Ông Tập Cận Bình họp với đại diện các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, kêu gọi điều chỉnh chiến lược kinh doanh

23/07/2020 15:38 PM | Xã hội

Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc tập trung vào hai vấn đề là "yêu nước và đổi mới".

Hôm 21/7 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã có buổi hội nghị chuyên đề riêng với một loạt các doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc. Mục đích của nhà lãnh đạo Trung Quốc là nhằm nhấn mạnh việc các công ty cần phải chuẩn bị để cạnh tranh tốt hơn với Mỹ, một khi cuộc cạnh tranh công nghệ xuyên Thái Bình Dương nóng lên.

Danh sách những người tham gia được tiết lộ cụ thể, tuy nhiên nó bao gồm Chen Zongnian, chủ tịch của Hikvision, một nhà sản xuất video giám sát thuộc sở hữu nhà nước, nằm trong danh sách thực thể của Mỹ. Ngoài ra còn có Wang Min, chủ tịch của tập đoàn sản xuất máy móc hạng nặng đa quốc gia XCMG Group, cùng đại diện từ các tập đoàn công nghiệp nhà nước lớn nhất của Trung Quốc, ví dụ Sinochem Group, chuyên kinh doanh năng lượng và hóa chất.

Trong số 25 nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham dự hội nghị, hơn một nửa là các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp mới nổi trong các lĩnh vực sản xuất chip, trí tuệ nhân tạo và sản xuất thiết bị thông minh.

 Ông Tập Cận Bình họp với đại diện các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, kêu gọi điều chỉnh chiến lược kinh doanh - Ảnh 1.

Ông Tập Cận Bình đã kêu gọi các doanh nhân Trung Quốc hãy "yêu nước và đổi mới".

Ông Tập kêu gọi các doanh nhân hãy yêu nước và đổi mới, khi mối đe dọa tách rời khỏi thị trường Mỹ ngày càng tăng và các nhà sản xuất nước ngoài đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các mặt hàng chiến lược.

Ông cũng yêu cầu họ điều chỉnh chiến lược kinh doanh sao cho phù hợp với nhu cầu của Trung Quốc, nhắc nhở họ rằng: "Tinh thần yêu nước là truyền thống vẻ vang của các doanh nhân xuất sắc của đất nước chúng ta trong thời hiện đại".

"Marketing không có biên giới, nhưng các doanh nhân có một quê hương", trích dẫn lời của ông Tập được công bố bởi Tân Hoa Xã.

Hội nghị chuyên đề nói trên được tổ chức trong bối cảnh mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ ngày càng căng thẳng và mối đe dọa về một "siêu chiến tranh công nghệ" gần kề. Chính quyền Trump đã cấm bán công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc trong danh sách thực thể và vận động các đồng minh phương Tây ngăn chặn công ty viễn thông khổng lồ Huawei xây dựng cơ sở hạ tầng 5G vì lo ngại các lý do an ninh.

Trong số các đại diện tham dự hội nghị có Zhou Zixue, Chủ tịch Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC), "con át chủ bài" mà Bắc Kinh hy vọng sẽ giúp cắt giảm sự phụ thuộc của nước này vào việc nhập khẩu chất bán dẫn. Bên cạnh đó là Chen Tianshi, chủ tịch của Cambricon Technologies, nhà phát triển chip trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Trung Quốc; Yin Zhiyao, chủ tịch của Advanced Micro-Fabrication Equipment, công ty chuyên sản xuất các thiết bị để chế tạo vi mạch; và các nhà lãnh đạo từ các công ty công nghệ cao như Guide Infrared - công ty dẫn đầu trong lĩnh vực hệ thống hình ảnh nhiệt hồng ngoại và hệ thống quang điện tử quy mô lớn - hay Goertek, tập đoàn chuyên sản xuất các thiết bị phụ kiện công nghệ.

Các nhà sản xuất thiết bị gia dụng, xe hơi, robot và máy móc hạng nặng cũng có mặt, cùng với các đại diện được lựa chọn từ các ngành xuất khẩu và hàng hóa.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Tập tập hợp một nhóm đối tượng như vậy để gửi thông điệp từ chính quyền Bắc Kinh. Cuối năm 2018, khi xuất hiện sự hỗn loạn về ý thức hệ liên quan tới vai trò của nền kinh tế tư nhân của Trung Quốc, với những tiếng nói tiêu cực rằng doanh nghiệp tư nhân đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của họ và nên bị loại bỏ, ông Tập đã tập hợp các doanh nhân tư nhân để đảm bảo rằng họ vẫn là một thành phần quan trọng của nền kinh tế.

 Ông Tập Cận Bình họp với đại diện các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, kêu gọi điều chỉnh chiến lược kinh doanh - Ảnh 2.

Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã lan sang lĩnh vực công nghệ, khiến nó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, liệu động lực từ hội nghị này có thể giúp các công ty và tập đoàn lớn này duy trì hết nửa cuối của năm 2020 không, đặc biệt là với việc đại dịch vẫn đang lan rộng khắp thế giới và quan hệ với Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tang Dajie, một nhà nghiên cứu cao cấp, sáng lập kiêm CEO của công ty đầu tư Triwise Capital, cho biết nhiều nhà sản xuất vẫn lo lắng về các đơn đặt hàng trong tương lai.

"Vẫn chưa rõ liệu các đơn hàng xuất khẩu có thể quay trở lại một cách bền bỉ hay không", ông Tang nói. "Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ cũng đang gặp khó khăn trong việc phục hồi bằng mức trước đại dịch."

Một điểm đáng chú ý nữa là đại biểu từ lĩnh vực tài chính và bất động sản của Trung Quốc đã vắng mặt một cách đáng ngờ, nhưng các giám đốc điều hành nước ngoài của Microsoft, Panasonic và Samsung lại tham dự.

Trong bài phát biểu, ông Tập cũng thừa nhận các doanh nghiệp đang phải chịu áp lực lớn chưa từng thấy, gây ra bởi đại dịch lên nền kinh tế Trung Quốc, và ông đã tìm cách xoa dịu những lo lắng này.

"Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới, với tiềm năng và có các điều kiện hỗ trợ công nghiệp hoàn chỉnh nhất", ông Tập nói. "Chỉ cần còn núi xanh, chúng ta không phải lo lắng về việc thiếu củi đốt."

Tham khảo SCMP

Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM