Ô nhiễm: 'Di sản' của những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Sự bùng nổ kinh tế của những quốc gia như Trung Quốc hay Ấn Độ đã khiến hàng triệu người thoát nghèo, nhưng cái giá phải trả cho sự tăng trưởng nóng này lại quá lớn. Rất nhiều người Ấn Độ và Trung Quốc đã tử vong vì một nguồn không khí ô nhiễm hay nguồn nước bẩn.
Theo hãng tin Bloomberg, ô nhiễm không khí đứng hàng thứ 6 trong số những nguyên nhân khiến nhiều người thiệt mạng nhất trên thế giới. Những hạt li ti trong không khí chui vào phổi người, gây ra chứng khó thở, ung thư phổi hay truyền nhiễm các bệnh về đường hô hấp đã khiến hơn 4 triệu người chết năm 2016.
Tệ hơn, khoảng 99% trẻ em dưới 5 tuổi hiện nay ở Nam và Đông Á đang phải hít thở một bầu không khí bẩn.
Những khu vực ô nhiễm không khí nhất tại Ấn Độ và Trung Quốc
Mức độ ô nhiễm không khí của thủ đô Bắc Kinh và New Delhi so với tiêu chuẩn của WHO
Nếu tại Trung Quốc, nguồn ô nhiễm không khí đến từng các cơ sở công nghiệp, nhà máy nhiệt điện thì tại Ấn Độ, xe hơi và tàu hỏa lại là thủ phạm chính khiến ô nhiễm không khí. Ngoài ra, việc đốt than nấu nướng và đốt rạ cho nông nghiệp cũng khiến không khí tại Ấn Độ trở nên tệ hại.
Tình hình tại Ấn Độ tệ đến mức Bộ trưởng môi trường của nước này đã phải cho đóng cửa nhiều nhà máy nhiệt điện bằng than, gia tăng số công nhân vệ sinh. Tuy vậy những biện pháp này chỉ mang tính chất tình thế hơn là giải quyết cốt lõi của vấn đề.
Tỷ lệ nhiệt điện dùng than của Ấn Độ và Trung Quốc
Gỗ đốt vẫn là nguồn nhiên liệu đun nấu chính tại Ấn Độ, trong khi Trung Quốc dùng thêm cả than
Đối với một quốc gia đang phát triển, ngành công nghiệp nặng là một trong những cách nhanh nhất để thoát nghèo, nhưng ô nhiễm không khí lần nguồn nước lại là cái giá phải trả cho sự tăng trưởng này. Thậm chí nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những tác động tiêu cực từ môi trường đang khiến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia này bị xói mòn. Chính phủ nhiều nước hiện đã nhận ra không khí bẩn không chỉ là vấn đề sức khỏe mà chúng còn ảnh hưởng đến kinh doanh, sản xuất.
Trong những năm gần đây, chính phủ Ấn Độ đã cung cấp hơn 700.000 thiết bị nấu nướng bằng năng lượng mặt trời cũng như nối đường khí ga cho hơn 34 triệu gia đình. Con số này dự kiến sẽ đạt 80 triệu hộ vào năm 2020.
Ô nhiễm không khí đã làm xói mòn những thành quả về kinh tế trong khoảng 1990-2013 của Ấn Độ và Trung Quốc
Doanh số phương tiện vận tải bằng điện tại Ấn Độ và Trung Quốc
Tại Trung Quốc, vấn đề ô nhiễm không khí đã gây chú ý từ năm 2008 khi đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh công bố chỉ số về chất lượng không khí nơi đây. Chính sự lan truyền của chỉ số này trong giới truyền thông đã khiến chính phủ Trung Quốc buộc phải có các biện pháp nhằm giải quyết tình hình. Những nhà máy nhiệt điện chuyển từ than sang khí đốt, các khu vực quanh thủ đô Bắc Kinh được quy hoạch là vùng xanh, nghĩa là cấm những hoạt động gây ô nhiễm không khí.
Nhờ hàng loạt các biện pháp này mà giờ đây người dân thủ đô Bắc Kinh có thể thấy một bầu trời trong xanh sau cơn mưa, một điều khá hiếm có trước đây.
Mặc dù vậy, việc vừa phải duy trì tăng trưởng vừa bảo vệ môi trường vẫn là một điều khó khăn với các nước như Trung Quốc và Ấn Độ. Trước đây những nền kinh tế phát triển chưa phải trai qua điều này khi họ tự do xây dựng ngành công nghiệp nặng của mình và chỉ bắt đầu quan tâm đến môi trường từ thập niên 1970. Bởi vậy, cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều phải tự lần mò hướng đi cho riêng mình chứ không thể học hỏi bất kỳ quốc gia nào.