Ông Nguyễn Duy Hưng kể chuyện xây chiến lược cho PAN Food: Đừng nghĩ vung tiền là 'mua' được người

22/09/2017 11:25 AM | Kinh doanh

Hãy xem cách chủ tịch SSI xây dựng chiến lược cho PAN Food. Trước tiên xem có thị trường hay không. Sau đó đến con người - yếu tố phải xây dựng trong dài hạn và không chỉ cậy nhiều tiền mà sẽ làm được. Yếu tố công nghệ được quan tâm tiếp theo và sau đó mới là câu hỏi 'cần bao nhiêu tiền?"

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI - được coi là một trong những đại gia đời đầu của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thế nhưng, bên cạnh chứng khoán, doanh nhân này cũng tham gia vào thị trường bánh kẹo. Ông hiện là Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (PAN Food) - công ty từng được nhắc nhiều trên mặt báo qua vụ cạnh tranh nắm quyền kiểm soát Bibica với 'ông lớn' Hàn Quốc Lotte.

Tại tọa đàm "Giấc mơ thương hiệu Việt", ông Nguyễn Duy Hưng đã chia sẻ các bước mình đã xây dựng chiến lược cho PAN Food như thế nào. Chiến lược này hướng đến viễn cảnh Tập đoàn PAN Food trở thành công ty sản xuất bánh kẹo hàng đầu Việt Nam, qua đó biến giấc mơ 'người Việt ăn bánh kẹo chất lượng của chính Việt Nam thành hiện thực.'

Hơn cả câu chuyện của riêng một cá nhân, những bí quyết mà Chủ tịch PAN Food chia sẻ giống như một cuốn cẩm nang hữu ích dành cho bất cứ một CEO nào muốn công ty mình có được một chiến lược thật bài bản. Bởi lẽ, theo lời ông Hưng, thực hiện những điều này là "cách làm để tạo nên một thương hiệu tốt".

Đầu tiên, hãy tự hỏi: Có thị trường hay không?

Ông Hưng bộc bạch: "Khi chúng tôi họp chiến lược Tập đoàn PAN thì cái đầu tiên tôi quan tâm là câu trả lời cho câu hỏi: Chúng ta có thị trường hay không?". Quan điểm này hoàn toàn trùng khớp với những gì được dạy trong các sách vở về kinh doanh.

Một điều rất quan trọng khi bắt đầu kế hoạch kinh doanh mà ai cũng cần nắm rõ là thị trường công ty tham gia vào có đủ lớn hay không, hay thậm chí là có tồn tại hay không.

Đối với nhà đầu tư, đây cũng là mối quan tâm đầu tiên khi xem xét một ý tưởng khởi nghiệp. Nếu đến các buổi pitching của startup, bạn sẽ thấy các giám khảo thường đều đặt một câu hỏi giống nhau: 'How big your market is?' (Thị trường của bạn lớn đến mức nào?)

Yếu tố con người - Đừng nghĩ ngày một ngày hai là xây dựng xong, đừng nghĩ cứ vung tiền là có được

Yếu tố thứ hai cần quan tâm khi xây dựng công ty, theo ông Hưng, chính là con người. "Và khi mọi người trả lời rằng chúng ta có cơ hội, có thị trường thì câu hỏi thứ hai của tôi là: Chúng ta có con người đáp ứng nhu cầu của thị trường hay không?" - Chủ tịch PAN Food nói.

Theo ông, nhân sự luôn luôn nên được xếp vào top những thứ đầu tiên cần tính đến khi làm chiến lược. Những nhân sự ở đây có thể bao gồm cả những nhân sự hiện tại, cả những nhân sự có thể sẽ được đưa về công ty, trải dài từ những người lãnh đạo cao nhất cho tới các công nhân viên. "Nó là cả chuỗi xuyên suốt bao gồm hàng ngàn con người" - ông Hưng nói.

Với tầm quan trọng như vậy, yếu tố con người trong công ty nên được xây dựng một cách dài hạn, thông qua nhiều cách chứ không chỉ bằng việc vung tiền. "Đừng nghĩ có thể xây dựng được trong ngày một ngày hai, và cũng đừng nghĩ là có nhiều tiền sẽ làm được chuyện này" - Chủ tịch SSI tuyên bố.

Thị trường, con người, công nghệ, sau đó mới là câu hỏi: 'Anh em cần bao nhiêu tiền?'

"Câu thứ ba tôi hỏi là chúng ta có thể mua các thiết bị, các công nghệ tương đương thậm chí hơn của các đối thủ cạnh tranh với chúng ta hay không" - Chủ tịch PAN Food chia sẻ về bước thứ 3 khi làm chiến lược.

Như vậy, thị trường, con người và công nghệ chính là các yếu tố tiên quyết cần đảm bảo trước khi nghĩ đến việc tạo ra bất cứ một sách lược lớn lao nào cho doanh nghiệp.

Và theo ông Hưng, chỉ khi 3 câu hỏi trên được trả lời suôn sẻ, câu hỏi thứ 4 'cần bao nhiêu tiền' mới nên được đặt ra. Ông nói: "Nếu tất cả những câu trả lời trên đều là được thì câu hỏi cuối cùng của tôi mới là anh em cần bao nhiêu tiền. Và nếu như tôi bỏ từng này tiền thì, bên cạnh chi phí vốn, bao giờ chúng ta mới thu hồi lại đủ"

"Đấy là cách làm giúp xây dựng nên một thương hiệu tốt" - Chủ tịch SSI khẳng định thêm.

Ông Hưng cũng chia sẻ thêm rằng nếu nhìn toàn bộ mặt bằng cạnh tranh trên thế giới, thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang ở mức rất thấp. Tuy nhiên, nếu như những doanh nghiệp này xây dựng được một chiến lược tốt thì những khó khăn ban đầu sẽ mang lại thành quả là tên tuổi thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

"Với những ý tưởng ban đầu tốt, nếu như có chiến lược và giữ gìn tốt thì vẫn sẽ giữ được. Ví dụ, Vinamilk, một thương hiệu Việt Nam, dù sắp tới chủ có thể không còn là người Việt Nam nữa nhưng nếu có một chiến lược tốt thì vẫn có thể giữ được thương hiệu của mình" - Ông Hưng lấy ví dụ về doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam.


Thương vụ SSI - Bibica - Lotte

Thương vụ SSI - Bibica - Lotte

Nói riêng về Tập đoàn PAN Food mà mình đang sở hữu, ông Nguyễn Duy Hưng tin tưởng công ty mình sẽ trở thành công ty sản xuất bánh kẹo và đồ ăn hàng đầu trong 5 năm nữa, đủ sức cạnh tranh với các 'đại gia 'nước ngoài đang có mặt ở Việt Nam, ví dụ như Lotte.

"Chúng tôi khẳng dám định thành công hay không. Tuy nhiên hiện nay, bằng tất cả những nghiên cứu khoa học nhất và bằng những nội lực chúng tôi kiểm soát được, chúng tôi tin là sẽ có thành công" - Ông Hưng chia sẻ.

Vũ Hán

Cùng chuyên mục
XEM