ai có thể ra lệnh cho người Trung Quốc nên hay không nên làm gì", Chủ tịch Tập Cận Bình nói.
Ngày 18/12/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu nhằm kỷ niệm 40 năm cải cách kinh tế của đất nước. Bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình thu hút được sự chú ý của nhiều chuyên gia trên thế giới bởi chúng cho thấy liệu chính quyền Bắc Kinh sẽ có động thái như thế nào trước sức ép từ phương Tây trong vấn đề kinh tế. Đây cũng là một trong các yếu tố định hình động thái tiếp theo của Mỹ về thương mại với Trung Quốc sau kỳ hạn tạm dừng chiến tranh thương mại trong vòng 90 ngày.
"Không một ai có thể ra lệnh cho người Trung Quốc nên hay không nên làm gì", Chủ tịch Tập Cận Bình nói.
Theo những cập nhật mới nhất của hãng tin CNBC, bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc sẽ giữ nguyên kế hoạch cải cách nền kinh tế như họ đã đề ra trong đại hội đảng trước đó.
Ngày 18/12 hàng năm thường là ngày kỷ niệm Trung Quốc mở cửa nền kinh tế dưới thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình vào năm 1978, cho phép các hoạt động của công ty tư nhân cũng như chấp nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Những thay đổi về chính sách đã giúp hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát khỏi cảnh đói nghèo cũng như biến quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Dẫu vậy, nhiều nước Phương Tây cáo buộc Trung Quốc đạt được những thành quả trên là nhờ ăn cắp sở hữu trí tuệ cũng như can thiệp vào thị trường thông qua các tập đoàn quốc doanh. Nhiều nước cho rằng Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) năm 2001 nhưng không tuân thủ những cam kết về việc giảm sự kiểm soát của chính phủ với thị trường.
Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, chính quyền Bắc Kinh đã ít can thiệp hơn vào thị trường nhưng trong những năm gần đây, tình hình lại bắt đầu đảo ngược. Số liệu của Viện chính sách xã hội châu Á (ASPI) và tập đoàn Rhodium, hay còn gọi là báo cáo "The China Dashboard" cho thấy Trung Quốc không có tiến triển nào về cải cách trong 9/10 khu vực được khảo sát.
"Mảng kinh tế tư nhân tại Trung Quốc lần đầu suy giảm trong vòng 20 năm qua, một sự trái ngược so với những kỳ vọng từng được nói đến trong chiến lược cải cách năm 2013 cũng như sau nhiều năm tranh luận về việc giảm sự can thiệp của chính phủ vào thị trường", báo cáo cho hay.
Hiện Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ngày càng gia tăng áp lực lên Trung Quốc khi cho rằng quốc gia này là thủ phạm của thêm hụt thương mại tại Mỹ. Căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế ngày một nóng lên dù 2 nhà lãnh đạo đã đạt được một thỏa thuận tạm thời không tăng thêm thuế trong vòng 90 ngày.