Ông Đỗ Minh Phú: 4 từ khoá để 'cởi trói' cho kinh tế tư nhân

06/03/2021 20:34 PM | Kinh doanh

Ông Đỗ Minh Phú cho rằng, mọi vấn đề xung quanh vấn đề cơ chế, chính sách với KTTN đều có thể gói gọn trong 4 từ khóa: bình đẳng, bảo vệ, khuyến khích và tôn vinh.

Xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm dịch vụ hàng không của thế giới

Tại sự kiện "Đối thoại 2045" diễn ra chiều ngày 6/4, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank phát biểu, mục tiêu tăng trưởng liên tục và dài hạn rất thách thức, song Việt Nam có nguồn lực, có cơ sở, có động lực để biến khát vọng thành hiện thực.

Ông Đỗ Minh Phú: 4 từ khoá để cởi trói cho kinh tế tư nhân - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng Giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank. Ảnh: Quang Hiếu

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đề xuất đưa Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, phục vụ mọi đối tượng du khách. "Chính phủ nên ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistic... Xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đào tạo về dịch vụ hàng không của khu vực và thế giới".

Tập trung cởi trói cho kinh tế tư nhân

Cũng tại đây, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI cho hay, Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần đổi mới cải cách và cởi trói cho kinh tế tư nhân, giải phóng mọi nguồn lực. Ông Phú cho rằng, để làm được điều này, cần tập trung vào một số điểm cốt lõi.

Ông Đỗ Minh Phú: 4 từ khoá để cởi trói cho kinh tế tư nhân - Ảnh 2.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thứ nhất, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ. Điều này có nghĩa là các bộ, ngành cần thay đổi tư duy khi làm chính sách, thực thi chính sách từ "quản lý": quản lý doanh nghiệp, quản lý người dân sang tư duy "phục vụ": phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân. Đồng thời, các cơ quan công quyền cần ở tâm thế "tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đồng hành cùng họ", lấy sự hài lòng và thành công của cộng đồng doanh nghiệp và người dân là thước đo hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Tiếp theo, phải bình đẳng giữa DNTN và doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI, không phân biệt, không kỳ thị trong đánh giá, trong nhìn nhận, bình đẳng tiếp cận nguồn lực. Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, nếu làm đúng pháp luật thì phải bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo hiến pháp, pháp luật.

Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân thấy vinh dự, tự hào khi làm ra sản phẩm tốt, tạo công ăn việc làm. Nhất quán trong nhìn nhận, đánh giá tôn vinh sự đóng góp vai trò của các doanh nghiệp tư nhân/ hộ gia đình trong sự phát triển kinh tế tại địa phương và với đất nước.

Theo ông Phú, doanh nghiệp tư nhân ngày nay không chỉ còn tham gia những ngành thâm dụng lao động giản đơn, mà họ đã thực hiện các công trình lớn, tham gia vào các công đoạn phức tạp trong công nghệ và đã có nhiều tập đoàn KTTN đã đảm nhận vai trò đầu tàu ở những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như: công nghiệp điện tử viễn thông, tự động hóa, ô tô, sắt thép, hóa chất, xi măng...

"Vì vậy, nếu được trao cơ hội, các doanh nghiệp tư nhân chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ khó khăn mà mình được giao phó. Tôi cho rằng, mọi vấn đề xung quanh vấn đề cơ chế, chính sách với KTTN đều có thể gói gọn trong 4 từ khóa này", ông Phú nói thêm.

Liên quan đến kinh tế số, ông Phú kiến nghị cần đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia (Data) để phục vụ chiến lược nền kinh tế này. "Trong trào lưu phát triển như vũ bão của Cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống luật pháp của tất cả các quốc gia đều không thể theo kịp bước tiến đó, đặc biệt hệ thống pháp luật của Việt Nam đang chồng chéo, không đồng bộ".

Theo ông, đây là lực cản cho việc áp dụng các mô hình kinh tế mới, các công nghệ, kỹ thuật mới làm thay đổi thậm chí đảo lộn trình tự, hình thức và mô hình kinh doanh hiện thời. Ví dụ như kinh tế trí thức, kinh tế chia sẻ trong dịch vụ vận tải, Grab, Uber hay trong cho thuê nhà ở làm khách sạn AirBnB, cho vay ngang hàng P2P.

Do vậy, cần có cơ chế thử nghiệm chính sách (Sandbox) để áp dụng trong phạm vi nhỏ, không gian vừa phải, có thời hạn để rút kinh nghiệm và có trải nghiệm thực tế. Vấn đề này cần có văn bản pháp quy để đưa cơ chế sandbox thực hiện càng nhanh càng tốt.

Định hướng nền kinh tế tập trung vào 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Ông Đỗ Minh Phú: 4 từ khoá để cởi trói cho kinh tế tư nhân - Ảnh 3.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Liên quan đến định hướng nền kinh tế Việt Nam 2045, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital chỉ ra cần tập trung ngay bây giờ vào 3 vấn đề: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Trong đó, thiên thời là các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, nhà kính trong mối quan hệ tổng hòa với các lĩnh vực tạo nên sự tăng trưởng GDP nhằm tăng trưởng bền vững.

Địa lợi chính là việc tiếp tục nâng cao vai trò đầu tàu kinh tế Việt Nam của TP. HCM, đặc biệt là phát triển mạnh hạ tầng cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Nhân hòa là việc đẩy mạnh phổ biến kiến thức về tài chính cho người dân Việt Nam để người dân có những phương án tài chính bền vững khi về già, trong bối cảnh gần đây xuất hiện nhiều vụ lừa đảo trên thị trường.

Anh Vũ

Cùng chuyên mục
XEM