Nữ doanh nhân trẻ lọt top 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới nhờ... cọng rơm
Với mô hình tận dụng cọng rơm để trồng nấm, nữ doanh nhân trẻ Trần Thị Khánh Trang đã xuất sắc lọt vào Danh sách 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới (Top 100 Leading Global Thinkers 2015) do tạp chí Foreign Policy bình chọn.
Mô hình tận dụng rơm để trồng nấm của startup Fargreen, do Trần Thị Khánh Trang sáng lập, đã góp phần hạn chế việc đốt rơm rạ, vốn có thể tạo ra khí nhà kính. Đồng thời, Fargreen còn giúp hiện thực hóa khát khao của nữ doanh nhân 27 tuổi trong việc xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.
Khởi nghiệp từ cọng rơm
“Đây là mô hình trước đây tôi chưa từng thấy”, ông Edward Paterson một nhà khoa học nông nghiệp của Úc nhận xét như vậy sau khi làm việc tại Fargreen vào năm 2017 trong vai trò một chuyên gia tình nguyện.
Fargreen đầu tư để người nông dân cải tạo lại gian nhà rồi thuê họ trồng nấm và rau củ sạch chất lượng cao từ rơm rạ. Họ làm việc vài giờ mỗi ngày hay mỗi tuần, thời gian còn lại dành cho các công việc khác. Nguồn thu nhập mỗi người kiếm thêm hàng tháng từ 2 5 triệu đồng, chiếm 50 100% tổng thu nhập của họ.
Foreign Policy đã nhận định về sáng kiến của Trang: “Nếu được nhân rộng trên toàn Việt Nam và những quốc gia trồng lúa khác, thì mô hình này giúp cải thiện đời sống nông dân và giảm thiểu lượng khí thải độc hại ra môi trường do đốt rơm rạ”.
Foreign Policy đánh giá nữ doanh nhân trẻ này đã tìm thấy cơ hội kinh doanh sáng tạo, khi thời điểm khởi nghiệp, có tới 80 90% lượng nấm Việt Nam được nhập từ bên ngoài, mà chủ yếu là từ Trung Quốc. Còn hiện tại, với mỗi tấn rơm Fargreen thu hoạch được khoảng 300kg nấm chất lượng cao. Fargreen đặt mục tiêu hòa vốn năm 2019, đến 2022 bắt đầu xuất khẩu, đồng thời mở rộng vệ tinh sản xuất với 1.000 nông dân, xử lý ít nhất 1.000 tấn rơm rạ mỗi năm.
Dưới đây là những trao đổi của Doanh nhân Sài Gòn với nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc của Fargreen Trần Thị Khánh Trang.
Tận dụng rơm để trồng nấm, vậy sự khác biệt của Fargreen là gì?
Fargreen góp nhặt các kinh nghiệm truyền thống, rồi hệ thống và chuyên biệt hóa mô hình sản xuất, xây dựng thương hiệu, đảm bảo chất lượng để tránh tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong nông dân. Chúng tôi muốn tạo ra một hệ sinh thái, trong đó, nông dân trồng nấm rồi tận dụng mùn nấm làm phân hữu cơ thay thế phân hóa học để cải tạo đất trồng lúa, trồng rau xen canh. Sau mùa nấm họ lại cải tạo đất ruộng để canh tác cho mùa sau tốt hơn. Như vậy sẽ tạo một vòng tròn khép kín nhưng luôn mở rộng và phát triển.
Mô hình Fargreen khiến tôi nhớ đến cuốn sách nổi tiếng của Masanobu Fukuoka “Cuộc cách mạng một cọng rơm”, với triết lý quay về làm nông nghiệp thuận tự nhiên. Còn các bạn đang khởi nghiệp từ... cọng rơm?
Vâng (cười). Bản thân tôi là một fan của ông Fukouka, nhưng mình không thể quay về thuận tự nhiên ngay được. Cần thời gian và có lộ trình, dùng công nghệ để giải quyết các vấn đề. Đầu tiên là cần tổ chức lại, hỗ trợ người nông dân gắn bó với nghề nông và sống được với nó. Từ đó giúp họ nâng cao năng lực, sáng tạo hơn trong nghề nông và hiểu biết về bảo vệ môi trường nữa.
Fargreen áp dụng công nghệ vào mô hình của mình như thế nào?
Chúng tôi phát triển hệ thống cảm biến kết nối Internet (IoT) để đo lường độ ẩm môi trường, không khí, nồng độ CO2, độ ẩm cơ chất và phân tích dữ liệu để dự đoán và đưa ra các quyết định giúp gia tăng năng suất. Đồng thời áp dụng công nghệ để quản trị và điều hành.
Tôi có thể kể về bà Lưu Thị Sim, 60 tuổi một người quản lý hộ dân của Fargreen. Bà có nhiều chục năm bám ruộng và chưa bao giờ chạm vào máy tính, nhưng hiện bà sử dụng email, thành thạo Word, Excel, Powerpoint hay các ứng dụng giao tiếp và quản lý như Skype, Slack...
Fargreen cũng đào tạo nông dân địa phương để họ giám sát và quản lý thay vì tuyển các kỹ sư. Công nghệ hỗ trợ nhà nông làm nông bằng con mắt nhà khoa học, ra quyết định nhờ vào dữ liệu thay vì chỉ bằng kinh nghiệm, nhất là khi khí hậu biến đổi phức tạp như hiện nay. Đây là cách giúp họ bổ sung kiến thức, hiểu biết hơn những gì đang làm và nhìn ra các xu hướng mới.
Nông dân thu hoạch rau củ sạch trông xen canh sau vụ năm. Ảnh: An Di
Chị đánh giá thế nào về công nghệ đối với các startup nông nghiệp hiện nay?
Theo tôi, đa phần startup nông nghiệp hiện là startup công nghệ, phát triển hạ tầng công nghệ chứ chưa đứng ở góc độ người sản xuất. Nhiều mô hình của nước ngoài được đưa vào áp dụng nhưng theo tôi là lãng phí.
Việt Nam là đất nước nông nghiệp. Đất, nước dồi dào và chất lượng nông sản chỉ tốt nhất khi nó được trồng theo cách truyền thống. Một sản phẩm được trồng trong một cái lồng và kiểm soát mọi thứ không có nghĩa là tốt. Tôi nghĩ công nghệ nên được đưa vào để phát triển thế mạnh của người nông dân hơn là đi thay đổi toàn bộ mô hình sản xuất của họ.
Lấy nông dân làm vệ tinh
Fargreen hiện có mạng lưới 10 hộ nông dân Thái Bình, một con số rất khiêm tốn...
Fargreen không phải là một tổ chức nhân đạo bảo vệ môi trường mà là một doanh nghiệp xã hội (DNXH). Việc tự kiến tạo giá trị và sống bằng chính đôi chân mình mới giúp công ty tồn tại lâu dài. Fargreen đang ở những năm đầu non trẻ của một startup, không thể phát triển nóng theo chiều rộng mà phải sâu bằng cách xây dựng một mô hình “nhỏ và đẹp” và có khả năng mở rộng cao song song với việc kiến tạo thương hiệu có tầm ảnh hưởng. Khi thành công ở những mục tiêu “nhỏ” thì việc mở theo chiều rộng không phải chuyện quá tầm.
Chúng tôi xây dựng một mô hình theo hệ thống, làm thế nào khi tách ra từng phần riêng lẻ thì từng phần đấy vẫn lớn lên được, từ hành chính, kế toán, vốn, chiến lược, đối tác, thị trường... Có như vậy thì Fargreen mới khuyến khích được nông dân startup, họ có thể quản lý mạng lưới của mình, khi Fargreen nhượng quyền mô hình, họ trở thành những “vệ tinh”.
DevexImpact chọn Fargreen là 1 trong 6 startup trong lĩnh vực phát triển đáng chú ý nhất trên thế giới và lọt vào “Rodale 100 best companies for the Earth 2016” của tạp chí Rodale (Mỹ). Đạt nhiều danh hiệu có phải cách Fargreen xây dựng thương hiệu?
Tôi quan niệm thương hiệu là cái hiệu được thương. Đó là cái chúng tôi hướng đến, từ con người, chất lượng sản phẩm đến trải nghiệm cá nhân khi làm việc hay sử dụng sản phẩm Fargreen. Tôi muốn xây dựng một Fargreen tôn trọng văn hóa nông thôn và khuyến khích mọi người thư giãn trong công việc. Hiện Fargreen đã và đang nhận được nhiều hỗ trợ từ Echoing Green (một tổ chức đỡ đầu cho các doanh nhân xã hội ở Mỹ), TED, Paceable Foundation, Cross Fields và nhiều tổ chức khác, từ kinh nghiệm hoạt động, nhân sự tình nguyện đến cố vấn chiến lược.
Tại sao lại chọn mô hình doanh nghiệp xã hội?
Tôi có hơn 5 năm làm việc trong các tổ chức phi chính phủ về các vấn đề phát triển ở các nước Đông Nam Á. Trải nghiệm giúp tôi nhận thấy các vấn đề về sinh kế và môi trường thường rời rạc. Các dự án cũng không bền vững do phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có cảm hứng của nhà tài trợ.
Năm 2012, tôi biết đến loại hình DNXH, lúc đó còn khá mới trên thế giới, tôi tìm học bổng và Fargreen khởi nguồn từ đề án MBA về doanh nghiệp xã hội tại Đại học Tổng hợp bang Colorado, Mỹ. Mô hình này đã giúp tôi giành được giải thưởng ở các cuộc thi khởi nghiệp tại châu Mỹ và châu Âu, nguồn học bổng giành được trở thành nguồn vốn giúp tôi khởi nghiệp.
Tất nhiên mục tiêu kinh doanh là làm sao giảm chi phí và tăng lợi nhuận, nhưng điều chúng tôi hướng tới lớn hơn là xây dựng cộng đồng nông nghiệp bền vững. Không hóa chất, không chất thải ra môi trường, chuyên biệt hóa người nông dân ở từng khâu và nâng cao năng lực của họ. Đây là “kim chỉ nam” của công ty. Tất nhiên sẽ khó khăn hơn các doanh nghiệp bình thường, nhưng chúng tôi hạnh phúc với theo đuổi này.