Ông chủ hãng thời trang Aristino: Việt Nam chỉ giỏi may thôi, các doanh nghiệp vẫn sẽ gặp "bất trắc" trước 3 đòi hỏi "vô độ" của khách hàng
Việt Nam mới chỉ may giỏi thôi, chúng ta vẫn tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị của toàn ngành.
Năm 2018, dệt may Việt Nam đánh dấu mốc quan trọng khi kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD, tăng trưởng hơn 16% so với năm 2017 (năm 2015 tăng 12,1%, năm 2016 tăng 4,07%, năm 2017 tăng 10,8%). Ngành dệt nằm trong tốp 3 nước xuất khẩu cao nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Sáu tháng đầu năm 2019, mặc những biến động kinh tế và ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7,22 tỷ USD, tăng 12,84% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tại tọa đàm "Triển vọng kinh tế - tài chính năm 2020 và Góc nhìn của doanh nhân", do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HANOIBA) tổ chức gần đây, ông Tăng Văn Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty K&G Việt Nam, người sở hữu thương hiệu Aristino cho rằng: “Việt Nam mới chỉ may giỏi thôi, chúng ta vẫn tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị của toàn ngành.”
Tọa đàm "Triển vọng kinh tế - tài chính năm 2020 và Góc nhìn của doanh nhân", do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HANOIBA) tổ chức gần đây.
Đồng thời, trong khi vẫn chưa có thương hiệu thời trang trong nước nào thực sự nổi trội và thống lĩnh thị trường thì ngày càng có nhiều cái tên nổi tiếng từ nước ngoài tiến vào, tranh giành miếng bánh thị phần.
“Đây là một lĩnh vực đang rất nóng bỏng và thay đổi nhanh chóng. Thị trường Việt Nam như miếng bánh còn lại duy nhất vậy, rất nhiều ông lớn đang tìm đến, gần đây nhất là Uniqlo”, ông Khanh nhận định.
Để miêu tả viễn cảnh kinh doanh của năm 2020, có lẽ phải dùng từ “bất trắc”, do sự biến động của nền kinh tế và cả hành vi khách hàng. Chủ thương hiệu thời trang Aristino chỉ ra ba đòi hỏi “vô độ”của khách hàng đang ngày càng hiện hữu rõ hơn, bao gồm:
Miễn phí: Cùng một mức chi trả nhưng muốn nhận được nhiều lợi ích hơn.
Hoàn hảo: Sản phẩm của bạn, cũng mức giá ấy nhưng phải hoàn thiện hơn nữa.
Ngay lập tức: khi có nhu cầu.
Ông Tăng Văn Khanh (giữa), chủ thương hiệu thời trang Aristino.
Vậy doanh nghiệp cần có chiến lược gì trong dài hạn ngắn hạn? “Chúng tôi không dám dùng từ chiến lược, chỉ có thể tập trung vào ba nỗ lực trong năm tới.
Đầu tiên, thấu hiểu khách hàng. Một điểm yếu của doanh nghiệp Việt là chưa nghiêm túc nghiên cứu thị trường và chưa có cơ sở dữ liệu khách hàng, dẫn đến tình trạng không hiểu “thượng đế” đang muốn gì và đang thay đổi ra sao.
Thứ hai, sau khi hiểu thì cần đáp ứng, về cả chất lượng sản phẩm và trải nghiệm khách hàng.
Cuối cùng, kết nối, xây dựng thương hiệu. Không chỉ mang lại nhiều quyền lợi, dịch vụ hơn mà còn là làm thương hiệu, tạo được tình yêu nơi khách hàng. Nếu ta chỉ mang lại quyền lợi vật chất thì khi có người khác mang lại lợi ích cao hơn, khách hàng sẽ rời bỏ mình.
Nếu doanh nghiệp nào không làm được điều này, dù 100 năm trước anh vẫn khỏe mạnh thì bây giờ cũng có thể ‘lên đường’ bất cứ lúc nào”, ông Khanh nhấn mạnh.