Nước chảy chỗ trũng: Các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Hermes đang đau đầu không biết làm gì với hơn 20 tỷ USD tiền mặt

12/04/2018 08:12 AM | Kinh doanh

Thương hiệu xa xỉ LVMH tuyên bố rằng doanh thu trong quý đầu tiên của năm đã tăng hơn so với dự kiến tới 13%.

Những thương hiệu xa xỉ nổi tiếng gồm LVMH, Kering, Hermes cùng với Richemont của Thụy Điển hiện đang nắm trong tay khối tiền mặt trị giá 17,4 tỷ euro (tương đương 21,5 tỷ USD) tính tới cuối năm 2017. Điều đáng nói là, tiền đang có xu hướng chảy vào ngày một nhiều hơn trong bối cảnh bùng nổ doanh số bán hàng tại Trung Quốc và một thế hệ các nhà thiết kế thời trang mới tạo ra những sản phẩm đột phá cho các khách hàng trẻ tuổi. 

Cũng ngay trong tuần này, LVMH tuyên bố rằng doanh thu trong quý đầu tiên của năm đã tăng hơn so với dự kiến tới 13%.

"Không thể cứ để số tiền đó nằm không được. Họ phải làm gì đó với chúng", Ashok Som đến từ trường kinh doanh Essec nói. Nhưng "làm gì" là "làm gì" bây giờ?

Nếu như Hermes đã chi trả lượng cổ tức đặc biệt cho các cổ đông khoảng 528 triệu euro thì Richemont dành 2,7 tỷ euro để nắm quyền kiểm soát hãng bán lẻ trực tuyến Yoox Net-a-Porter. Tuy nhiên, những giao dịch như vậy chỉ như những lỗ hổng nhỏ trên núi tiền khổng lồ họ có. 

Chi tiêu cho những thương vụ thâu tóm, sáp nhập là một lựa chọn tốt nhưng không có nhiều mục tiêu tiềm năng. Những tập đoàn đồ xa xỉ lớn đều muốn sở hữu Chanel là một ví dụ nhưng chủ sở hữu thương hiệu này lại tỏ ra không hề quan tâm tới việc bán doanh nghiệp của mình. LVMH cũng từng bị cự tuyệt thẳng thắn khi ngỏ ý muốn nắm quyền kiểm soát Hermes.

Trong năm qua, những tập đoàn lớn đã bỏ lỡ cơ hội mua lại hãng sản xuất đồng hồ Breitling, thương hiệu giày Jimmy Choo và Jeanne Lanvin – hãng nước hoa lâu đời của pháp.

Những thương vụ thâu tóm ngoài ngành cũng không đạt được kết quả khả quan. Kering – chủ sở hữu của Gucci và Saint Laurent cố gắng gắn kết sự xa xỉ với thể thao thông qua việc nỗ lực mua nhà sản xuất giày Puma và thương hiệu ván trượt Volcom từ vài năm trước. Tuy nhiên hiện tại họ đều đã phải rút khỏi cả 2 thương vụ.

Dẫu vậy, vẫn còn nhiều cơ hội thâu tóm trong số những hãng xa xỉ nhỏ hơn. LVMH là đơn vị đang sở hữu hơn 70 thương hiệu thời trang xa xỉ khác nhau nên việc thêm một hãng sản xuất giày hay đồng hồ sẽ chẳng thay đổi cục diện là bao khi mà hơn một nửa lợi nhuận của toàn công ty LVMH đến từ thương hiệu chủ đạo là Louis Vuitton.

Bên cạnh đó cũng còn một vài mục tiêu tiềm năng nhưng không lộ diện và cần đến lượng tiền mặt lớn.

Thương hiệu thời trang Burberry với giá trị thị trường khoảng 7,1 tỷ bảng Anh (tương đương 10,1 tỷ USD) hay hãng trang sức Tiffany với giá trị thị trường khoảng 12 tỷ USD đều đang được đồn đoán nằm trong mục tiêu thâu tóm của các công ty châu Âu. 

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM