Nữ doanh nhân 29 tuổi người Pháp tạo ra ‘đèn sinh học’ làm từ vi khuẩn, không cần dùng điện, không gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải carbonic
Ý tưởng cho sản phẩm này đến với Sandra Rey sau khi cô xem video trên YouTube.
5 năm trước, Sandra đang tham gia một cuộc thi thiết kế dành cho sinh viên với chủ đề sinh học. Sau khi tình cờ xem video trên Youtube về các sinh vật biển phát quang, cô đã suy nghĩ về cách để có thể tái tạo công nghệ tự nhiên này.
Hiện tại, startup của Sandra, Glowee, đang tạo ra các tác phẩm nghệ thuật phát quang rực rỡ cho các khách sạn và không gian công cộng. Tuy Sandra thừa nhận rằng công ty của cô không thể thay thế đèn trong nhà bếp của mọi người, nhưng cô hi vọng Glowee có thể tạo ra đủ ánh sáng và đủ thẩm mỹ để đóng góp một vai trò nhỏ trong thị trường đèn toàn cầu, giúp giảm sự phụ thuộc vào đèn điện.
Khi bắt đầu sản xuất đèn, Sandra nói rằng cô phải để đèn của mình trong một căn phòng tối hoàn toàn từ 10 đến 15 phút thì nó mới bắt đầu phát sáng. Kể từ thời điểm đó, cô đã đạt được tiến bộ vượt bậc. Sandra cho biết: “Chúng tôi đã phát triển gấp khoảng 200 lần và (tốc độ tăng trưởng) còn nhanh hơn thế nữa trong 12 tháng qua.”
Cô đã huy động được khoảng 3,5 triệu euro (khoảng 89 tỷ VND), phần lớn trong số đó là thông qua phương thức gây quỹ cộng đồng. Có khoảng 800 nhà đầu tư cá nhân đã gây quỹ cho Glowee. Sandra cho rằng số lượng nhà đầu tư lớn là một thế mạnh của công ty.
Một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Glowee, Cyprien Comarmond, CEO của Mon Concept Habitation UK, hiện đang cố vấn cho hội đồng quản trị của Glowee chia sẻ: “Glowee có tác động rất lớn đến môi trường, tạo ra ánh sáng mà không sử dụng điện đồng nghĩa với ít ô nhiễm tới từ các nhà máy hạt nhân hoặc nhà máy nhiệt điện hơn. Nó làm giảm lượng khí thải carbonic bằng cách sử dụng vật liệu hữu cơ thô và trên hết tạo ra một bầu không khí ấm áp và thư giãn.”
Hơn 10.000 đơn vị đã được bán ra để tạo thành tác phẩm nghệ thuật tại các sự kiện là nguồn doanh thu chính của Glowee. Tuy chưa tạo ra lợi nhuận, nhưng startup này cũng đã bắt đầu cung cấp các sản phẩm cố định lâu dài cho các khách sạn và spa, nơi khách hàng có thể thư giãn dưới ánh sáng phát quang sinh học nhẹ nhàng.
Trong 2 đến 3 năm tới, Sandra hi vọng sẽ có thể cung cấp trang thiết bị phát sáng ngoài trời cho các thành phố: “Phát quang sinh học là một cách để cung cấp giải pháp bền vững và chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu thông qua việc hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, sản xuất chất thải toàn cầu và các loại ô nhiễm khác nhau.”
Ánh sáng do các vi khuẩn biển phát ra một cách tự nhiên. Vì vi khuẩn còn sống, nên chúng cũng cần được cho ăn, do đó, các hệ thống chiếu sáng của Glowee cũng cần bảo trì. Người sử dụng cũng có thể tắt những chiếc đèn đặc biệt này.
Phản ứng tạo ra ánh sáng cần có oxy. Bằng cách ngăn vi khuẩn tiếp xúc với oxy, chúng sẽ ngừng phát sáng. Các vi khuẩn không chết mà chỉ đang ngừng hoạt động. Khi oxy được đưa trở lại hệ thống, vi khuẩn lại tiếp tục phát sáng.
Mặc dù đèn sinh học của Glowee khó có thể thay thế được đèn LED trong hầu hết các mục đích sử dụng, chúng có thể tăng tính thẩm mỹ cho các tác phẩm nghệ thuật và các công trình kiến trúc và cung cấp một sự lựa chọn thay thế bền vững hơn cho các hệ thống phát sáng.