Ông chủ Thủy sản Thuận Phước: Chúng tôi tin và thông cảm với những khó khăn của Thủ tướng, nhiều "di sản" thâm căn cố đế không thể giải quyết một sớm một chiều
Chủ tịch Công ty thủy sản Thuận Phước Trần Văn Lĩnh tỏ ra rất phấn chấn trước cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp ngày 17/5. Ông Trần Văn Lĩnh hi vọng, những cuộc như thế này được tổ chức khác đi một chút: mở rộng đối tượng, thời gian tổ chức cũng thường xuyên hơn.
Chỉ còn vài ngày nữa cuộc gặp giữa Thủ tướng và cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được diễn ra. Trước thềm cuộc gặp này, Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc phỏng vấn với doanh nhân Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thuỷ sản và Thương mại Thuận Phước – công ty nằm trong Top 20 doanh nghiệp thuỷ sản xuất khẩu và Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Chính phủ khoá mới đã có nhiều chủ trương, chính sách hướng tới cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Ngày 17/5 tới đây, Thủ tướng sẽ gặp gỡ các doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, vướng mắc. Là một doanh nhân, ông có cảm nhận gì trước cuộc gặp lần thứ 2 với doanh nghiệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?
Từ cuộc gặp gỡ đầu tiên – 1 năm trước, phải nói rằng Thủ tướng đã tạo nên một bầu không khí phấn chấn khi tuyên bố về Chính phủ “kiến tạo, minh bạch, phục vụ doanh nghiệp”. Thủ tướng cũng tuyên bố tuyệt đối không hình sự hoá các vấn đề kinh tế, đồng thời, đặt các mục tiêu gần gũi hơn với doanh nghiệp. Cụ thể, giảm các chi phí liên quan, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tăng tính cạnh tranh trong khu vực, nhất là trong bối cảnh thế giới ngày càng phẳng hơn.
Sau những tuyên bố đó, cộng đồng doanh nghiệp như chúng tôi hết sức phấn khởi. Chúng tôi còn vui mừng hơn khi thấy rằng đích thân Thủ tướng và Chính phủ của ông đã làm việc với một tốc độ nhanh và nỗ lực lớn, khẩn trương trong việc thực hiện mục tiêu, lời hứa của mình.
Cũng phải nói rằng Chính phủ mới ngay từ những ngày đầu đã không nề hà hay bỏ qua bất cứ việc gì. Ví dụ chuyện ở quán cà phê Xin Chào cũng được giải quyết rốt ráo. Hay như mới đây, Thủ tướng đã gặp gỡ công nhân – một bộ phận tạo nên nền kinh tế Việt Nam, lắng nghe và giải quyết những khó khăn, tâm tư vướng mắc của họ bấy lâu nay.
Các Phó Thủ tướng cũng thế, làm việc hết sức quyết liệt, nhiều vấn đề đã giải quyết được. Tuy nhiên, về mục tiêu cụ thể cuối cùng mà doanh nghiệp mong muốn, là giảm được chi phí để tối đa hoá lợi nhuận, cạnh tranh toàn cầu thì chưa thực hiện được.
Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến mục tiêu chính vẫn chưa thực hiện được?
Thực ra Thủ tướng đã có nhiều điều chỉnh ở chính sách, nhưng ở đâu đó vẫn còn nhiều mâu thuẫn, bất cập nhau. Ví dụ, do ngân sách thiếu hụt trầm trọng, vay nợ nhiều, Việt Nam phải phát hành trái phiếu chính phủ và đấu thầu trái phiếu chính phủ trên 5% tuỳ theo niên hạn, tạo nên một mức lãi suất cơ bản thấp. Trái phiếu này được đánh giá là rất an toàn, ổn định, như vậy những nguồn vốn vay khác của doanh nghiệp làm sao rẻ hơn được. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt, giỏi nhất cũng chỉ có trong tay 30% vốn thôi, còn lại là vay. Vay mà trả lãi suất cơ bản cao hơn lãi suất Chính phủ đang vay thì vô tình đội giá thành lên cao hơn.
Một ví dụ khác là về giá thuê đất. Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được tăng giá đối với doanh nghiệp thuê đất nhưng ở một chỉ thị khác của Bộ Tài chính lại yêu cầu địa phương điều chỉnh giá đất cho thuê sát với giá thị trường. Và khi giá đất bên ngoài tăng vọt lên, do đầu cơ, dẫn đến giá đất cho doanh nghiệp thuê có khi tăng vọt lên từ 2 – 3 lần sau 1 chu kỳ kinh doanh (5 năm).
Thực ra doanh nghiệp chúng tôi cũng hiểu và thông cảm, nhiều thứ đã thành thâm căn cố đế rồi, là những “di sản” không dễ gì thay đổi một sớm một chiều. Chúng tôi chỉ hi vọng với tốc độ làm việc và tinh thần cầu thị như này, Thủ tướng sẽ dần cải thiện được.
Bởi lẽ, nếu có việc bình bầu năng suất làm việc Chính phủ nào năng động nhất thế giới, tôi tin Chính phủ của chúng ta đáng được bầu chọn.
Quay trở lại cuộc gặp sắp diễn ra, nếu được gặp Thủ tướng, ông sẽ kiến nghị, đóng góp gì?
Ngoài những cái tôi vừa nêu, tôi hi vọng rằng những cuộc như thế này có thể được tổ chức khác đi một chút: mở rộng đối tượng được gặp Thủ tướng, thời gian tổ chức cũng thường xuyên hơn.
Bởi lẽ, chính sách chỉ là mở đầu thôi, sau chính sách còn hàng trăm câu chuyện khác. Hiện tại, đã có sự chuyển động rồi, nhưng bảo là vào thực tiễn chưa thì chưa. Thậm chí, như Thủ tướng đã nói trong lần gặp trước là chính sách thậm chí còn làm cho mọi thứ nặng nề hơn.
Sau cuộc gặp năm ngoái, Chính phủ đã có những động thái quyết liệt, khiến cho từ tháng 7 – 12/2016 nền kinh tế đã có những đột phá nhất định, tăng trưởng tốt nhưng từ tháng 1/2017 đến tháng 4 này đã bị ỳ trở lại. Do đó, tôi cho rằng nên có những doanh nghiệp làm tham mưu cho Thủ tướng, để nêu được những vấn đề cụ thể, đang tồn tại trong nền kinh tế. Thành phần đó, phải bao gồm cả những doanh nghiệp nhỏ hay những người nghiên cứu cụ thể. Chứ như hiện nay, chủ yếu là các hiệp hội hay doanh nghiệp lớn nói, vậy sẽ bỏ qua nhiều thứ.
Dù vậy, tôi phải nói là chỉ số niềm tin trong chúng tôi cũng đang được cải thiện. Chúng tôi tin và thông cảm với những khó khăn của Thủ tướng. Trong một năm, dĩ nhiên nhiều thứ sẽ không giải quyết được. Nhưng tôi cũng cho rằng thời gian thử thách niềm tin là hữu hạn.