Ông Nguyễn Duy Hưng đã nói gì với các sinh viên ở Mỹ?
Trong chuyến công tác tại Mỹ những ngày này, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN ông Nguyễn Duy Hưng đã có buổi trò chuyện 2 giờ đồng hồ với các bạn sinh viên trường đại học MIT tại Boston.
Ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ cơ hội được trao đổi với các bạn sinh viên tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) làm ông nhớ lại những vấn đề mà nhiều chục năm trước những lưu học sinh như ông (ông Hưng đã có thời gian du học tại Đức) đã từng trăn trở nhưng ở mức độ cao hơn nhiều. Những băn khoăn về môi trường pháp lý, mô hình kinh tế, định mức tín nhiệm hay làm thế nào để có thể đưa một công ty start up trở thành tập đoàn kinh tế.
Tại buổi trò chuyện, các bạn sinh viên đã đặt câu hỏi và chia sẻ các băn khoăn về việc sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp, ở lại Mỹ hay về nước, làm kinh doanh hay làm chính trị...
Dưới đây là những chia sẻ của ông Nguyễn Duy Hưng với các bạn sinh viên tại trường đại học MIT:
"Mỗi người ai cũng có khả năng riêng, nếu môi trường chấp nhận sự khác biệt như những gì xảy ra ở nước Mỹ thì ai cũng có thể làm việc, cống hiến và thành công.
Mỗi người cần xây dựng chiến lược phát triển cho cá nhân mình dựa vào khả năng, vị thế, các điều kiện hỗ trợ và cơ hội có thể nắm bắt để chủ động phát triển chứ không ngồi chờ vận may đưa đẩy cuộc đời.
Để thành công chúng ta cần kiến thức học ở trường, cần kỹ năng học qua cuộc sống hàng ngày, cần kinh nghiệm quá trình làm việc, cần tầm nhìn và cần đam mê. Ba yếu tố đầu ta có thể bổ sung, yếu tố thứ tư là bẩm sinh và yếu tố cuối cùng chỉ có được khi ta tìm cho mình một công việc phù hợp đam mê.
Làm kinh doanh về bản chất là phát hiện nhu cầu thị trường và tìm giải pháp đáp ứng nhu cầu đó để phát sinh thu nhập, làm chính trị là tìm các giải pháp để lãnh đạo đám đông, làm khoa học là nghiên cứu những quy luật tự nhiên để tìm giải pháp chế ngự. Mọi lĩnh vực đều hay, đều hấp dẫn và đều có cơ hội thành công, chỉ có chính mỗi người mới biết chắc mình phù hợp với cái gì để có lựa chọn chính xác cho mình. Mọi lời khuyên dù của ai cũng chỉ là tham khảo, không ai định vị khả năng và mong muốn của mình bằng chính mình."
Bài phát biểu thẳng thắn và tâm huyết của ông Hưng đã truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên. Mai Phan, một trong những du học sinh có cơ hội trực tiếp trao đổi với ông Hưng cho rằng, sau buổi trò chuyện này các bạn sinh viên không chỉ học thêm nhiều từ kinh nghiệm của một người đi trước, thành công và tiên phong trong kinh doanh, mà còn biết rõ hơn làm thế nào để hoạch định kế hoạch cuộc đời của các bạn về sau.
Viện Công nghệ Massachusetts (tiếng Anh: Massachusetts Institute of Technology hay MIT) là một viện đại học nghiên cứu tư thục ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kỳ. MIT nổi tiếng nhờ hoạt động nghiên cứu và giáo dục trong các ngành khoa học vật lý, kỹ thuật, cũng như trong các ngành sinh học, kinh tế học, ngôn ngữ học, và quản lý.
MIT được thành lập vào năm 1861 nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa của Hoa Kỳ, dựa trên mô hình viện đại học bách khoa (polytechnic university) và nhấn mạnh đến việc giảng dạy trong phòng thí nghiệm. MIT ban đầu nhấn mạnh đến các ngành công nghệ ứng dụng ở bậc đại học và sau đại học, và chính điều này giúp thiết lập sự hợp tác gần gũi với các công ty công nghiệp.
Những cải cách chương trình học dưới thời các Viện trưởng Karl Compton và Vannevar Bush trong thập niên 1930 nhấn mạnh các ngành khoa học cơ bản. MIT được kết nạp vào Hiệp hội Viện Đại học Bắc Mỹ vào năm 1934. Các nhà nghiên cứu ở MIT nghiên cứu và thiết kế máy tính, radar, và hệ thống định vị trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai và thời Chiến tranh lạnh. Hoạt động nghiên cứu quốc phòng thời hậu chiến đã đóng góp vào sự gia tăng nhanh chóng số lượng giảng viên và sự phát triển của khuôn viên viện đại học dưới thời Viện trưởng James Killian. Khuôn viên hiện tại rộng 168 mẫu Anh (68,0 ha) mở cửa vào năm 1916 và mở rộng hơn 1 dặm (1,6 km) dòng theo bờ bắc con sông Charles.
Ngày nay MIT bao gồm nhiều khoa học thuật khác nhau, nhấn mạnh đến nghiên cứu và giáo dục trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, và công nghệ. MIT có năm trường (Trường Khoa học, Trường Kỹ thuật, Trường Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Quản lý, và Trường Nhân văn, Nghệ thuật, và Khoa học Xã hội) và một trường đại học (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Y tế), bao gồm tổng cộng 32 khoa.
Viện đại học này có 81 người được giải Nobel, 52 người nhận Huân chương Khoa học Quốc gia (National Medal of Science), 45 Học giả Rhodes (Rhodes Scholars), và 38 Học giả MacArthur (MacArthur Fellows). MIT là một trong những cơ sở giáo dục bậc cao có tiêu chuẩn tuyển chọn sinh viên khắt khe nhất; chẳng hạn, khóa sẽ tốt nghiệp vào năm 2016 có 1.620 sinh viên được tuyển chọn từ 18.109 thí sinh, như vậy tỷ lệ được nhận vào chỉ 8.95%.