Nước Anh lại “dậy sóng”, lần này là vì Scotland?
Scotland đòi rời khỏi Anh không phải là chuyện mới và thậm chí năm 2014 đã từng có một cuộc bỏ phiếu với kết quả 55% muốn ở lại. Tuy nhiên, sau sự kiện Brexit hồi tháng 6 năm ngoái, tình thế hiện nay đã có nhiều thay đổi.
Phiên giao dịch hôm qua (27/2), đồng bảng Anh đã giảm giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác như euro và USD sau khi tờ Times đưa tin đội ngũ của Thủ tướng Theresa May đang chuẩn bị cho kịch bản Scotland kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập.
Scotland đòi rời khỏi Anh không phải là chuyện mới và thậm chí năm 2014 đã từng có một cuộc bỏ phiếu với kết quả 55% muốn ở lại. Tuy nhiên, sau sự kiện Brexit hồi tháng 6 năm ngoái, tình thế hiện nay đã có nhiều thay đổi. Và chỉ hơn 1 năm sau cơn địa chấn Brexit, ở nước Anh lại râm ran câu chuyện về một cuộc trưng cầu dân ý mới.
Lần này, lý lẽ của người Scotland tỏ ra thuyết phục hơn. Trong cuộc trưng cầu về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, 62% người Scotland đã chọn ở lại nhưng cuối cùng thì họ vẫn bị đẩy ra khỏi EU.
Thêm vào đó, nhiều lập luận từng được đưa ra để ủng hộ việc ở lại Anh hồi năm 2014 đã suy yếu. Người Scotland từng tụ nhủ rằng ở lại Anh là cách duy nhất để ở lại EU bởi rời Anh họ sẽ phải nộp đơn xin gia nhập lại và vấp phải sự phản đối từ Tây Ban Nha – đất nước cũng đang phải đối mặt với phong trào ly khai ở vùng Catalan. Thế nhưng là một thành viên của Vương quốc Anh lại trở thành “tấm vé một chiều” đẩy Scotland ra khỏi châu Âu.
Nền kinh tế hùng mạnh mà người Anh luôn tự hào cũng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại. Và những phát biểu của Thủ tướng May khiến người Scotland cảm thấy những lợi ích của họ đang bị gạt sang một bên.
Nếu như Brexit là một cơn địa chấn chính trị, Scotland cũng vừa trải qua một cơn địa chấn về kinh tế dù nó im ắng hơn. Ở thời điểm 2014, kinh tế Scotland đang tăng trưởng ở tốc độ ngang bằng với toàn nước Anh. Nhưng kể từ đó đến nay con đường đã khác. 2 trong 4 quý gần nhất, kinh tế Scotland suy giảm mà lý do chính là nó phụ thuộc quá nhiều vào ngành năng lượng và tài chính. Năm 2014, giá 1 thùng dầu là 110 USD, khiến Chính phủ lạc quan dự báo ngân sách 2015-16 của nước Scotland độc lập sẽ tăng thêm 12,5 tỷ USD nhờ số thuế thu được từ ngành năng lượng. Cuối cùng thì giá dầu lao dốc khiến Scotland vỡ mộng. Thêm vào đó những mỏ “vàng đen” còn sắp cạn kiệt.
Tài chính, ngành mà cùng với dầu khí tạo ra kim ngạch xuất khẩu tương đương 1/3 GDP của Scotland trong những năm gần đây, cũng trở nên ảm đạm. Kể từ tháng 9/2014, Scotland đã mất đi 10% số việc làm trong ngành tài chính. Năm ngoái mức lương trung bình của ngành này giảm 5%.
Đối với một đất nước có 5 triệu dân chỉ dựa vào duy nhất 2 ngành kinh tế đang ảm đạm như Scotland, “ra riêng” sẽ là một canh bạc. Tất nhiên người Scot đang nghĩ rằng ở lại là lựa chọn rủi ro hơn, nhưng có thể họ đang lầm.
Dù bà May sẵn sàng rời khỏi khối thị trường chung và liên minh thuế quan, không thể nhanh chóng đi đến kết luận đó là “thảm họa” đối với nước Anh. Hơn nữa rời khỏi Anh để đổi lấy tư cách thành viên EU không có nhiều ý nghĩa với Scotland bởi kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường còn lại trong Vương quốc Anh lớn gấp 4 lần sang EU.
Sự thật không mấy dễ chịu này có thể chìm nghỉm trong sức nóng của chiến dịch vận động tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới. Đảng đang cầm quyền ở Scotland, SNP, có thể tự nhận mình đứng sau thành công của đất nước trong khi đổ lỗi thất bại cho Westminster. Kinh tế Scotland đi xuống được cho là do Brexit và những chính sách thắt lưng buộc bụng. Và dù viễn cảnh rời khỏi Anh từng đáng sợ, giờ đây nó được coi là một cơ hội để quay trở lại những ngày an toàn như xưa, khi vẫn là thành viên của EU.
Nhiều người Scotland đã bỏ phiếu ở lại Anh năm 2014 chủ yếu là bởi những lý do kinh tế. Brexit khiến sự lựa chọn phức tạp hơn và cũng khiến kết quả trưng cầu cũng như tương lai của Scotland trở nên khó đoán hơn.