"Người đàn bà thép" của BRG: "Một vùng biển bình lặng không thể tạo nên những thuyền trưởng tuyệt vời!"
"Một vùng biển bình lặng không thể tạo nên những thuyền trưởng tuyệt vời. Đại dịch Covid-19 là thời điểm mà những doanh nhân xuất sắc thể hiện bản lĩnh...", Chủ tịch giải thưởng ASEAN Business Awards 2020 - bà Nguyễn Thị Nga, cũng là Chủ tịch Tập đoàn BRG - chia sẻ.
"Năm 2010, tôi là Chủ tịch ABA (ASEAN Business Awards - giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp xuất sắc Đông Nam Á). Chúng tôi đã tổ chức một giải rất thành công, nhưng doanh nghiệp Việt Nam rất dè dặt, khiêm tốn, thậm chí chúng tôi phải đi vận động từng doanh nghiệp", bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG - chia sẻ với phóng viên.
"Nhưng sau 10 năm, tôi nghĩ mọi chuyện sẽ khác".
Năm 2010, ABA thu hút 670 hồ sơ tham gia dự thưởng, và số hồ sơ từ phía Việt Nam chỉ có 10, theo trí nhớ của Chủ tịch BRG.
Lý giải cho sự rụt rè của doanh nghiệp Việt 10 năm trước, bà Nga cho rằng do hiểu biết của doanh nghiệp Việt tham gia giải quốc tế, khu vực còn ít ỏi, và các doanh nghiệp e ngại khi không biết năng lực kinh doanh của mình ở mức độ nào trong 10 nước ASEAN.
Trả lời câu hỏi của Trí thức trẻ về việc năng lực doanh nghiệp Việt hiện đang ở đâu trong khu vực ASEAN, bà Nga chia sẻ ở góc nhìn cá nhân, bà nhìn nhận doanh nghiệp nước nhà đang ở mức trung bình khá đến khá so với khu vực.
Trong giai đoạn 2017 - 2019, Việt Nam có 2 đại diện đoạt giải ABA là Vietjet Air (ngành hàng không) và Kềm nghĩa (ngành sản xuất sản phẩm chăm sóc sắc đẹp) trong nhóm Doanh nghiệp lớn. Phía Lào cũng có 2 đại diện đoạt giải là Saythirath Group (ngành công nghệ thông tin) và Panyathip International School (ngành giáo dục) đoạt giải trong nhóm Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các đại diện tiêu biểu khác là Kubota (Thái Lan - ngành nông nghiệp), Kalbe (Indonesia - ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe), Greenpac (Singapore - ngành công nghệ môi trường), Jeron (Philippines - ngành du lịch)...
ABA 2020, bà Nga tiếp tục được bầu làm Chủ tịch giải thưởng, trong bối cảnh Việt Nam đang kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 so với các nước khác.
"Một vùng biển bình lặng không thể tạo nên những thuyền trưởng tuyệt vời. Đại dịch Covid-19 là thời điểm mà những doanh nhân xuất sắc thể hiện bản lĩnh, vượt qua khó khăn", bà Nga nhìn nhận.
Về khó khăn của doanh nghiệp trong đại dịch, bà Nga cho rằng Covid-19 đã ảnh hưởng gần như toàn diện. Không chỉ doanh nghiệp trong ngành du lịch, mà ngành sản xuất trong hệ sinh thái du lịch cũng bị ảnh hưởng rất nặng, ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng liên đới.
"Theo quan điểm của tôi, 2020 là một năm cần khích lệ doanh nghiệp", bà Nga nói.
Hệ thống giải thưởng ABA 2020 được chia làm 9 hạng mục được xây dựng dựa trên việc kế thừa, chắt lọc của ABA những năm trước và phát triển những hạng mục giải thưởng phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của khu vực hiện nay bao gồm: Ngành hội nhập ưu tiên (Priority Integration Sectors); Doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất sắc (SME Excellence); Doanh nhân trẻ tiêu biểu (Young Entrepreneur); Doanh nhân nữ tiêu biểu (Women Entrepreneur); Doanh nghiệp gia đình (Family Business); Phát triển nguồn nhân lực (Skills Development); Đối tác thân thiết ASEAN (Friends of ASEAN); Doanh nghiệp phát triển bao trùm (Inclusive Business) và Ứng phó Covid-19 (Combating Covid-19).
ABA 2020 sẽ bắt đầu nhận đăng ký vào đầu tháng 8/2020 và dự kiến thời gian đăng ký cho doanh nghiệp toàn khu vực sẽ kéo dài đến hết tháng 9/2020, sau đó Ban tổ chức sẽ tiến hành chấm giải, đồng thời sẽ mời Ban Giám khảo (gồm những thành viên là các chuyên gia, học giả và nhà kinh tế hàng đầu đại diện cho các nước ASEAN) thảo luận và đưa ra quyết định cuối cùng về các doanh nghiệp đoạt giải. Sự kiện trao giải ABA được dự kiến tổ chức vào Tháng 11/2020 tại Hà Nội, đồng hành cùng Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, với sự tham dự của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và các nước trong khu vực.