Ở Israel, học sinh cuối cấp chỉ mơ vào quân đội thay vì được học ở Harvard, Princeton hay Yale

11/04/2016 11:04 AM | Sống

Ở Israel, quá khứ quân ngũ của một người đôi khi còn quan trọng hơn quá khứ học hành của họ.

Là một quốc gia đối mặt với kẻ thù ở tứ phía, dân số ít ỏi, quân đội là đơn vị đặc biệt nhất ở Israel đảm bảo cho sự sống còn của đất nước.

Quân đội Israel là nơi ươm mầm, nuôi dưỡng và đào tạo nên những sĩ quan thiện chiến trên chiến trường, những doanh nhân xuất chúng trên thương trường và những cá nhân ưu tú trên các mặt trận khác.

Thanh niên Israel: Vào quân ngũ trước, học đại học sau

Cứ đến 18 tuổi, các nam nữ thanh niên Israel sẽ vào quân đội tối thiểu từ 2-3 năm. Nếu sau đó không tiếp tục tại ngũ, họ thường vào đại học. Tỉ lệ người Israel vào đại học sau khi giải ngũ là rất lớn, nếu so với bất cứ đâu trên thế giới.

Thường thì quân đội các nước chỉ có thể tuyển quân từ những người tình nguyện gia nhập quân đội, họ không có quyền năng nghiên cứu học bạ của từng học sinh trung học và mời những người đạt thành tích cao nhất cạnh tranh với những người đồng lứa tài năng nhất để lọt vào vài vị trí đáng thèm khát. Trong khi Israel thì ngược lại, quân đội nước này được quyền chọn những người giỏi nhất.

Chính bởi vậy, quân đội Israel là đội quân sở hữu những binh sĩ tinh nhuệ vượt trội trên chiến trường. Và không đâu trên thế giới sở hữu nhiều quân nhân/cựu quân nhân thành công trên thương trường như Israel.

Các cựu sĩ quan Israel, thay vì hồi tưởng lại các trận đánh và những hoài niệm quân sự, họ hướng về tương lai, tập trung vào mạng lưới làm ăn hay thuyết trình về công ty và lĩnh vực họ đang hoạt động.

Một trong những câu hỏi thường xuất hiện trong buổi phỏng vấn ở Israel là:

'Bạn đã phục vụ ở đơn vị nào trong quân đội?'.

Ở Israel, quá khứ quân ngũ của một người đôi khi còn quan trọng hơn quá khứ học hành của họ. Một trong những câu hỏi thường xuất hiện trong buổi phỏng vấn là, 'Bạn đã phục vụ ở đơn vị nào trong quân đội?'.

Trong khi học sinh trung học các nước bận rộn với việc chọn trường đại học nào, thì học sinh Israel lại cân nhắc những giá trị khác nhau của các đơn vị quân đội và định hướng bản thân để được tuyển dụng vào các đơn vị ưu tú nhất.

Họ - các học sinh cuối cấp ở Israel sẽ tìm đến các đơn vị không quân, "sayarot" - đơn vị biệt kích của hải quân, lính dù, lữ đoàn bộ binh, khắt khe nhất là Sayeret Matkal - đơn vị lính biệt kích trực thuộc tham mưu trưởng quân đội, những đơn vị tình báo tinh hoa như 8200, sư đoàn hệ thống máy tính Mamram hay Talpiot - đơn vị kết hợp huấn luyện công nghệ với tất cả hoạt động của những đơn vị biệt kích hàng đầu.

Ở Israel, một năm trước khi đủ tuổi nghĩa vụ quân sự, mọi thanh niên nam nữ 17 tuổi đều phải đến trình diện tại các trung tâm tuyển quân của quân đội Israel để trải qua đợt sơ tuyển kéo dài 1 ngày, gồm kiểm tra tâm lý và năng khiếu, phỏng vấn và khám sức khỏe.

Bảng phân loại kết quả sức khỏe và tâm lý sẽ có vào cuối ngày, từng ứng viên sẽ nhận được đề xuất khả thi trong buổi phỏng vấn cá nhân. Các ứng viên đáp ứng yêu cầu sức khỏe, năng khiếu và tính cách sẽ được trao cơ hội làm các bải kiểm tra phụ để được nhận vào những đơn vị hoặc sư đoàn tinh nhuệ trong quân đội.

Trong khi rất khó lọt vào các trường đại học hàng đầu của Israel thì những cơ sở đào tạo quốc gia là các đơn vị tinh nhuệ của quân đội Israel lại được ví ngang hàng với Harvard, Princeton và Yale ở Mỹ. Nếu ứng viên từng phục vụ ở các đơn vị này, nhà tuyển dụng tương lai sẽ biết người đó đã trải qua những quy trình tuyển chọn nào và những kỹ năng, kinh nghiệm liên quan nào mà họ có.

Và minh họa điển hình nhất, về sự lựa chọn nghiêm ngặt, huấn luyện hà khắc ở mức cao nhất, là Talpiot - một biểu tượng hạng "VIP" của quân đội Israel.

Tuyển quân khắc nghiệt như Talpiot

Cái tên Talpiot xuất phát từ một câu trong Bài Thánh Ca, đề cập đến một tháp pháo của lâu đài, thuật ngữ này bao hàm những thành tích đỉnh cao.

Talpiot vừa là đơn vị có cơ chế tuyển chọn khắt khe nhất, vừa có thời gian huấn luyện kéo dài nhất, đến 41 tháng (3 năm rưỡi), lâu hơn cả toàn bộ thời gian nghĩa vụ của hầu hết binh lính. Những ai tham gia chương trình này còn phải ký cam kết ở lại quân đội thêm 6 năm, nâng thời gian phục vụ tối thiểu trong quân đội của họ thành 9 năm rưỡi.

Chương trình Talpiot là sản phẩm trí tuệ của hai nhà khoa học thuộc Đại học Hebrew là Felix Dothan và Shaul Yatziv. Ý tưởng được nảy ra sau thất bại của cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, khi đó Israel bị tấn công bất ngờ và phải gánh chịu thương vong nặng nề.

Israel phải bù đắp cho diện tích nhỏ và dân số ít ỏi của mình bằng cách duy trì thế mạnh về công nghệ và chất lượng.

Cuộc chiến là lời cảnh báo đắt giá rằng Israel phải bù đắp cho diện tích nhỏ và dân số ít ỏi của mình bằng cách duy trì thế mạnh về công nghệ và chất lượng. Bằng cách đơn giản là chọn ra một nhóm nhỏ những tài năng trẻ xuất chúng nhất của Israel và đào tạo để họ nắm bắt được những công nghệ chuyên sâu nhất mà các trường đại học và quân đội có thể nghĩ ra.

Ban đầu chỉ là một thử nghiệm kéo dài một năm, hiện chương trình đã thực hiện liên tục 30 năm.

Mỗi năm 2% học sinh phổ thông xuất sắc nhất của Israel, vào khoảng 2000 người, được yêu cầu tham gia. Và cứ 10 người thì chỉ có 1 người vượt qua được bài sát hạch, chủ yếu về vật lý và toán học.

200 ứng viên tiếp sau đó phải trải qua kiểm tra kéo dài 2 ngày về năng khiếu chuyên sâu và nhân cách.

Các bài kiểm tra trong 2 ngày này sẽ gồm test IQ và năng lực xã hội của mỗi người trong hoạt động nhóm. Tất cả được thực hiện dưới sự giám sát của các chuyên gia tâm lý và nhân viên quân sự. Các nhóm sẽ được giao một nhiệm vụ cụ thể, sau đó các hướng dẫn và nhiệm vụ sẽ được thay đổi để xem các ứng viên ứng biến ra sao.

Các thí sinh cuối cùng sẽ xuất hiện trước một hội đồng các giáo sư, các nhà lãnh đạo quân sự, và các giám khảo khác. Họ sẽ được yêu cầu giải thích lý thuyết tương đối hoặc các cơ chế của hệ thống sưởi năng lượng mặt trời.

Hoàn thành chừng đó chặng đường kiểm tra, họ chính thức bước vào chương trình đào tạo Talpiot. Ban đầu, lớp học đầu tiên của chương trình này chỉ có 25 học viên. Những năm sau đó quân số tăng lên 50-60 học viên một khóa.

(Bài viết sử dụng nội dung từ nguồn WikiPedia và trích từ cuốn sách "Quốc gia khởi nghiệp" - Tác giả: Dan Senor và Saul Singer; Dịch giả: Trí Vương)

K.A

Cùng chuyên mục
XEM