Núi Phú Sĩ phá vỡ kỷ lục 130 năm
Ngọn núi biểu tượng của xứ sở Phù Tang năm nay đã chứng kiến hiện tượng lạ.
Tháng 11 đã cận kề nhưng đỉnh núi Phú Sĩ vẫn chưa có tuyết. Đây là thời điểm muộn nhất chưa ghi nhận tuyết phủ trên đỉnh núi kể từ khi các dữ liệu được ghi chép cách đây 130 năm.
Thông thường, những đỉnh núi cao nhất Nhật Bản này sẽ được phủ tuyết trắng vào đầu tháng 10. Tuy nhiên, tính đến thứ Ba (29/10) vừa qua, đỉnh núi vẫn trơ trọi. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động của khủng hoảng khí hậu đối với một trong những địa danh biểu tượng của xứ sở Mặt trời mọc.
Lớp tuyết đầu tiên báo hiệu sự xuất hiện của mùa đông. Nó đến sau mùa leo núi hè, kết thúc vào ngày 10/9 năm nay. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, tuyết thường bắt đầu hình thành trên đỉnh Phú Sĩ vào khoảng ngày 2/10. Năm ngoái, tuyết rơi vào ngày 5/10, nhưng phần lớn đã tan chảy vào đầu tháng 11 do nhiệt độ ấm.
Văn phòng Khí tượng địa phương Kofu (Nhật Bản) đã công bố đợt tuyết rơi đầu tiên trên núi Phú Sĩ mỗi năm kể từ khi thành lập vào năm 1894. Năm nay, họ vẫn chưa đưa ra thông báo, với lý do thời tiết ấm bất thường.
Ông Shinichi Yanagi, cán bộ khí tượng tại văn phòng Kofu, cho biết: "Do nhiệt độ cao ở Nhật Bản tiếp tục kéo dài từ mùa hè và trời vẫn mưa nên không có tuyết rơi". Việc không có tuyết tính đến ngày 29/10 đã phá vỡ kỷ lục trước đó là ngày 26/10, được thiết lập vào các năm 1955 và 2016. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, mùa hè năm nay, Nhật Bản đã ghi nhận mùa hè nóng nhất kể từ khi số liệu thống kê bắt đầu được ghi nhận vào năm 1898.
Nhiệt độ trung bình từ tháng 6 đến tháng 8 cao hơn 1,76 độ C so với mức bình thường. Con số này vượt qua kỷ lục trước đó là 1,08 độ C được thiết lập vào năm 2010. Thời tiết ấm áp bất thường tiếp tục kéo dài sang mùa thu, với ít nhất 74 thành phố ghi nhận nhiệt độ từ 30 độ C trở lên trong tuần đầu tiên của tháng 10, theo phân tích từ nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận Climate Central. Climate Central nhận thấy, hiện tượng nóng bất thường vào tháng 10 mà Nhật Bản trải qua có khả năng xảy ra cao gấp ba lần do khủng hoảng khí hậu.
Cái nóng mùa hè khắc nghiệt của Nhật Bản không phải là một hiện tượng cục bộ. Mùa hè này đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ toàn cầu trong năm thứ hai liên tiếp, với năm 2024 chắc chắn sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử được ghi lại. Hiện tượng El Niño, một kiểu khí hậu tự nhiên, cùng với các yếu tố do con người gây ra như đốt nhiên liệu hóa thạch – nguyên nhân chính của khủng hoảng khí hậu – đã góp phần làm tăng nhiệt độ. Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng thế giới cần hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp để ngăn chặn những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu mới vào tháng 1 cho thấy khủng hoảng khí hậu đã làm giảm lượng tuyết phủ ở hầu hết các khu vực thuộc Bắc bán cầu trong 40 năm qua. Tuyết rơi muộn hơn trên núi Phú Sĩ có thể là một dấu hiệu đáng lo ngại về hướng đi của thế giới. Mùa đông ấm hơn tác động đến tuyết, du lịch, kinh tế địa phương, nguồn cung cấp thực phẩm và nước, thậm chí cả bệnh dị ứng.
Nằm giữa hai tỉnh Yamanashi và Shizuoka của Nhật Bản, núi Phú Sĩ cao 3.776m, là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận và là biểu tượng của Nhật Bản.
Núi thường được bao phủ bởi tuyết trong hầu hết thời gian của năm cho đến khi mùa leo núi hàng năm bắt đầu vào tháng 7. Núi Phú Sĩ chào đón hàng triệu du khách háo hức leo lên đỉnh hoặc ngắm bình minh từ những sườn dốc nổi tiếng của nó.
Trong những năm gần đây, ngọn núi phải hứng chịu tình trạng du lịch quá tải. Các quan chức Nhật Bản trước đó nói với CNN rằng các vấn đề Phú Sĩ phải đối mặt bao gồm du khách xả rác bừa bãi, lạm dụng nhà vệ sinh và leo núi với trang bị không đúng cách, dẫn đến tai nạn hoặc thương tích. Vào tháng 7, chính quyền đã áp dụng thuế du lịch và đưa ra các quy định mới để quản lý đám đông. Giờ đây, người leo núi phải trả 2.000 yên (314.000 đồng) mỗi người, với tối đa 4.000 người leo núi mỗi ngày.
Nguồn: CNN