Ông Đoàn Nguyên Đức: Tôi tuyên bố tôi, HAGL lẫn Agrico đã bước ra khỏi ‘vũng lầy’ nợ nần!
Sau khoảng gần 1 thập kỷ bị nợ nần ám ảnh, với sự chuyển nhượng HAGL Agrico cho THACO, Chủ tịch HAGL – Đoàn Nguyên Đức đã hồ hởi thông báo là mình không còn nợ nữa. Chưa hết, trong tương lai, ông và HAGL vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi mảng nông nghiệp bằng cách đi theo HAGL Agrico và THACO.
Đang có rất nhiều câu hỏi xung quanh tương lai của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) sau khi họ chuyển nhượng công ty con HAGL Agrico (mã HNG) cho Tập đoàn THACO. Mặc dù trên lý thuyết, họ đang hoạt động trong cả hai lĩnh vực là bất động sản và nông nghiệp, nhưng trong khoảng 2 năm trở lại đây, HAGL chỉ còn tập trung vào nông nghiệp và gần như "bỏ quên" mảng bất động sản.
Cụ thể, trong khoảng 10 năm qua, ông Đoàn Nguyên Đức và cả HAGL đã ‘hy sinh’ rất nhiều cho lĩnh vực nông nghiệp, do sai lầm khi chọn sản phẩm chủ lực để đầu tư ở giai đoạn ban đầu – bằng cách chọn cây cao su; khiến Tập đoàn này buộc phải bán hết tất cả những gì có thể để trả nợ.
Đỉnh điểm, như thừa nhận của ông Đoàn Nguyên Đức tại một sự kiện gần đây, trong năm 2016, suýt chút nữa thì cả HAGL và Agrico đã bị phá sản, nếu các ngân hàng, dẫn đầu là Ngân hàng Đầu Tư BIDV không thừa lệnh Chính phủ cơ cấu lại các khoản nợ và giãn thời gian trả nợ, cho họ.
Để sinh tồn, năm 2017, Tập đoàn này đã bán mảng mía đường cho Thành Thành Công. Năm 2018, HAGL chuyển nhượng mảng bò sữa cho NutiFood. Tháng 3/2019, HAGL đã bán hết số cổ phần của mình tại HAGL Land – đơn vị đang quản lý dự án bất động sản cuối cùng của họ là khu phức hợp HAGL Myanmar cho THACO, chính thức rút lui khỏi mảng bất động sản. Ngoài ra, HAGL cũng đã bán hết các nhà máy thủy điện của mình.
Sở dĩ, HAGL quyết định bán những tài sản kể trên, ngoài để trả nợ và đầu tư, họ còn muốn tập trung toàn lực cho mảng nông nghiệp hay cụ thể là HAGL Agrico. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực nói trên vẫn không thể khiến HAGL Agrico tốt lên, doanh nghiệp này dù tạo ra doanh thu đáng kể song ngày càng chìm sâu vào nợ nần bởi ‘lãi mẹ đẻ lãi con’.
Năm 2018, ở thế bị ‘dồn vào chân tường’, ông Đoàn Nguyên Đức đành phải đến cầu cứu ông Trần Bá Dương, hy vọng THACO sẽ đầu tư vào Agrico để công ty có tiền trả nợ ngân hàng và tiếp tục sống sót. Mới đầu, ông Trần Bá Dương khá là ngần ngại, nhưng sau khi theo ông Đoàn Nguyên Đức đi thăm vùng trồng rộng bao la bát ngát của Agrico, Chủ tịch Thaco đã đổi ý.
Tuy nhiên, có vẻ sự tham gia với tư cách cổ đông quan trọng của THACO chỉ giải quyết ‘phần ngọn’ – giúp Agrico trả hết nợ ngân hàng, chứ không giúp doanh nghiệp này giải quyết ‘phần gốc’ – kinh doanh hiệu quả và có tiền đầu tư phát triển. Với mong muốn thoát khỏi ‘kiếp nợ nần’ và giúp Agrico có một bệ đỡ vững mạnh như THACO, ông Đoàn Nguyên Đức đã chấp nhận trao quyền lãnh đạo cho ông Trần Bá Dương và THACO ở Agrico.
Hiện Tập đoàn HAGL đang có rất nhiều công ty con và công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp
Sau đợt phát hành cổ phiếu vào đầu năm 2021, cơ cấu các nhóm cổ đông của Agrico như sau: THACO Group và gia đình ông Trần Bá Dương là 63,08%; HAGL Group là 26,82%; các cổ đông khác là 10,1%.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn HAGL vào cuối tháng 9/2020, họ có 6 công ty con trực tiếp, 16 công ty con gián tiếp và 2 công ty liên kết. Hoạt động chính của Tập đoàn và các công ty con là trồng – kinh doanh cao su, cọ dầu và các loại cây ăn trái, kinh doanh kho bãi, sơ chế nông phẩm và dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh khách sạn và các hoạt động thể thao giải trí.
Trong thời gian gần đây, ngoài chuyển nhượng quyền kiểm soát Agrico cho THACO, họ còn bán 6 công ty con cho đối tác chiến lược này; dù thế, số công ty còn lại liên quan đến HAGL vẫn rất nhiều. Trong đó, ngoại trừ 2 cái tên Công ty Cổ phần Thể thao Hoàng Anh Gia Lai và Công ty Cổ phần Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai; tất cả đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
"Đã có thời, tôi là người nợ nhiều nhất nước"
Với phong thái thẳng thắn, ông Đoàn Nguyên Đức đã có nhiều chia sẻ gan ruột trong buổi chuyển giao quyền lực tại Agrico vừa qua.
Agrico đối với ông Đoàn Nguyên Đức chính là ‘vừa yêu vừa hận’. Ông luôn cảm thấy tự hào vì mình đã gầy dựng được cho doanh nghiệp này một vùng trồng rộng lớn mà tại Việt Nam chưa ai có thể làm; đồng thời, cũng luôn cảm thấy ghét bỏ nó, vì chính Agrico khiến ông trở thành ‘người nợ nhiều nhất Việt Nam’ và luôn bị chất vấn, chỉ trích rất nhiều trong mỗi đợt ĐHCĐ của HAGL trong suốt vài năm gần đây.
"Hồi xưa, HAGL là tập đoàn chỉ đầu tư vào một lĩnh vực là bất động sản tập trung tại TP. HCM và là một doanh nghiệp dẫn đầu ngành. Sau đó, HAGL chuyển sang đầu tư nông nghiệp và bị lỗ. Chúng tôi ngày càng khó khăn và suýt phá sản vào năm 2016.
Lúc bắt đầu nhảy vào nông nghiệp, HAGL quyết định tập trung vào cây cao su. Lúc đó, cây cao su còn được gọi là ‘vàng trắng’. HAGL đã đi một chặng đường dài, trồng cao su từ năm 2008 đến 2012 – 2013 mới bắt đầu khai thác. Lúc mới đầu tư vào cây cao su, mủ của nó có giá từ 3.000-5.000 USD/tấn – nếu theo đúng kế hoạch, tới lúc thu hoạch theo mức giá này, HAGL sẽ lời từ 200 đến 300 triệu USD/năm. Nhưng, không may cho HAGL, tới lúc chúng tôi thu hoạch, có lúc mủ cao su chỉ còn 1.100 USD/tấn và bị lỗ", ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ nguyên do khiến Agrico trở thành ‘con nợ’ kinh niên.
Cũng theo ông Đoàn Nguyên Đức, tại thời điểm 2016, nếu Chính phủ không ra tay "cứu", nhiều khả năng bây giờ sẽ không còn tập đoàn HAGL nữa. Nhà nước đã giao cho BIDV nhiệm vụ là phải đứng ra tái cấu trúc nợ và kéo dài thời gian trả các khoảng vay ra thêm 5 năm cho HAGL; không chỉ với các khoản vay từ BIDV mà còn từ các ngân hàng khác.
Năm 2018, trong lúc đang vất vả tìm lối thoát cho HAGL và Agrico, thì ông Đoàn Nguyên Đức đã gặp ông Trần Bá Dương – Chủ tịch THACO Group.
Chọn cao su để đầu tư chủ lực đã khiến HAGL Agrico ôm một đống nợ trong nhiều năm.
"Cách đây 3, 4 hoặc 5 năm, ngồi đâu, tôi cũng thấy nợ nần và bị mọi người nói xấu đủ kiểu. Nói thật với các bạn, lúc đó tôi là người nợ nhiều nhất nước. Khi tôi ra đường, ai chê bai hay nói gì khó nghe cũng phải làm thinh. Năm 2018, HAGL không còn tiền và nợ đầm đìa, thậm chí tiền trả lương cũng không có. Vậy phải làm sao đây?
Lúc gặp anh Dương, tôi bàn với anh Dương và anh Dương đồng ý đầu tư vào nông nghiệp. Tôi đã đưa anh Dương sang Lào và Campuchia, sau đó, 2 anh em trao đổi thêm 1 hoặc 2 lần nữa gì đó, rồi 2 anh em thống nhất cùng đầu tư.
Lúc anh Dương nhìn thấy vùng nguyên liệu của HAGL Agrico tại Myanmar - Lào - Campuchia, anh Dương cảm thấy rất ấn tượng. Tôi cũng muốn tự hào chia sẻ, tại thời điểm đó, HAGL Agrico đang sở hữu khối tài sản mà hiếm có doanh nghiệp Việt Nam nào có được. Lớn lắm chứ không phải nhỏ đâu!
Năm 2008, chúng tôi là doanh nghiệp đầu tiên dám làm nông nghiệp quy mô lớn và đã đổ rất nhiều tiền – khoảng 2 tỷ USD, cũng như gầy dựng được một vùng nuôi trồng vô cùng rộng lớn", Chủ tịch HAGL hồi tưởng.
Sau khi ông Trần Bá Dương đồng ý đồng hành cùng HAGL, THACO ngay lập tức rót tiền. Chủ tịch HAGL kể: thời gian đầu tiên, ông Trần Bá Dương đã rót hơn 2.100 tỷ đồng vào doanh nghiệp này mà không có một mảnh giấy. Lý do là nếu Agrico không nhận tiền kịp thời sẽ chết. Bởi, nếu Agrico tiến hành theo đúng thủ tục phát hành trái phiếu và xin ý kiến cổ đông thông qua quyết định đó, cũng phải mất 2 tháng với nhiều thủ tục phức tạp khác, đợi tới lúc đó thì Agrico không còn sống nữa.
Nhờ số tiền mà ông Trần Bá Dương rót vào, HAGL và Agrico tạm thời tiếp tục có sự thanh khoản và Agrico có vốn để quyết tâm trồng 12.000 ha chuối. Hiện tại, chuối đang là một trong những sản phẩm chủ lực của HAGL Agrico, tạo nên doanh thu và thị trường rất lớn. Chính xác, dòng tiền từ THACO rót vào năm 2018 đã giúp Agrico có tiền trả lương cho công nhân viên và đầu tư vào diện tích đất còn trống trong số 80.000 ha đang có.
"Tôi và HAGL lẫn Agrico sẽ không còn nợ nữa!"
Chuối đang là sản phẩm mang lại nguồn thu chính cho Agrico trong mảng trái cây.
"Sau khi Agrico thoát khỏi cảnh bị phá sản, tôi với anh Dương cùng ngồi lại một lần nữa và chúng tôi quyết liệt phải làm tới cùng để thoát nợ. Có nhiều người nói là: anh Dương thâu tóm HAGL. Tôi xin thưa: tôi là người đã năn nỉ anh Dương thâu tóm HAGL. Agrico được thâu tóm là quá vinh dự! Trong 2 năm tròn hợp tác, không có bất cứ chút gì gọi là tị nạnh nhau, anh Dương hoàn toàn chân tình giúp đỡ HAGL và Agrico.
Cho tới thời điểm này, anh Dương đã đầu tư vào các công ty nông nghiệp của HAGL đúng 23.000 tỷ đồng. Với số tiền này, chúng ta có thể mua được mấy công ty làm nông nghiệp tại thị trường Việt Nam", ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định.
Có lẽ, với ông Đoàn Nguyên Đức, thì Agrico là một ‘đứa con’ được ông đặt rất nhiều kỳ vọng – như trở thành doanh nghiệp nông nghiệp đầu ngành của Việt Nam và cả Đông Nam Á, nhưng đáng tiếc ông lại không gặp thời và đủ tài lực để đưa Agrico đến những mục tiêu mà ông mong muốn. "Gả bán" Agrico cho THACO, chính là ông Đoàn Nguyên Đức đã tìm một gia đình tốt hơn cho ‘đứa con’ của mình.
Thế nên, dù mất quyền kiểm soát Agrico cũng như bán 6 công ty con cho THACO, song ông Đoàn Nguyên Đức rất vui, vì cả Agrico lẫn HAGL không còn nợ nần nữa.
"Hiện tại, bức tranh tài chính của Agrico đang rất sáng và tôi có thể tự tin khẳng định rằng: sắp tới Agrico là một công ty rất tốt – thuộc vào dạng khó tìm trên thị trường Việt Nam.
Lý do: thứ nhất Agrico quyết định tăng vốn điều lên lên thêm 7.414 tỷ đồng; thứ hai: HAGL quyết định bán cho anh Dương 4 công ty - trước đó đã bán 2 công ty rồi. Như vậy, tức là trong 3 ngày, chúng tôi thu hồi được 16.000 tỷ. Chúng tôi nợ ngân hàng 17.000 tỷ, nợ anh Dương 6.000 tỷ, chúng tôi cũng đã được hết nợ.
Lần đầu tiên, đã từ rất lâu rồi, tôi vinh dự và sung sướng thông báo rằng: tôi có công ty không còn nợ ngân hàng nữa. Agrico chỉ còn nợ anh Dương. Nếu không có anh Dương thì Agrico chẳng có hôm nay và chẳng có chuyện gì để bàn.
Lần nữa, cảm ơn các ngân hàng đã giúp chúng tôi đi qua 1 chặng đường rất dài với 5 năm gian khổ và đến hiện nay, tôi tuyên bố chính thức: tôi đã thoát ra khỏi ‘vũng lầy’ nợ nần. Hy vọng, các nhà đầu tư và ngân hàng tiếp tục ủng hộ HAGL và cả Agrico trong tương lai", ông Đoàn Nguyên Đức thổ lộ.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất vào cuối tháng 9/2020, số nợ phải trả của cả Tập đoàn HAGL là 26.346 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 11.299 tỷ đồng và nợ dài hạn là 15.047 tỷ đồng. Còn tính đến cuối tháng 11/2020, tổng các khoản nợ phải trả của Agrico là 16.078 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến 30/09/2020 là 2.663 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Đoàn Nguyên Đức còn nhấn mạnh một lần nữa: do đang phải ‘ôm’ Tập đoàn HAGL, nên việc ông nhường cho ông Dương làm Chủ tịch Agrico là hoàn toàn hợp lý. Hơn nữa, theo ông Đức, ông Trần Bá Dương đủ lực để trợ giúp Agrico ngày càng lớn mạnh vì THACO ‘đủ khả năng chuyên môn, quan hệ cũng như con người’.
Với ông Đức, nhường Agrico cho THACO là một quyết định sáng suốt chứ không có bất cứ sự lấn cấn nào từ phía HAGL như dư luận đang xì xào. Ông đề nghị dư luận đừng khiến mọi chuyện phức tạp hơn, vì có gì ông đã kể nấy và không giấu giếm gì cả.
Tiếp tục theo chân THACO và Agrico làm nông nghiệp
Với ông Đức, trong tương lai, Agrico chỉ có thu và thu.
"Cá nhân tôi cảm thấy, sau khi về tay THACO, dự án Agrico sẽ thành công và thành công rất nhanh. Tại sao?
Vì một công ty không còn nợ ngân hàng, có một doanh nghiệp vững mạnh đứng đằng sau là THACO, với diện tích đất chưa khai thác 30.000ha và 50.000ha đã canh tác và khai thác hiệu quả; sắp tới, chỉ có thu và thu. Nếu anh Dương không xuất hiện và nếu Agrico còn nợ ngân hàng, mỗi ngân hàng đến xiết nợ một người một chút, ngân hàng này lấy con, ngân hàng kia lấy trái…; chắc chắn Agrico sẽ ‘toang’.
Tôi tin rằng, với tài của anh Dương như vậy, khi anh cầm trịch Agrico, công ty không ‘thính’ mới lạ, thính là bình thường! Tôi là người rất rõ ràng viễn cảnh đó: hiện Agrico đang tập trung nuôi bò thịt và bò sinh sản, tập trung vào chuối, đu đủ và các loại cây ăn trái khác…
Sau khi có anh Dương vào, bản thân tôi cũng đã trả nợ được rất nhiều cho HAGL, vì tôi bán các dự án ở Myanmar được hơn 8.000 tỷ. Nếu trừ hết nợ, HAGL và Agrico chỉ là doanh nghiệp vừa và nhỏ chứ không phải doanh nghiệp lớn", ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ tiếp.
Phần ông Đức, ông cho biết, Tập đoàn HAGL sẽ đi theo THACO và Agrico tiếp tục làm nông nghiệp. "Vì sao không theo? Có tiền mà!", ông Đức nêu lý do. Ông Đức cũng cho rằng, ông Dương đang khiêm tốn khi đề ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trong vài năm tới, vì nó ít hơn dự đoán của ông.