Nuôi hàu bằng vỏ lốp cũ: Đầu độc vịnh và gây hại cho người ăn?

15/04/2016 09:05 AM | Kinh tế vĩ mô

Cả triệu vỏ lốp cao su ngâm nước mặn tiềm ẩn nguy cơ đầu độc môi trường, gây nhiễm độc hải sản, ảnh hưởng sức khỏe con người và làm xấu vịnh đẹp thế giới.

Từng có người đề xuất, nếu có nơi nào đó dùng nhiều vỏ lốp cũ nhất để nuôi hàu được ghi vào sách kỷ lục Guinness tại Việt Nam, thì thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) xứng đáng như vậy.

Tuy nhiên, đây sẽ là kỷ lục rất đáng lo ngại, một khi được xác lập. Bởi cả triệu vỏ lốp cao su ngâm nước mặn tiềm ẩn nguy cơ đầu độc môi trường, gây nhiễm độc hải sản, ảnh hưởng sức khỏe con người và làm xấu vịnh đẹp thế giới.

Giật mình "sáng kiến"

Tháng ba, ngư dân Lăng Cô tất bật bước vào vụ nuôi hàu mới trên đầm Lập An. Khu vực nuôi hàu này là một phần danh thắng gắn với vịnh Lăng Cô - một thành viên của Câu lạc bộ Vịnh đẹp Thế giới (Wordbays Club). Và cũng giống những vụ nuôi trước, hàng trăm ngư dân địa phương lại tiếp tục thả xuống vùng mặt nước Lập An cả triệu chiếc vỏ lốp cao su cũ nhớp nháp, đen nhẻm.

Mùa này, cứ ngang qua Lăng Cô theo Quốc lộ 1A hoặc rẽ sang tuyến đường phía tây đầm Lập An, không khó để bắt gặp vô số đống vỏ lốp cao su cũ bẩn thỉu được tập kết từ nhiều nơi về phục vụ cho việc nuôi hàu.

Trên mặt đường nhựa ven đầm cũng “lát” đầy vỏ lốp đã từng là giá thể nuôi hàu, gây mất an toàn giao thông.

Đây là cách để ngư dân “làm sạch” vỏ lốp bị vô số loài nhuyễn thể bám vào để tái sử dụng (bằng cách cho xe cộ cán qua). Nếu đến lần đầu, có người nhầm tưởng nơi đây là một bãi tập kết vật thải công nghiệp khổng lồ nổi chìm giữa lập lờ sông nước.

Nuôi hàu thương phẩm tại thị trấn Lăng Cô chỉ mới phát triển mạnh từ khoảng chục năm lại đây. Tuy nhiên, nghề mới này đang tạo ra nhiều mối quan ngại với ngay cả người dân sở tại.

Cách đây không lâu, một nghiên cứu từ cơ quan chuyên ngành thuộc Đại học Huế đã chỉ ra rằng, việc ngâm lốp cao su đã qua sử dụng lâu ngày sẽ gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Ông Hoàng Hùng, một ngư dân Lăng Cô, từng cho biết: “Thời gian gần đây, lượng thủy sản trên đầm Lập An sụt giảm. Nguyên nhân có thể do ngâm lốp xe lâu ngày gây nên ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng các loài thủy sản”.

Một ngư dân khác cũng phản ánh, từ ngày ngư dân ồ ạt nuôi hàu bằng vỏ lốp, sản lượng thu hoạch loài thủy sản này giảm mạnh vào cuối vụ. Có người từng bị thất thu đến 50% sản lượng hàu nuôi bằng lốp, so với cách làm truyền thống trước đây.

Theo UBND thị trấn Lăng Cô, ban đầu ngư dân địa phương chỉ dùng cọc tre, thanh gỗ để nuôi hàu. Loại vật dụng truyền thống này thường mau hỏng khi ngâm trong nước mặn.

Khoảng 4 năm lại đây, ngư dân nảy ra “sáng kiến” dùng vỏ lốp xe đạp, xe máy, ô tô cũ thay cho các vật dụng thông thường, do có “ưu điểm” chậm thối mục trong nước, con hàu đeo bám lâu ngày khó ăn mòn.

Một thống kê từ UBND thị trấn Lăng Cô cho thấy, thời kỳ cao điểm trước khi sắp xếp lại vùng nuôi, cả thị trấn có gần 250 hộ ngư dân nuôi hàu bằng vỏ lốp cũ, với tổng số lượng khoảng trên 1 triệu chiếc. Bình quân mỗi hộ cắm từ 3.000 đến 5.000 vỏ lốp xuống đầm khi nuôi tạo hàu non.

Huyện nói ô nhiễm, thị trấn phủ nhận

Năm 2014, UBND huyện Phú Lộc từng chỉ đạo địa phương, ban ngành chức năng triển khai đề án quy hoạch, sắp xếp lại nghề nuôi hàu trên đầm Lập An theo hướng thân thiện môi trường, với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Nhiều người hy vọng vấn nạn nuôi hàu bằng vỏ lốp cũ sẽ chấm dứt.

Tuy nhiên, khái niệm “thân thiện môi trường” từ đề án này không đồng nghĩa với việc dẹp bỏ triệt để nuôi hàu bằng vỏ lốp cao su cũ, mà chỉ là sắp xếp lại vùng nuôi theo hướng dạt mạnh sang phía tây đầm, kết hợp cải tạo luồng lạch giao thông thủy...

Vì lẽ đó, từ năm 2014 đến nay, tình trạng nuôi hàu trên lốp cũ vẫn tiếp diễn tại Lăng Cô, với số lượng lốp cao su dường như không thay đổi là bao, khoảng trên dưới 1 triệu chiếc, dù đại diện lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc cho rằng, cách nuôi này gây ô nhiễm môi trường.

Trả lời báo chí về nuôi hàu bằng vỏ lốp tại Lăng Cô, ông Hồ Trọng Cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, khẳng định: “Huyện cũng thấy được vấn đề này là gây ô nhiễm môi trường, nên đã chỉ đạo sắp xếp lại”. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND thị trấn Lăng Cô lại không cho là vậy.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 14/4, ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn, nói: “Đến thời điểm này, chưa có công trình, tài liệu khoa học nào khẳng định nuôi hàu bằng vỏ lốp cũ tại đầm Lập An gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng an toàn vệ sinh sản phẩm nuôi tạo. Vậy nên, dân vẫn cứ nuôi hàu bằng lốp xe”.

Theo tìm hiểu của PV, nhờ nuôi bằng các công cụ giá rẻ, dễ kiếm nên giá hàu thương phẩm tại Lăng Cô rất “hữu nghị”. Khi hàu vào vụ thu hoạch, mỗi cân chưa tách vỏ bỏ mối nhà hàng, thương lái và bán lẻ cho khách vãng lai tại Lăng Cô khoảng 70.000 đồng.

Mỗi ngày, nơi đây xuất đi nhiều tạ hàu trong đó cấp đông chuyển đi các tỉnh phía Bắc và miền Nam. “Trên địa bàn có khoảng 5 - 7 chủ nậu gom mua hàu nuôi trên đầm Lập An. Loại hàng này xuất ra tới Hà Nội, vào tận Sài Gòn”, ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, cho biết.

Hiện chưa có kiểm nghiệm, phân tích nào về con hàu nuôi bằng vỏ lốp tại Lăng Cô có “ngậm” các chất độc hại như cao su, lưu huỳnh, kim loại nặng… gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cách tạo nuôi loại đặc sản sông nước từ vật thải công nghiệp độc hại như vỏ lốp cao su đang khiến nhiều người lo ngại.

Theo Ngọc Văn

Cùng chuyên mục
XEM