Nữ tướng 7 ngày đêm không ngủ và hành trình "sống sót" qua Covid của thương hiệu quần áo trẻ em K’s Closet

16/06/2022 15:20 PM | Kinh doanh

Những công ty khổng lồ của ngành thời trang may sẵn rốt cuộc cũng bị một con virus tí hon quật ngã. Dịch Covid-19 đã không chừa một ai, từ các doanh nghiệp nhỏ cho tới những tập đoàn nổi tiếng là hùng mạnh nhất. Những kẻ sống sót, họ đã bước qua Covid bằng cách nào?

Tối 6/3/2020, Hà Nội công bố ca Covid-19 đầu tiên. Bệnh nhân số 17 là nữ giới, 26 tuổi, trở về từ London, Anh. Đó là một đêm không ngủ của rất nhiều người ở Hà Nội.

Trên các diễn đàn, trong các group, người ta bàn tán sôi nổi về việc tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, đề phòng một kịch bản tồi tệ hơn.

Chị Nguyễn Hải Yến - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Thời trang K’s Closet đêm đó cũng hòa chung vào không khí "mất ngủ" toàn dân. Chị nghĩ đến lượng tồn kho quần áo công ty đã chuẩn bị sẵn sàng cho vụ hè có trị giá (vốn) đâu đó hơn 20 tỷ đồng.

Trước đó chỉ vài tuần, công ty K's Closet vừa tổng kết năm 2019 bằng những con số tăng trưởng khả quan và đang tràn đầy tự tin vào một năm kinh doanh mới.

Được thành lập từ năm 2015, sau 4 năm, Công ty K’s Closet chuyên sản xuất quần áo trẻ em đã có 42 điểm bán với 10 cửa hàng trực thuộc công ty và 32 đại lý phân phối. Thương hiệu K’s Closet định vị ở phân khúc trung và cao cấp có chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng.

K’s Closet đang chuẩn bị sẵn sàng cho năm 2020 "bùng nổ".

Cũng giống như chị Yến, nhiều chủ doanh nghiệp SME (small medium enterprise) khác trước khi biết đến Covid cũng tràn đầy lòng tin về triển vọng phát triển của doanh nghiệp.

"Tôi có kế hoạch mở rộng thị trường trong năm 2020, đã trả trước 6 tháng tiền thuê mặt bằng. Covid quét qua, kế hoạch phá sản", anh Đức, một chủ doanh nghiệp SME trong lĩnh vực nội thất nhớ lại.

Công ty của chị Yến hay anh Đức là một vài trong 785.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam đã và đang gồng mình đối mặt với Covid-19 suốt 2 năm rưỡi qua. SME chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp cả nước, sử dụng 70% lực lượng lao động và đóng góp khoảng 50% GDP. Họ cũng chính là những đơn vị dễ bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh tiêu cực như dịch bệnh, chiến tranh, kinh tế vĩ mô suy thoái.

"Nếu ví đại dịch Covid-19 như một cơn bão lớn thì doanh nghiệp SME chính là những cây nhỏ bị tấn công đầu tiên", Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và truyền thông ví von trong một Hội nghị hồi tháng 3/2022 bàn về chuyển đổi số cho doanh nghiệp SME.

Bắt đầu giãn cách

0h ngày 1/4/2020, toàn xã hội thực hiện cách ly trong vòng 15 ngày theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Những dãy phố đông đúc thường ngày vắng bặt người qua lại. Trên nhiều tuyến đường, điện chiếu sáng đã được tắt bớt.

Các cửa hàng không thiết yếu đồng loạt đóng cửa. Chưa bao giờ người ta thấy một Hà Nội vắng vẻ và đìu hiu đến vậy, ngoại trừ sáng sớm mùng 1 Tết. Ngay cả nếu được phép mở cửa, thì với tình hình khi đó các cửa hàng cũng không có khách. "Người mua ngại đi mua sắm trực tiếp mà nhân viên cũng ngại tiếp xúc khách hàng. Chung quy, khi đó cả xã hội đều e dè với Covid", anh Đức nói.

Nữ tướng 7 ngày đêm không ngủ và hành trình sống sót qua Covid của thương hiệu quần áo trẻ em K’s Closet - Ảnh 1.

Đường Đinh Tiên Hoàng vắng vẻ trong ngày giãn cách. Báo Hà Nội mới.

Cửa hàng bán lẻ đóng cửa, giao tiếp xã hội hạn chế, vận chuyển khó khăn đẩy các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vào tình thế bị "tắc" trong khâu tiêu thụ hàng hóa.

Không bán được hàng, đồng nghĩa với không có doanh thu. Vốn lưu động lại nằm bất động trong hàng tồn kho. 

Nhìn những bao tải hàng ngay ngắn trên kệ trong khi lượng tiền mặt đang cạn dần, bà chủ K’s Closet rất sốt ruột. "Cuộc đời tôi chưa bao giờ trải qua những ngày tháng như vậy, dù trước đây khởi nghiệp từng bầm dập te tua", chị Yến nói.

Chính vào lúc tình hình bắt đầu căng thẳng, xuất hiện một đơn hàng khẩu trang xuất sang Đức, số lượng 500.000 chiếc x 15.000 VNĐ/chiếc (quy đổi), tương đương trị giá 7,5 tỷ đồng.

Chị Yến nhớ lại, chị đã phải tìm mọi cách để "giành" được đơn hàng. Ba lợi thế chị đưa ra cho đối tác lúc đó là mức giá rẻ, chất lượng tốt và thương hiệu uy tín.

Nữ tướng 7 ngày đêm không ngủ và hành trình sống sót qua Covid của thương hiệu quần áo trẻ em K’s Closet - Ảnh 2.

Một bộ khẩu trang được tặng kèm hướng dẫn sử dụng, túi đựng kháng khuẩn - Hình ảnh : K's Closet

Để kéo đơn hàng về K’s Closet, chị Yến đã chủ động sản xuất mẫu, tiến hành làm kiểm định rồi "show" cho đối tác. "Đây là lý do các ông phải chọn K’s Closet", chị Yến tự tin khẳng định với khách hàng.

Chị Yến có cơ sở để tự tin về chất lượng sản phẩm. Chị là thạc sỹ chuyên ngành nghiên cứu về vật liệu dệt may của đại học Bách Khoa. Trên thực tế, K’s Closet đã đưa ra thị trường sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn ngay từ tháng 3-2020.

Nhưng chất lượng sản phẩm chỉ là một phần trong các yêu cầu của đối tác. Đơn hàng này còn vô cùng thách thức và mạo hiểm về giới hạn thời gian: 500 nghìn chiếc khẩu trang phải được làm xong trong vòng 10 ngày.

Lúc ấy, năng lực sản xuất của Kscloset đang ở mức 20.000 khẩu trang/ngày. Đó còn là khẩu trang 2 lớp, tiêu chuẩn thấp hơn so với yêu cầu của đơn hàng. Hơn nữa, sau khi trừ hao thời gian chuẩn bị nguyên liệu, thời gian sản xuất thực tế chỉ còn khoảng 5 ngày.

Nghĩa là trong trường hợp lý tưởng, công suất đạt tối đa 20.000 khẩu trang/ngày và làm liên tục trong 5 ngày, con số đạt được cũng chỉ là 100.000 sản phẩm, tương đương 20% số lượng đơn hàng.

Một cách thẳng thắn, vị CEO của K’s Closet thừa nhận đã phải giải 1 bài toán với yêu cầu cao gấp nhiều lần năng lực lúc bấy giờ của công ty.

Nếu K’s Closet không trả được hàng đúng hạn, tiền phạt vi phạm hợp đồng rất lớn. Chưa kể đến tình huống khách hàng hủy đơn. Đối tác có thể làm được điều đó vì theo thỏa thuận hàng phải chuyển đi 3 lần, 50% giá trị đơn hàng được ứng trước, 50% còn lại sẽ thanh toán nốt khi hàng lên máy bay.

Nhưng "càng những gì thử thách, mình lại càng cảm thấy kích thích", chị Yến nói.

Nữ tướng 7 ngày đêm không ngủ và hành trình sống sót qua Covid của thương hiệu quần áo trẻ em K’s Closet - Ảnh 3.

Hình ảnh: Fb nhân vật

Cùng "giải toán"

"May mắn là mọi người thương tôi". Vào những ngày cuối tháng 5/2020, cả K’s Closet đã cùng chị Yến bắt tay "giải toán". 

Dựa trên năng lực sản xuất, phương án tối ưu nhanh chóng được đưa ra. Khu vực xưởng chính của công ty tại ngõ số 454, Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội được sử dụng để tập kết nguyên liệu, chia vải, cắt (một phần) và chuyển đến các xưởng may gia công. Khẩu trang sau khi may xong lại chuyển ngược về xưởng Minh Khai để hoàn thiện, đóng gói.

Ngoài những xưởng vệ tinh có sẵn quan hệ hợp tác, do yêu cầu gấp về thời gian và số lượng, chị Yến ra quyết định phải thuê mối mới.

Việc này sau đó đã gặp rất nhiều khó khăn do hạn chế về uy tín và năng lực sản xuất của các xưởng nhỏ. Hơn nữa, thời điểm đó, các xưởng may ở miền Bắc đều ngập trong đơn hàng khẩu trang. Họ thậm chí phải tìm đến những xưởng rất xa, cách Hà Nội hơn 100 km.

Để đảm bảo chất lượng của sản phẩm cũng như "ăn vạ" về tiến độ, những nhân sự chịu trách nhiệm chuyên môn như QC (Quality Control - kiểm soát chất lượng), KCS (Knowledge Centered Support - kiểm tra chất lượng sản phẩm)... phải "ăn chực nằm chờ" tại các xưởng gia công này.

Trong vòng 1 tuần, đều đặn vào 5h sáng những nhân vật chủ chốt của K’s Closet tổ chức họp triển khai công việc trong ngày. Tan họp, trưởng phòng Bán hàng và trưởng phòng Kế toán nhanh chóng lên ô tô cá nhân, đưa đội ngũ QC về các xưởng. 

Cùng lúc đó, tại xưởng ở Minh Khai, vài chục con người liên tục cắt, là, đóng gói,.. . Họ làm việc gần như 24/24 giờ, chỉ tranh thủ về nhà tắm rửa, ngủ khoảng 1-2 tiếng rồi đến công ty làm tiếp.

"Có những vị trí không thể thuê được, phải người của mình làm. Còn những vị trí hoàn thiện như cắt chỉ thừa, đóng gói phải ngay lập tức bổ sung lượng lớn lao động thời vụ do toàn bộ sản phẩm được hoàn thiện và đóng gói tại công ty", chị Yến nói.

Bởi vậy mà có những ngày trưởng phòng nhân sự K’s Closet miệt mài "chat" với ứng viên tới 3h sáng. Kết quả là 2 tiếng sau, tức 5 giờ sáng, ứng viên đã có mặt tại công ty, sẵn sàng tham gia vào công đoạn hoàn thiện sản phẩm.

Nữ tướng 7 ngày đêm không ngủ và hành trình sống sót qua Covid của thương hiệu quần áo trẻ em K’s Closet - Ảnh 4.

Hình ảnh K's Closet

Tháng 5/2020, Tổng cục Khí tượng thủy văn nhận định nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 đến 1,5 độ C ở khu vực phía Bắc.

Không khí tại 1.000 m2 nhà xưởng lợp tole ở Minh Khai lại càng nóng do số lượng người tăng đột biến. Không chỉ nhân viên thời vụ, khoảng 20 -25 nhân viên văn phòng cũng rời phòng điều hòa "xắn tay" vào làm sản xuất. 

Tất nhiên, tay nghề của họ sẽ không thể đảm nhận những khâu quan trọng yêu cầu kỹ thuật. Ví dụ như khâu "là", nghe có vẻ đơn giản nhưng để "đẹp" vẫn cần người chuyên nghiệp. 4 người trong bộ phận là phải làm việc liên tục tới gần 18 tiếng/ngày. Đây là mức kỷ lục trong sự nghiệp là quần áo của họ.

Người phụ trách nấu ăn cho K’s Closet - một phụ nữ khoảng 60 tuổi, ngày thường chỉ nấu bữa trưa, nhưng trong những ngày nóng chảy mỡ ấy, bà phải làm gấp 3 lần.

Nghĩa là nấu cả 3 ca, sáng - trưa - tối với số lượng người ăn gấp 3 lần. Nghe nói, bà nấu ăn sau dạo đó "nghe đến số 3 là nhăn mặt, thở phì phì".

Kỳ tích có xuất hiện?

"Tôi là đầu tàu, phải đứng vững. Luôn phải tính toán, nếu việc này không đạt được thì phải có phương án dự phòng. Phương án sản xuất phải để dôi ra 10% sản lượng. Nếu thừa, sau đó xử lý bán trong nước."

Trong vòng 7 ngày, chị Yến túc trực ở công ty, không ăn, không ngủ. Chị bảo không thể ăn nổi, ăn vào là nôn ra, vì quá căng thẳng.

"Ngày xưa khi xem phim, tôi không thể tưởng tượng được tại sao người ta lại có thể bị stress, bị điên. Hóa ra, khi con người ta bị tảng đá nặng nghìn cân đè lên hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng như vậy", chị Yến cười tâm sự.

"Tôi từng là người dễ ngủ đến mức khi mệt quá có thể đứng dựa lưng vào tường và chợp mắt, thế nhưng những ngày đó tôi không thể ngủ được. Ngay cả khi nhắm mắt, đầu óc vẫn suy nghĩ không ngừng".

Vào ngày cuối cùng trước khi kết thúc chiến dịch, 5h sáng, khi đang đứng bên chuyền sản xuất, chị bỗng thấy người mệt lả đi. Chị đi về hướng cầu thang, trèo lên 14 bậc thang sắt, qua một dãy hành lang dài khoảng 20m, chỉ vừa kịp đẩy cánh cửa nhôm kính, chị nằm ngay xuống ghế sofa gần đó.

"Em chợp mắt một chút. 15 phút nữa nếu gọi không thấy em tỉnh lại thì đưa em đi cấp cứu", chị Yến dặn chồng, người đang túc trực cùng chị mấy ngày nay ở văn phòng công ty.

May mắn, hôm đó không có xe cấp cứu nào phải di chuyển vào ngõ 454 Minh Khai đón bệnh nhân.

Nhưng điều không may là dù đã cố gắng với hơn 100% năng lượng, tập thể K’s Closet vẫn không thể giao đủ số lượng hàng trong đúng thời hạn 10 ngày. 

Kỳ tích không xuất hiện giữa đời thường!

Chị Yến chấp nhận bị phạt hợp đồng, tiền phạt không phải là con số nhỏ. "Với đơn hàng xuất khẩu, lợi nhuận được khoảng 10%, nhưng vào hết tiền phạt hợp đồng. Đơn hàng đó không có lãi", chị Yến bộc bạch.

Tuy nhiên, rõ ràng cả chị Yến và K’s Closet không có nhiều lựa chọn. Với doanh nghiệp sản xuất, nhân sự kỹ thuật, chuyên môn giỏi rất quan trọng. Ngay cả khi không có doanh thu thì chủ doanh nghiệp vẫn phải tìm cách trả lương (dù tối thiểu) để giữ chân người lao động.

Bên cạnh đó còn là câu chuyện sinh kế với những người lao động của doanh nghiệp, họ sẽ đi đâu, sống bằng gì khi thời điểm đó, cả xã hội đóng cửa giãn cách?

Dòng tiền từ đơn hàng khẩu trang khi đó chính là viên thuốc "cứu mạng" vô cùng quý giá của K’s Closet trong năm 2020. 

Mặc dù đã không giải trọn vẹn được bài toán xuất khẩu khẩu trang, nhưng trên cương vị của người điều hành một doanh nghiệp SME, chị Yến đã giải thành công bài toán "Sống sót qua Covid". 

Báo cáo PCI 2021 đã chỉ ra khó khăn phổ biến và đáng kể với các doanh nghiệp SME là vấn đề đứt gãy dòng tiền. 

Đó cũng là lý do theo thống kê năm 2021, bình quân một tháng có gần 10.000 doanh nghiệp không thể "cầm cự" trước sự tàn khốc của đại dịch Covid-19. Con số này cao hơn so với mức 8.500 của năm 2020. Đương nhiên, cao hơn nhiều so với thời điểm trước dịch Covid.

Trên thế giới, các "ông lớn" trong ngành thời trang, dù mang trên mình bề dày lịch sử, thương hiệu vẫn không tránh khỏi những cú rạp mình trước bão.

Nữ tướng 7 ngày đêm không ngủ và hành trình sống sót qua Covid của thương hiệu quần áo trẻ em K’s Closet - Ảnh 5.

Một cửa hàng của Adidas. Nguồn: Adidas

Hãng thời trang thể thao Adidas của Đức cho hay, hoạt động kinh doanh gián đoạn do đại dịch COVID-19 đã khiến lợi nhuận giảm tới 78% trong năm 2020.

Còn lợi nhuận ròng của Tập đoàn thời trang Inditex của Tây Ban Nha - chủ sở hữu thương hiệu Zara, đã giảm 70% trong năm ngoái. Đây là lần đầu tiên, doanh thu của Inditex bị giảm sút mạnh mẽ, kể từ khi tập đoàn này được đưa vào sàn giao dịch chứng khoán vào năm 2001.

Trong tình huống này ban giám đốc phải tuyên bố đóng cửa 1.200 trên tổng số 7.412 cửa hàng trên thế giới, tức khoảng gần 20% để vượt qua những khó khăn tài chính (Theo thông tấn xã Việt Nam)

Quay lại câu chuyện của K's Closet. Chị Yến nói với chúng tôi, họ vẫn đang đứng vững mặc dù số lượng điểm bán giảm từ 42 điểm trước dịch xuống còn 28 điểm, trong đó công ty còn 8 điểm bán, giảm 2 điểm; đại lý còn 20 điểm, giảm 12 điểm so với thời gian trước.

Chị Yến dẫn chứng bằng cách lấy doanh thu tháng 4 và 5 của năm nay so sánh với doanh thu cùng kỳ năm 2019 (trước dịch). Không tiết lộ con số cụ thể, nhưng chị khẳng định: "28 điểm bán hiện nay đang cho ra doanh số cao hơn 42 điểm bán thời điểm trước dịch".

Chị Yến và các cộng sự đã cùng nhau vượt qua những ngày tháng "không thể tưởng tượng nổi" và họ đang bắt đầu "tưởng tượng" về một hành trình mới cho K’s Closet – thế giới thời trang kỳ diệu.

An Vũ

Cùng chuyên mục
XEM