Ông chủ khu trọ nghĩa tình 15k/đêm cho người nghèo Hà Nội: "Cháy trụi cả rồi, giờ mọi người biết lấy chỗ đâu mà ở nữa..."
21h tối 17/9, con phố Đê La Thành không một bóng đèn. Vụ cháy từ hồi 5h30 chiều khiến người dân sống trong nơm nớp, cái cảnh có nhà mà không được về chua xót lắm. Trong ánh đèn leo lét của lực lượng chức năng, người ta nhận ra cái khu trọ dành cho người nghèo của ông Hiệp khùng cháy từ lúc nào rồi.
Khoảng 18h ngày 17/9, ngọn lửa bùng phát tại số 910 phố Đê La Thành (quận Đống Đa, Hà Nội) rồi lan sang nhiều khu nhà kế bên. Cột khói lúc này bốc cao hàng chục mét, có thể quan sát từ xa. Đám cháy bùng phát đúng vào giờ tan tầm nên dòng người qua lại trở nên nháo nhác. Do chủ nhà đi vắng, không có người ở trong nhà nên vụ việc được phát hiện khá muộn, hàng xóm xung quanh đã lập tức thông báo cho cơ quan chức năng.
Vụ cháy cả dãy trọ vào chiều tối ngày 17/9 khiến người dân Thủ đô bàng hoàng. Ảnh FB.
Gần 19h, các xe cứu hỏa liên tục được điều đến hiện trường. Cả trăm người dân tụ tập ở các góc đường theo dõi diễn biến đám cháy. Lúc này, ngọn lửa trong một số ngôi nhà vẫn bốc lên âm ỉ tuy không còn cháy to như trước. Dù trời mưa lớn và nhiều đợt nhưng đám cháy vẫn lan sang nhiều hộ kinh doanh trên phố Đê La Thành. Có người khóc than, ngồi sụp xuống đất vì cả tài sản phút chốc bị cháy sạch.
Tại khu vực cháy, có căn nhà của ông Hiệp "khùng" vốn nổi tiếng "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Vài chiến sĩ tiếp cận từ mái nhà, tốp còn lại chặn đường vào xóm trọ. Ông Hiệp đứng đầu ngõ, uống tạm hộp sữa đậu nành cầm hơi, tay ông vẫn còn mẩu bánh mì ăn vội. Chốc chốc lại có tiếng người hét lớn kèm mấy ánh đèn pha leo lét trong đêm.
"Đưa nước vô nhà ông Hiệp đi, cháy trơ trọi rồi!"
Khu vực Đê La Thành bốc cháy dữ dội đến tối cùng ngày.
Khu trọ nghèo của ông Hiệp "khùng" chỉ còn tro bụi
Ông Nguyễn Thế Hiệp năm nay 71 tuổi. Ông là cái lão "khùng", "gàn dở" rồi "bao công" chỉ vì mở dịch vụ cho thuê phòng trọ điều hoà với giá... 15.000 đồng/đêm. Người ta thường hay nói, giữa cái đất Hà Nội chật chội, bon chen này thiếu tiền thì rất khó sống. Nhưng đến với dãy trọ nhà ông Hiệp, mọi người đón nhận nhau bằng cái tình là chính.
Ông Nguyễn Thế Hiệp và người dân thuê trọ. Ảnh chụp vào tháng 7/2018.
Khu nhà trọ dành cho người nghèo của ông trước khi bị cháy...
...Và giờ chỉ còn cảnh tan hoang - Ảnh: Minh Nhân.
Khoảng 17h30 chiều 17/9, ông Hiệp phát hiện khu vực nhà mình ngay gần Bệnh viện Nhi Trung ương bỗng phát hoả. Nguyên nhân có thể do 2 nhà bên cạnh hàn sữa chữa nên không may lửa bén sang khu nhà mình. Thời điểm đấy, khách ở trọ phải lên đến 80 người. Nghe tiếng tri hô, ai nấy tất tưởi lo chạy thoát thân.
Ông Nguyễn Thế Hiệp - chủ dãy trọ giá rẻ ở Hà Nội.
"Cả khu nhà cháy từ tầng 3 trở lên gồm 24 buồng trọ, với 6 buồng phía dưới là tổng cộng 30 buồng. Riêng dãy nhà giá rẻ 15.000 đồng là cháy hết. Khi đấy trong khu có khoảng 80 người. Nếu như tôi có thất thoát thì bản thân có thể tự lo được, bằng cách vay mượn hoặc xin xỏ. Nhưng thiệt hại lớn nhất là bao nhiêu năm tích cóp xây khu nhà cho bà con, giờ chỉ biết đứng một góc nhìn lực lượng chức năng phong toả" - ông Hiệp nghẹn ngào.
Trước đấy, dãy trọ được mệnh danh "5 sao" nhà ông Hiệp có tổng cộng 4 khu, với sức chứa khoảng hơn 120 người một lúc. Ngoài điều hòa, ông còn trang bị cho tất cả các phòng ti vi, wifi, truyền hình cáp, nồi cơm điện, quạt, giường ngủ, chăn, gối... Giờ chỉ một ngọn lửa thôi đã thiêu rụi gần chục năm phấn đấu của ông.
Vẫn cái kiểu "gàn dở", ông Hiệp chưa "thèm" lo cho cái thân già của mình. Ông cứ hớt hải không biết tối nay, những người dân mà ông quen gọi là yếu thế, vùng sâu vùng xa không biết tá túc ở đâu. Người nào nghèo thì chịu cảnh màn trời chiếu đất, ai khấm khá hơn chút chắc cũng chỉ còn cách đi thuê nhà nghỉ giá rẻ.
Lực lượng chức năng tích cực dập lửa.
Khoảng 21h, UBND phường Ngọc Khánh phát loa thông báo, kêu gọi bà con có thể đến nhà văn hoá cụm 5 để tá túc. Tại đây, thức ăn và nước uống đã được chuẩn bị sẵn sàng. Nghe tiếng loa, ông Hiệp mừng lắm.
"Chính quyền cho mở nhà văn hoá để chia sẻ với người dân lúc hoạn nạn. Nếu ai chưa có chỗ nghỉ đêm nay, họ sẽ tá túc ở đó. Bởi thế, tôi cũng yên tâm phần nào. Còn riêng tôi thì mọi người không cần phải lo...".
Cả vùng trời đỏ rực, hiện vẫn chưa thể thống kê hết thiệt hại về tài sản của người dân.
Người nghèo khổ không biết lấy chỗ đâu mà ở...
Nhớ lại danh xưng Hiệp "khùng" năm nào, giữa màn đêm tại con phố Đê La Thành bị cắt điện toàn khu vực, ông Hiệp vẫn khúc khích cười. Có người không hiểu, cứ nghĩ ông này... dễ dãi, chẳng hiểu sao lại để người dân gọi vu vơ như thế. Đến khi hiểu rồi, người ta mới ngợ ra, rằng ở Hà Nội đất chật người đông này, hiếm ai "khùng" nhưng đặc biệt như ông Hiệp.
"Những lần làm hiệp sĩ giao thông, tôi điều tiết giao thông mà chẳng cần dụng cụ. Hè phố thông thoáng, người ra giơ ngón tay 5 ngón là tôi hạnh phúc lắm rồi. Với những danh xưng người đời vẫn gọi, tôi thấy vui chứ cũng không thấy hoa mỹ gì. Mình không có chức danh nhưng mỗi ngày được chia sẻ với người nghèo, ấy là niềm vui lớn nhất. Nhiều khi ra đường, bắt một chiếc xe taxi, người ta thấy tôi còn không lấy tiền".
Điều bây giờ ông quan tâm nhất sau khi khu trọ mình cháy rụi, là sau này những người nghèo, người vùng sâu vùng xa tìm nhà bác Hiệp không biết như nào.
Ông Hiệp gọi điện trấn an người thân.
"Đó là điều thiệt thòi lớn nhất! Người nghèo khổ không biết lấy chỗ đâu mà ở. Còn bản thân tôi cũng chẳng rõ kiếm tiền đâu ra để cải tạo lại khu trọ."
Ông Hiệp dễ thương lắm, ông cứ lặng lẽ làm, sắp xếp mọi việc lớn nhỏ trong xóm. Cho thuê phòng giá rẻ, vốn đã chẳng sinh lãi được bao nhiêu. Nhưng hễ có đồng nào rảnh rỗi chưa cần dùng đến là ông lại đem đi làm từ thiện hoặc cho khách thuê phòng vay mượn để chữa bệnh cho con mà chẳng cần một loại giấy tờ, sự thế chấp nào làm tin.
Đến gần 22h, lực lượng chức năng vẫn ra sức dập lửa.
Nghe bảo tuần tới ông sẽ lên Cao Bằng làm từ thiện nhân dịp Tết Trung Thu, thiệp tặng các cháu còn chưa kịp in, vẫn nằm ở cái quán photo đầu xóm. Đột nhiên cháy nhà, cháy ngõ, ông Hiệp phân vân liệu dịp tới có thể thực hiện được chuyến đi này hay không.
Khi mà dòng người vẫn ngược xuôi chạy giặc lửa, lối vào xóm trọ bị bịt kín, ông Hiệp ngồi một mình hút hộp sữa nghe "sụt sụt". Đó là phần quà người dân mua cho ông, từ khi có lửa đến khi trời đã về đêm, ông còn chẳng buồn ăn buồn uống.