Ở Trung Quốc, dùng smartphone quét mã QR đã trở thành "dĩ vãng", giờ đây chỉ cần nhìn vào camera, mỉm cười là thanh toán xong!
Những gã khổng lồ công nghệ từng giúp thúc đẩy thanh toán bằng mã QR tại Trung Quốc đã chuyển hướng sang một thứ thậm chí còn dễ sử dụng hơn chính là khuôn mặt của người dùng.
Trong những năm gần đây, thanh toán bằng cách quét mã QR đã trở thành một hình thức phổ biến ở Trung Quốc. Nhưng khi phương thức này ngày càng được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới, những gã khổng lồ công nghệ từng giúp thúc đẩy thanh toán bằng mã QR tại Trung Quốc đã chuyển hướng sang một thứ thậm chí còn dễ sử dụng hơn chính là khuôn mặt của người dùng.
Hiện nay, tại nhiều thành phố khác nhau trên khắp đất nước tỷ dân, từ siêu thị đến cửa hàng thông thường đã áp dụng công nghệ thanh toán qua nhận dạng khuôn mặt từ Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent.
Theo các chuyên gia, công nghệ nhận diện khuôn mặt đã đem lại bước tiến mới trong việc thanh toán cho người tiêu dùng và có khả năng mang tới một làn sóng hoàn toàn mới cho những người dùng ít am hiểu công nghệ như người già hay người khuyết tật. Về mặt kinh doanh, thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt được dự kiến sẽ cải thiện hiệu quả trong tương lai không xa.
Nhiều cửa hàng ở Trung Quốc đã áp dụng thanh toán bằng gương mặt.
Alipay lần đầu tung ra hệ thống nhận diện khuôn mặt Dragonfly – bản nâng cấp của hệ thống Smile-to-Pay vào tháng 12 năm ngoái và kể từ đó đã mở rộng tới hơn 300 thành phố ở Trung Quốc. Không chịu thua kém, WeChat Pay cũng ra mắt thiết bị của mình 3 tháng sau đó, có khả năng quét gương mặt của khách hàng cũng như mã QR để thanh toán.
Bước vào một siêu thị CP Lotus ở Bắc Kinh, bạn sẽ thấy nhân viên thu ngân được trang bị máy tính bảng mang nhãn hiệu Alipay. Nếu muốn thanh toán bằng nhận dạng khuôn mặt, khách hàng chỉ cần nhìn vào camera của máy tính. Trong vài giây, hệ thống sẽ nhận ra người dùng là ai và tiền được trừ trực tiếp từ tài khoản Alipay của họ. Có thể nói, tại Trung Quốc hiện nay, đã qua rồi những ngày người dùng phải loay hoay lấy điện thoại, mở ứng dụng và quét mã QR để thực hiện thanh toán.
David Wang, 30 tuổi nhận xét: "Cách này rất tiện lợi vì nó giúp tôi tiết kiệm đáng kể thời gian. Tất cả những gì tôi cần làm chỉ là nhìn vào camera mà thôi".
Nhà phân tích bán lẻ Tiffany Lung cho biết thanh toán bằng nhận dạng khuôn mặt tỏ ra ưu việt hơn các hệ thống thanh toán di động hiện tại, chủ yếu là nhờ không cần nhiều thiết bị để hoàn thành giao dịch ngoài máy tính quét gương mặt.
Thanh toán bằng mã QR đã "lỗi thời" tại Trung Quốc.
Và một lần nữa, thị trường thanh toán đầy cạnh tranh ở Trung Quốc lại chứng kiến sự đối đầu giữa 2 ông lớn Alipay và WeChat Pay trong lĩnh vực thanh toán nhận diện khuôn mặt.
Là 2 nhà cung cấp thanh toán hàng đầu tại đất nước đông dân nhất thế giới, Alipay và WeChat Pay đã cùng nhau chiếm hơn 90% mảng thanh toán di động của Trung Quốc vào năm ngoái. Ở đại lục, WeChat Pay được hưởng lợi khá nhiều từ việc được đưa vào ứng dụng nhắn tin WeChat (có hơn 1 tỷ người dùng toàn cầu) và do đó có tỷ lệ thâm nhập lên tới 89,2% so với 69,5% của Alipay. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Ipsos, về khối lượng giao dịch, 2 bên gần như tương đương nhau: WeChat Pay chiến 45% tổng số tiền giao dịch và Alipya chiếm 46%.
Ngoài người tiêu dùng, các doanh nghiệp cài đặt hệ thống thanh toán nhận diện khuôn mặt cũng được hưởng lợi do tăng hiệu quả và giảm chi phí thuê nhân công.
Ví dụ như Alipay cung cấp một số giải pháp như máy bán hàng tự động và máy tự thanh toán đều dùng cách quét gương mặt để thanh toán. Điều này giúp các doanh nghiệp giảm lượng nhân viên thu ngân cần thiết, đồng thời giảm thời gian hoàn thành giao dịch.
Ngoài ra, phương thức này vừa là xu hướng công nghệ mới nhất ở Trung Quốc và còn vừa phục vụ một mục đích khác ý nghĩa hơn là giúp những người ít hiểu biết về công nghệ thanh toán dễ dàng hơn.
Theo một báo cáo năm 2019, dân số Trung Quốc là 1,4 tỷ người nhưng chỉ có 829 triệu trong số đó sử dụng Internet. Khi nói đến thanh toán di động, con số đó còn giảm hơn nữa, chỉ còn 40% dân số (hay 583 triệu người dùng) thanh toán qua smartphone.
Trong 562 triệu người vẫn chưa được kết nối Internet vào cuối năm ngoái, hơn 87% thiếu kỹ năng máy tính và không thể sử dụng bính âm (dùng chữ cái Latin để thể hiện cách phát âm các chữ Hán trong tiếng phổ thông Trung Quốc) để truy cập mạng Internet. Vì vậy, vấn đề đáng lưu ý là trong khi Trung Quốc đi trước nhiều quốc gia trên thế giới về Internet di động thì một lượng lớn dân số của họ vẫn chưa được kết nối.
Trên thực tế, Trung Quốc đã phát triển kỹ thuật số đến mức một số nhà hàng thậm chí không sử dụng menu vật lý nữa mà khách hàng chỉ cần quét mã QR trên bàn rồi đặt món ăn trên điện thoại.
Đến nay, thanh toán nhận diện khuôn mặt vẫn chưa phải là phương thức mặc định ở Trung Quốc nhưng theo các chuyên gia, nó sẽ sớm trở thành chuẩn mực. Từ tiền mặt, thẻ tín dụng đến mã QR, lịch sử đã chỉ ra rằng phương thức nào thuận tiện nhất sẽ trở thành xu hướng.