Người nghèo Trung Quốc phải chấp nhận ô nhiễm vì không có tiền mua không khí sạch

06/02/2017 14:34 PM | Kinh doanh

Khi chỉ số chất lượng không khí ở Bắc Kinh chạm mốc 500 hoặc hơn, nhiều người lao động Trung Quốc sẽ nghỉ bán. Nhưng miếng cơm manh áo khiến họ lại phải lao ra đường.

Nhận thấy bầu trời trở nên trong xanh sau ba ngày chìm trong khói bụi, Sophie Gao đưa cô con gái 2 tuổi của mình ra ngoài nhà chơi ở quận Shunyi, Bắc Kinh.

Nhưng vào khoảng 11 giờ trưa, cô cảm thấy gió đang thổi đến từ phía nam. Cô nhìn lên và thấy bầu trời trong xanh lại trở nên xám xịt. Cô nhanh chóng đưa con gái vào nhà khi không khí thấm đẫm mùi than cháy khét.

Trong khi đó, anh Lu Wei, 27 tuổi, đang lái chiếc xe đạp điện đi giao hàng ở quận Chaoyang. Anh đeo khẩu trang khi lái xe, nhưng chỉ được một lúc anh lại phải tháo ra vì thấy khó thở.

Nửa ngày hôm đó, 2/1, là thời điểm duy nhất người dân Bắc Kinh có thể thấy bầu trời xanh từ 30/12/2016 đến 7/1/2017. Trong 9 ngày, thủ đô của Trung Quốc bị bao phủ bởi một làn sương mù dày đặc, gồm các phân tử bụi gây ung thư có đường kính 2,5 micromet (PM2.5). Mật độ bụi PM2.5 ở Bắc Kinh là 500 microgram/1 m3 không khí, cao hơn mức chuẩn của Trung Quốc 35 microgram và Tổ chức y tế thế giới 10 microgram.

Đứng trước thực trạng trên, nhiều cư dân mạng của nước này đã cay đắng thốt lên, nếu có một thứ mà mọi người Trung Quốc, giàu hay nghèo, không thể tránh được thì đó là khói bụi. “Chúng tôi hít thở cùng một bầu không khí và chịu chung một số phận”, họ nói.

Sự thật không như nhiều người nghĩ

Người giàu ở Trung Quốc, và thậm chí một số bộ phận thuộc tầng lớp trung lưu, có nhiều lựa chọn để đối phó với khói bụi. Họ có thể rời bỏ những vùng ô nhiễm để tới các thành phố duyên hải trong lành hơn ở phía nam, hay thậm chí là ra nước ngoài. Họ có thể trú ẩn trong những tòa nhà văn phòng và nhà riêng được máy lọc không khí bảo vệ.

Họ còn đeo khẩu trang chuyên dụng đắt tiền, có khả năng loại bỏ hạt PM2.5, khi ra đường. Trong khi đó, người nghèo thì phải vật lộn kiếm sống ở ngoài trời và hít thứ khói bụi độc hại cả ngày liền.

Là một người giao hàng, Lu làm việc sáu ngày một tuần, từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối với mức lương 5.000 nhân dân tệ (16,5 triệu đồng). Anh phải tiếp xúc với khói bụi gần như cả ngày, trừ những lúc vào các tòa nhà để giao hàng. Vào ngày nghỉ, anh sống trong một căn hộ đi thuê ở cách xa trung tâm Bắc Kinh. Căn hộ của anh không có máy lọc không khí.

“Tôi hay vận chuyển máy lọc không khí và tôi biết giá của chúng. Nhưng tôi chỉ về nhà để ngủ, vì thế tôi chẳng cần mua làm gì”, anh nói.

Zhang Wenlian, 52 tuổi, cũng phải làm việc ở ngoài trởi trong nhiều giờ liên tiếp. Cô bán rau quả với chồng ở sau một tòa nhà tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh.

Họ mặc áo khoác dày để chống chọi với cái lạnh của Bắc Kinh, nhưng không đeo khẩu trang để tiện giao tiếp với khách hàng. Nhiều khách hàng của họ sống ở những tòa văn phòng gần đấy, và đeo khẩu trang chuyên dụng N95, có khả năng lọc 95% các phân tử bụi trong không khí.

“Dĩ nhiên, tôi biết mình nên đeo khẩu trang, nhưng làm như thế rất khó thở. Tôi không thể đeo nó cả ngày trởi được”, Zhang nói.

Zhang và chồng chuyển tới Bắc Kinh 3 năm trước. Họ sống trong một căn hộ đi thuê với hai đứa con đang học tiểu học tại một ngôi trường gần quầy rau quả của họ. Họ biết trong làn khói bụi có những gì. Họ biết mình nên tránh chúng. Nhưng họ nhận ra mình không có đủ khả năng.

Hai vợ chồng quyết định rằng, vào những ngày xấu trời nhất, khi chỉ số chất lượng không khí ở Bắc Kinh chạm mốc 500 hoặc hơn, họ sẽ nghỉ bán. Nhưng miếng cơm manh áo khiến họ lại phải lao ra đường.

“Tôi có thể làm gì đây? Cứ mỗi sáng thức dậy là tôi biết mình phải trả một đống tiền. Nếu chúng tôi không bán hàng, chúng tôi lấy gì mà ăn? Máy lọc không khí là gì? Chỉ cần đủ ăn là tôi vui lắm rồi”, cô chia sẻ.

Người giàu được bảo vệ tốt hơn

Về phần mình, Gao đang tìm mua máy lọc không khí cho ô tô, sau khi lắp máy lọc không khi cho ngôi nhà của cô. Cô cũng mua khẩu trang cao cấp, và cho biết cô không tiếc tiền để giúp gia đình có không khí sạch hơn để thở.

“Tôi từng định chi ít tiền hơn cho các thiết bị này khi thấy tình hình tạm ổn. Vì tôi muốn tiết kiệm tiền để chi các khoản khác cho con. Nhưng giờ đây tôi nghĩ, việc sống sót mới là quan trọng”, cô nói.

“Tôi không quan tâm mình bỏ ra bao nhiêu tiền, chừng nào chưa lọc sạch không khí trong nhà. Tôi không giới hạn ngân sách cho việc này. Chừng nào tôi có thể mua sức khỏe cho gia đình và con cái, tôi có thể chấp nhận mọi cái giá phải trả”, Gao chia sẻ.

Nam Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM