Nữ giám đốc HTX vừa "chốt kèo" đã rút ngay hợp đồng cho các Shark ký, giúp loại quả chỉ Lạng Sơn có nâng giá trị gấp 20 lần, được Shark Bình đề nghị livestream cùng
Chị Vương Thị Thương - Giám đốc HTX Nông sản Toàn Thương cho biết gia đình chị và nhà chồng đã cắm sổ đỏ, dồn tất cả để chị khởi nghiệp với trái hồng. Tới nay, HTX của chị đã bao tiêu được cho bà con tới 80% sản lượng.
Xuất hiện trong tập 4 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7, chị Vương Thị Thương - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông sản Toàn Thương đem đến đặc sản hồng treo gió với mong muốn vươn tầm quốc tế. Theo lời chị, loại hồng vành khuyên này chỉ có ở huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
"Em ăn ngủ với quả hồng để nghiên cứu ra quy trình sản xuất hồng vành khuyên, với khát vọng giúp sản phẩm của địa phương mình phát triển, bay cao bay xa hơn nữa. Với diện tích gần 2.000 ha và sản lượng hơn 10.000 tấn mỗi năm, nguồn thu nhập chính của bà con Văn Lãng phụ thuộc vào quả hồng. Tuy nhiên, những năm được mùa thì hồng rớt giá, không có người thu mua", chị Thương trình bày câu chuyện khá quen thuộc với nông sản Việt.
"Những phụ nữ dân tộc thiểu số quê em không thể thoát khỏi cảnh nghèo đói, lam lũ. Đấy chính là động lực thôi thúc em tìm ra giải pháp thay đổi số phận của quả hồng, cũng như số phận của người dân quê em", nữ Giám đốc HTX trải lòng.
Nâng giá trị sản phẩm lên gấp 20 lần
Sau 2 năm nghiên cứu, vào năm 2022, chị Thương mạnh dạn vay ngân hàng để xây xưởng, mua máy móc thiết bị làm hồng vành khuyên treo gió. Sản phẩm này dễ dàng vận chuyển đi xa, bảo quản được lâu và bán quanh năm, từ đó giúp giá trị loại quả đặc sản Văn Lãng được nâng lên gấp 20 lần. HTX Toàn Thương hiện bao tiêu cho bà con tới 80% sản lượng hồng.
Hai dòng sản phẩm chính của HTX Toàn Thương là hồng sấy nhiệt và hồng treo gió thủ công. Theo chia sẻ từ chị Thương, điểm nổi bật của hồng vành khuyên treo gió là "treo 10 - 12 ngày đã có thể đẩy hết chất chát đi. Vì thế mà quả hồng dạng kem ăn rất ngon và không làm mọi người cảm thấy cứng hay khô".
Mục tiêu của chị Thương là kêu gọi 5 tỷ đồng cho 15% cổ phần. Hai cơ sở để định giá bao gồm tài sản sẵn có và thị hiếu của thị trường. Nhà xưởng được định giá 10 tỷ và chị Thương đang sở hữu 4 công nghệ đã được định giá bởi Viện khoa học. Nữ Giám đốc cho biết sẽ phát triển mô hình hợp tác xã lên thành công ty, giúp các Shark bớt băn khoăn khi đầu tư.
Về bức tranh tài chính, doanh thu năm 2023 của Toàn Thương là 6 tỷ đồng, lợi nhuận 2,1 tỷ. Mục tiêu doanh thu 2024 là 10 tỷ, 2025 là 18 tỷ và 2026 là 40 tỷ. Với số vốn kêu gọi từ các Shark, chị Thương sẽ dùng để đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại nhằm nâng cao sản lượng và tiếp tục nghiên cứu ra những sản phẩm mới, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất.
Chia sẻ thêm về bối cảnh khởi nghiệp, chị Thương tiết lộ bên cạnh khoản vay 2 tỷ, gia đình chị và nhà chồng đã cắm sổ đỏ nhà, dồn tất cả để chị đầu tư vào dự án.
Shark Lê Mỹ Nga dành nhiều lời khen cho nữ Giám đốc HTX người Nùng. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh hiện tại của Toàn Thương chưa phù hợp nên Shark Nga quyết định không đầu tư.
Shark Phạm Thanh Hưng cũng rút lui bởi vẫn còn lo ngại về công nghệ chế biến và công nghệ bảo quản. Mặc dù vậy, Shark Hưng đề nghị kết hợp sản phẩm của chị Thương với thương hiệu trà của ông để cùng thương mại hóa và đưa sang các nước phát triển.
Vừa được "chốt kèo", nữ Giám đốc HTX rút ngay hợp đồng để các Shark ký
Shark Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao giá trị sản phẩm cũng như nỗ lực của những người dân tộc thiểu số. Ông cũng đề cập đến bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển khiến hàng tiêu dùng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập, gây khó khăn cho các doanh nghiệp hàng tiêu dùng ở Việt Nam.
"Sản phẩm của bạn rất phù hợp với thế mạnh bên tôi là D2C (bán trực tiếp đến người tiêu dùng). Chắc chắn bạn phải livestream, và thậm chí tôi có thể sẽ livestream cùng với bạn", Shark Bình đề nghị. Hiện tại HTX Toàn Thương đang bán hàng qua cả kênh online – chiếm 40% và offline – chiếm 60%, chủ yếu là bỏ sỉ.
Trên cơ sở nhận định đó, Shark Bình đề nghị đầu tư 5 tỷ, trong đó 1 tỷ đầu tiên cho 20% cổ phần dựa trên giả định tài sản doanh nghiệp (sau khi bỏ ra phần đất) là 4 tỷ, 4 tỷ còn lại là khoản vay ưu đãi sau khi đã được giải ngân 1 tỷ.
Đối với Shark Minh Beta, dù tự tin về việc hỗ trợ truyền thông và xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu, nhưng đây là lĩnh vực khá mới với Chủ tịch Beta Group. Do đó, Shark Minh đề nghị cùng tham gia vào deal với Shark Bình. Mức đầu tư mà hai "cá mập" đưa ra là 2 tỷ đồng cho 33% cổ phần, 3 tỷ đồng là khoản vay ưu đãi.
Đánh giá "liên minh" giữa Shark Bình và Shark Minh Beta "là deal vô cùng tuyệt vời" nên Shark Nguyễn Văn Thái không đưa ra đề nghị đầu tư, nhưng cam kết hỗ trợ miễn phí về khoa học kỹ thuật, công nghệ bảo quản để sản phẩm có thể đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sau khi trao đổi với chuyên gia, chị Thương đồng ý với đề nghị của Shark Bình và Shark Minh là đầu tư 2 tỷ cho 33% cổ phần, kèm điều kiện loại bỏ đất đai khỏi tài sản doanh nghiệp, và khoản vay 3 tỷ có thời hạn 3 năm sẽ chuyển đổi thành cổ phần theo định giá thị trường hoặc CAP (định giá trần) là 20 tỷ đồng.
Ngay sau khi chốt deal với hai "cá mập", chị Thương không giấu được vui mừng và tạo ra một bất ngờ tại trường quay.
"Em đã mang đến đây bản hợp đồng chuẩn bị sẵn để các Shark có thể ký ngay và luôn. Em muốn nói với cả làng em là em đã thành công rồi", chị Thương bày tỏ. Mặc dù vậy, Shark Hưng "nhắc nhở" rằng cần phải thẩm định mới có thể ký hợp đồng.