Nước mắt bà mẹ ôm con về từ Biển hồ, vét cạn túi xây nhà 500 nghìn trôi nổi giữa sóng nước

18/01/2022 11:00 AM | Xã hội

Một bữa cơm đủ đầy, một ngôi nhà bè vững chãi và đứa con trai có giấy tờ đến trường... Đó là những mong ước của chị Nguyễn Thị Hồng (42 tuổi) khi trở về từ Biển hồ (Campuchia).

Chị đặt tên con là Dũng, Nguyễn Văn Dũng.

Dũng có tên tuổi nhưng không giấy tờ tùy thân.

Đó chính là lí do khi bạn bè đồng trang lứa cắp sách đến trường, cậu bé vẫn miệt mài, rong ruổi khu chợ nổi Long Xuyên (An Giang) để bán vé số. Đôi vai Dũng không có cặp sách, chỉ trĩu nặng nỗi lo khi con nước lớn về, lớp mút xốp dưới bè của hai mẹ con em sẽ rệu rã và chìm trôi...

Ôm con trở về

8 tuổi, ba má dắt tay chị Nguyễn Thị Hồng sang Biển hồ (Campuchia) sinh sống. Hồ Tonle Sap mà người Việt hay gọi là Biển hồ là hồ nước ngọt rộng lớn vắt qua 6 tỉnh thành, gồm Pursat, Battambang, Kompong Chahnang, Moung Roessei, Kampong Luong và Siem Reap. Đây là nơi sinh sống của nhiều người Việt từ các tỉnh như Tây Ninh, An Giang, Long An, Đồng Tháp...

Nước mắt bà mẹ ôm con về từ Biển hồ, vét cạn túi xây nhà 500 nghìn trôi nổi giữa sóng nước - Ảnh 1.

Ngôi nhà của mẹ con chị Hồng

Không biết chữ, không quốc tịch, không giấy tờ tùy thân... Họ sống trên các nhà bè tại Biển hồ, mưu sinh bằng nghề chài lưới, cuộc đời lênh đênh theo con nước. Không được đến trường, bọn trẻ con bơi xuồng, xuôi theo dòng nước để đánh cá.

Không có nước sạch, hàng trăm hộ gia đình phải sinh hoạt từ dòng nước đục ngầu bùn và rác. Hàng chục năm qua, khi cuộc sống ngày càng khó khăn, nhiều người Việt đã dắt tay nhau trở về quê hương.

Chị Hồng cũng nằm trong đợt di cư đó.

"Ba má tôi đã mất, chồng bị rắn cắn chết trong một lần đi rừng. Không còn cách nào khác, tôi khăn gói bồng con trở về quê hương. 8 tuổi ra đi, 42 tuổi trở về, trong túi tôi có khoảng 1 triệu đồng tiền Việt Nam và 5 kg gạo được nhà hảo tâm cho. Tôi ôm đứa con trai đi bán vé số khắp Tây Ninh. Người ta nói rằng "giàu cha giàu mẹ thì ham, giàu anh giàu chị ai làm nấy ăn", tôi không thể nhờ cậy bất kì ai. Sau đó, tôi xuôi về An Giang, sống tại khu chợ nổi Long Xuyên", chị Hồng tâm sự.

Nước mắt bà mẹ ôm con về từ Biển hồ, vét cạn túi xây nhà 500 nghìn trôi nổi giữa sóng nước - Ảnh 2.

Chị Hồng rơi nước mắt khi nói về những ngày đầu về Việt Nam

Với 500.000 đồng trong túi, chị Hồng mua một chiếc bè nổi. Từ ván cây, vách lá, đến cái thau, chiếc giường... trong nhà bè đều được chị Hồng vay mượn rồi trả dần. Để có nước sinh hoạt, cả hai mẹ con phải lóng phèn. Chị bệnh, không có tiền đến trạm y tế, Dũng đi mua cho mẹ đồ truyền nước biển để mẹ tự tiêm tại nhà.

Chiếc bè được nổi lên từ những thùng mút xốp. Ngày qua ngày, lớp mút xốp rệu rã, cả hai mẹ con phải lo lắng, chạy vạy khắp nơi để tìm mua mút mới. "Sống được ngày nào, hay ngày đó", chị Hồng thở dài.

"Con là tất cả"

"Đó, đó... thằng nhỏ về đó", chị Hồng chỉ tay về cậu bé có vóc dáng bé nhỏ, đang ngồi trên miếng xốp mỏng manh để từ bờ vào bè. Không giấy tờ tùy thân, đến nay, Dũng vẫn chưa được đến trường.

Trước kia, chị Hồng thường lấy dừa trái về bán tại chợ nổi Long Xuyên. Dịch đi qua, cuộc sống khó khăn, đồng vốn eo hẹp trong khi dừa lại lên giá, chị Hồng không thể tiếp tục công việc này. Những hôm trái gió trở trời, chị Hồng bệnh, Dũng thay mẹ đi bán vé số.

Chị Hồng tâm sự: "Nó giỏi lắm, rất thương yêu và hiếu thảo với mẹ. Mỗi ngày, Dũng bán được khoảng 50 tờ vé số, lời 60.000 đồng. Mẹ con có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, đắp đổi qua ngày. Vậy mà sống được qua 3 cái Tết rồi đó. Đối với tôi, con là tất cả". 

Nước mắt bà mẹ ôm con về từ Biển hồ, vét cạn túi xây nhà 500 nghìn trôi nổi giữa sóng nước - Ảnh 3.

Dũng di chuyển trên sông bằng miếng xốp nhỏ

Nước mắt bà mẹ ôm con về từ Biển hồ, vét cạn túi xây nhà 500 nghìn trôi nổi giữa sóng nước - Ảnh 4.

Lúc mới về Việt Nam, chị Hồng được "chắp nối" (đi thêm bước nữa - PV) với một người đàn ông góa vợ ở gần bè. Tuy nhiên, trong quá trình chung sống, tình trạng "con anh, con em", "tiền riêng, tiền chung" xảy ra. Chị Hồng lại nuốt nước mắt trở về bè của mình sinh sống.

Khoảng thời gian gần Tết, chợ nổi Long Xuyên luôn tấp nập, nhộn nhịp. Người mua, người bán, tiếng gọi nhau í ới, tiếng chuyền hàng, tiếng mua bán rộn rã cả khúc sông.

Nhưng đối với chị Hồng, Tết là một nỗi sợ. Bởi trong chiếc bè ọp ẹp đó, hai mẹ con sẽ đối mặt với nỗi lo về chiếc bè sắp chìm trôi, không có tiền để chuẩn bị cho một bữa cơm tươm tất dâng cúng ông bà. Tết, là dịp chị thấy mình chênh vênh nhất.

Không chỉ chị Hồng, nhiều người Việt trở về từ Biển hồ cũng có chung nỗi niềm lo âu đó.  Từ Biển hồ trở về với đôi bàn tay trắng, họ làm nghề vớt cá, bán nước đá, bán dừa... để tiếp tục mưu sinh.

Tính đến nay, hàng trăm hộ gia đình đã di cư từ Biển hồ về Việt Nam. Họ không biết việc trở về của mình là đúng hay sai, là tốt hay dở, là nên hay không. Chỉ biết là khi cô đơn, tuyệt vọng nơi xứ người, quê hương là chốn bình yên nhất.

Theo VOV, vào năm 2021, chính quyền thành phố Phnom Penh (Campuchia) ra quyết định buộc người dân phải tự tháo dỡ hoặc di dời toàn bộ nhà nổi, bè cá, nhà thuyền trên mặt sông Mekong tại tất cả các quận trên địa bàn thành phố trong vòng 7 ngày. Lý do đưa ra là để bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và sức khỏe. Chính quyền cũng tuyên bố sẽ xử lý theo luật pháp những người không tuân theo quyết định trên.

Thời gian trước đây, chính quyền một số tỉnh khác tại Campuchia như Kampong Chhnang, Pursat cũng đã tiến hành nhiều đợt giải tỏa người dân sinh sống trên sông nước khiến hàng chục nghìn người Campuchia gốc Việt sinh sống lâu đời tại địa phương phải di dời.

Theo Lan Chi

Cùng chuyên mục
XEM