Một ngày nọ ở Thường Châu, HLV Park Hang Seo cùng với sáu, bảy cầu thủ đi ra ngoài. Khi một nhóm người Trung Quốc bắt chuyện và biết đây là các thành viên đội tuyển quốc gia Việt Nam, họ tỏ vẻ coi thường và có những ánh mắt, tiếng cười nhạo báng.
Ông Park không chịu nổi cảnh đó và tiến lên nói: "Chúng tôi người Việt Nam, thì đã làm sao". Sợ ông gây sự với đám người quá khích, Xuân Trường kéo ông lại. Qua hình ảnh đó, đủ thấy ông tự hào vì khoác lên mình chiếc áo có quốc kỳ Việt Nam và luôn sẵn sàng để bảo vệ hình ảnh đó.
Thông thường, ông ưu tiên rất nhiều cho phóng viên Việt Nam. Họp báo quốc tế thường bằng
tiếng Anh và kể cả cánh phóng viên nhiều khi cũng không thể nắm hết những gì ông nói. Biết vậy, ông luôn xin phép trả lời riêng cho truyền thông Việt, đến mức là nhiều khi cánh phóng viên cũng... hết câu hỏi.
Có một lần, khi đang trả lời phóng viên Việt, một đài truyền hình của AFC (Liên đoàn Bóng đá châu Á) đề nghị ông trả lời bằng tiếng Anh, nhưng ông bỏ đi, gạt sang một bên và chỉ trả lời những câu hỏi của phóng viên Việt Nam.
Không chỉ thế, chính tôi và anh Nhật Đoàn, phụ trách truyền thông của VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam), cũng đã một lần toát mồ hôi hột vì cái tính "bênh phóng viên Việt của ông".
Số là một kênh thể thao của AFC đã chuẩn bị để phỏng vấn ông và các HLV có nghĩa vụ trả lời phỏng vấn, nhưng sau khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Việt xong, nhìn thấy phóng viên nước ngoài, ông từ chối và bỏ ra về.
Nhân viên phụ trách truyền thông của AFC ngăn lại, thuyết phục, nhưng ông Park vẫn gạt ra và bỏ đi, dù người nhân viên kia tuyên bố xử phạt vì đây là quy định của AFC.
Khi đó, tôi và anh Đoàn chạy theo ông, tìm mọi cách để thuyết phục bằng được. Lý do chúng tôi đưa ra: thứ nhất, đây là một kênh truyền thông của AFC, thứ hai, đây cũng là một cơ hội để quảng bá cho bóng đá Việt Nam.
Nghe thấy thế ông lập tức quay lại và tuyên bố trả lời hai câu hỏi, nhưng khi vào phỏng vấn thì ông cho hỏi thoải mái. Ông luôn ưu ái cho bất cứ ai, nếu đó có chữ "Việt" trong đó: cổ động viên Việt, báo chí Việt...
Xung quanh HLV Park Hang Seo là một đội ngũ trợ lý đầy đủ và hùng mạnh. Hai trợ lý người Hàn giữ vai trò then chốt, các trợ lý người Việt gồm các anh Lư Đình Tuấn, Nguyễn Đức Cảnh và Lê Tuấn Long đóng vai trò tham mưu. Trong đó, anh Tuấn như một cầu nối quan trọng giữa ông Park và cầu thủ Việt.
Một lần, anh Tuấn và ông Park khá căng thẳng với nhau vì chuyện ngủ trưa. Anh Tuấn cho rằng cầu thủ 4h chiều đá, nghĩa là 1h họ phải băng bó, chuẩn bị và vì thế yêu cầu ăn cơm từ 11h để họ có thời gian ngủ trưa. Nhưng ông Park không chịu.
Ông nói cho cầu thủ ngủ trưa thì sẽ không thể duy trì nhịp tim và thể lực, bởi họ phải ở trong trạng thái bình thường trước ba tiếng đồng hồ. Nếu ngủ trưa, nhịp sinh học thay đổi, dẫn đến tình trạng thể lực, tâm lý thay đổi.
Ông đưa ra dẫn chứng đã từng được áp dụng ở Thái Lan và thành công. Mọi chuyện căng thẳng đến mức anh Tuấn phải nói mát rằng: "Tôi chỉ là người tư vấn thói quen cầu thủ". Cuối cùng ông vẫn quyết theo ý của mình.
Một số trận đấu, trợ lý Lư Đình Tuấn thấy một vài cầu thủ có dấu hiệu xuống sức và đề nghị ông Park chuẩn bị phương án thay người. Thấy cầu thủ đội bạn xuyên phá, hậu vệ và tiền vệ cánh đó theo không kịp, nguy hiểm rình rập, anh Tuấn lại góp ý ông thay ngay người, nhưng lạ là ông gắt: "Cầu thủ họ không yêu cầu thay thì anh đừng có nói thay".
Trước mọi trận đấu, ban huấn luyện đều họp và đưa ra ý kiến, nhưng Park Hang-seo không bao giờ quyết ngay tại chỗ. Kinh nghiệm dày dặn của một huấn luyện viên lão làng mách bảo rằng ông không thể hiểu cầu thủ Việt bằng HLV trong nước nên cần thời gian để theo dõi và kiểm chứng thêm.
Tuy nhiên, khi HLV Park Hang Seo đã quyết, không ai có thể thay đổi ý kiến của ông, nhiều khi, tôi thấy ông có phần bảo thủ. Một thành viên ban huấn luyện còn than phiền: "Ông cứ nhấm nháy hoài, ông quyết rồi mà cứ đi hỏi mình như là chưa biết gì". "Ý kiến các anh thế nào? Hãy cho tôi biết", ông hỏi vậy.
Nhưng quyền quyết định là của ông và ông cũng ít khi nghe theo ai đó 100%.
Tuy linh động trên sân nhưng về cơ bản, ông rất cương quyết. Ông nhất định giữ lại Hồng Duy mặc dù biết rằng cầu thủ này có thể sẽ chỉ kịp phục hồi chơi một, hai trận ở vòng tứ kết hay bán kết, trong khi mục tiêu ban đầu, như báo chí nói, có khi đá xong ba trận là về chứ nói gì đến tứ kết.
Nhiều lần, ban huấn luyện đề nghị đưa Duy Mạnh lên để thay thế cho Trường hoặc Huy chơi tiền vệ giữa vì cả hai có dấu hiệu xuống sức, nhưng ông không nghe. Ông cho rằng bất cứ sự xáo trộn nào cũng sẽ gây khó khăn thêm cho hàng phòng ngự.
Nhiều trận, Xuân Trường đã kiệt sức nhưng ông cho rằng đội trưởng là cầu thủ quan trọng trên sân và ông vẫn giữ cầu thủ này. Trên sân, dù chấn thương hay không, có đá tiếp hay không là quyền của cầu thủ, có khi ông để họ tiếp tục thi đấu, nhưng có khi ông lại cương quyết thay mặc dù họ cho rằng họ đang vào "form".
Nhiều chuyên gia đều cho rằng những lần thay người của HLV Park Hang-seo đều là những quyết định rất hiệu quả, tất cả nhờ vào sự chuẩn bị chu đáo và tính quyết đoán. Trên sân, sau khi bàn với trợ lý Lee về quyết định thay người, ông tiến hành ngay và không chần chừ.
Tất nhiên, sự quyết đoán thay hay không thay là con dao hai lưỡi, nếu ông quyết đoán hơn và nhanh hơn, có thể chúng ta đã có kết quả tốt hơn trong trận Uzbekistan.
(Trích "Phong cách quản trị Park Hang-seo: Bí quyết thành công của doanh nghiệp Hàn Quốc", tác giả Lê Huy Khoa Kanata, NXB Tổng hợp TP HCM)