Nữ đại gia bỏ tiền khổng lồ xây rạp phim xịn nhất Sài Gòn xưa

16/10/2017 10:49 AM | Kinh doanh

Ông bà Ưng Thi đã dồn hết vốn liếng mua một khu đất trên đường Nguyễn Huệ gần Tòa Đô Chánh (nay là UBND TP.HCM) để xây dựng rạp Rex, một rạp chiếu bóng với quy mô chưa từng có ở Việt Nam.

Trước 1975, tại Sài Gòn có khoảng hơn 60 rạp hát lớn nhỏ. Thời ấy, người Sài Gòn giải trí chủ yếu là xem xi nê (hay còn gọi là chiếu bóng, chiếu phim) nên các rạp hoạt động rất rầm rộ. Đã hơn 40 năm trôi qua, không khí đó đã không còn...

Một thời vang bóng

Điện ảnh do người Pháp khai sinh vào cuối thế kỷ 18. Loại hình nghệ thuật này theo chân quân đội Pháp đến với người dân Sài Gòn vào những năm đầu của thập niên 1930. Hai rạp chiếu bóng đầu tiên được xây dựng để phục vụ chiếu phim.

Nữ đại gia bỏ tiền khổng lồ xây rạp phim xịn nhất Sài Gòn xưa - Ảnh 1.

Nhà hàng Maxim's trước đây là rạp Majestic.

Rạp Majestic nằm ở cuối đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi). Rạp thuộc loại hạng sang và đẹp, nằm cận kề với khách sạn Majestic.

Cũng trên con đường này, rạp Eden nằm ẩn mình bên trong hành lang Eden, vốn là thương xá mua sắm nổi tiếng. Theo đánh giá của nhiều người, đây là 2 rạp có cấu trúc đẹp và sang trọng bậc nhất thời bấy giờ.

Ban đầu, đối tượng đến xem phim tại 2 rạp này là người Pháp. Một số người Việt chịu ảnh hưởng lối sống của Pháp cũng thường xuyên đến. Điều bất ngờ - ngay cả chính người Pháp cũng không lường trước được - là sự hưởng ứng nồng nhiệt của các tầng lớp người Việt.

Nữ đại gia bỏ tiền khổng lồ xây rạp phim xịn nhất Sài Gòn xưa - Ảnh 2.

Cửa vào hành lang Eden được quảng cáo phim đang chiếu trong rạp

Chỉ trong khoảng thời gian hơn 10 năm, số lượng khán giả người Việt đến xem phim quá đông khiến các ông chủ rạp người Pháp phải nhường quyền kinh doanh chiếu bóng lại cho người Việt.

Đỉnh điểm của sự phát triển này xảy ra rầm rộ nhất là vào năm 1950. Hàng loạt rạp chiếu bóng từ hạng sang có máy lạnh với sức chứa khoảng 1.000 khán giả cho đến các rạp bình dân ở các vùng ven ra đời đều được người xem đón nhận nồng nhiệt.

Rạp Majestic hoạt động một thời gian sau đó chuyển đổi thành nhà hàng. Hiện nay nơi đây là phòng trà Maxim's. Có thể nói, Majestic ra đời sớm nhất nhưng trụ với điện ảnh khá ngắn ngủi.

Rạp Eden tồn tại cho đến đầu thập niên 1970. Một phần của rạp được chuyển thành phòng trà Tiếng Tơ Đồng. Không lâu, Eden bị xóa sổ hoàn toàn để trở thành Trung tâm mua sắm Eden Mall. Ngày nay, dấu tích của rạp Eden, nhà hàng Givral, cà phê La Pagode, cả một chuỗi hình ảnh về Sài Gòn đã bị đập bỏ hoàn toàn để xây dựng khu thương mại...

Nữ đại gia bỏ tiền khổng lồ xây rạp phim xịn nhất Sài Gòn xưa - Ảnh 3.

Toàn bộ khu vực rạp Eden đã đập bỏ thay vào là khu thương mại.


Majestic và Eden không còn không có nghĩa sinh hoạt của các rạp chiếu bóng đi vào ngõ cụt mà ngược lại, hàng loạt rạp chiếu bóng khác ra đời đành dấu thời kỳ hưng thịnh nhất của loại hình nghệ thuật thứ 7.

Nữ đại gia bỏ tiền khổng lồ xây rạp phim xịn nhất Sài Gòn xưa - Ảnh 4.

Khách sạn Đại Nam thay thế cho rạp chiếu bóng một thời lừng lẫy


Trong số các rạp mới xuất hiện sau này, chúng tôi muốn nói đến một rạp của người Việt mà quy mô về mọi mặt của nó có thể nói đứng đầu cả Đông Nam Á, đó là rạp Rex.

Rạp Rex - Rạp hiện đại nhất Đông Nam Á của ông bà Ưng Thi

Tính đến năm 1960, rạp Đại Nam trên đường Trần Hưng Đạo của ông bà Nguyễn Phúc Ưng Thi thuộc vào loại hạng nhất ở Sài Gòn. Rạp có một tầng lầu và máy lạnh mát rượi.

Có lẽ chưa hài lòng lắm với qui mô của rạp Đại Nam, ông bà Ưng Thi đã dồn hết vốn liếng mua một miếng đất trên đường Nguyễn Huệ gần Tòa Đô Chánh (nay là UBND TP.HCM) để xây dựng rạp Rex, một rạp chiếu bóng với quy mô chưa từng có ở Việt Nam.

Nữ đại gia bỏ tiền khổng lồ xây rạp phim xịn nhất Sài Gòn xưa - Ảnh 5.

Rạp Rex ngày xưa


Nữ đại gia bỏ tiền khổng lồ xây rạp phim xịn nhất Sài Gòn xưa - Ảnh 6.

Bây giờ là khách sạn Rex 5 sao.


.

Rạp Rex - đúng như ý muốn của chủ nhân - là một rạp chiếu bóng thuộc vào hàng tối tân bậc nhất. Rạp này được trang bị những tiện nghị hiện đại dành cho một rạp chiếu bóng. Dàn máy lạnh có công suất cực cao khiến cho 1.200 khán giả run cầm cập. Có người đi xem phim phải mang theo áo chống lạnh.

Màn ảnh của Rex là màn ảnh đại vỹ tuyến rộng đến 150 m2. Phim được chiếu tại đây là phim 70mm với dàn máy chiếu đặc biệt chỉ có ở Rex. Khán giả đến với Rex được tận hưởng khung cảnh rất trang nhã và sang trọng.

Thời bấy giờ, đối với những cặp tình nhân, được ngồi trên ghế nệm êm ái, xem phim nghe âm thanh nổi stereo, có lẽ đó là điều hạnh phúc nhất.

Vé của Rex thuộc loại khá đắt, gấp mất lần so với các rạp khác. Có 2 loại vé, dưới đất và trên lầu. Vé trên lầu có giá cao hơn và khách được sử dụng thang cuốn, một loại thang máy lần đầu tiên nhập về Việt Nam.

Theo lời một người bạn tôi kể lại: "Trong ngày khai trương, một người đẹp lên lầu bằng thang cuốn. Có lẽ chưa quen với loại thang này nên đã bị thang máy cuốn luôn cái quần. Cũng may chưa có điều gì đáng tiếc xảy ra".

Cuộn phim đầu tiên để khai trương rạp là phin Ben Hur. Phim đoạt 11 giải Oscar vào năm 1959, được trình chiếu tại Mỹ.

Thông thường một cuộn phim mới được chiếu tại Mỹ phải 4 năm sau mới về đến Việt Nam. Vậy mà Ben Hur chiếu cùng lúc với Mỹ chắc hẳn ông bà Ưng Thi phải mất một khoản tiền khá lớn để nhập về.

Trong 10 năm từ 1960 - 1970, thị trường phim ảnh và rạp chiếu bóng tại Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung rất phát đạt. Hầu như năm nào cũng có rạp mới khai trương dù vậy không rạp nào có quy mô bằng hoặc vượt qua được rạp Rex.

Sau 1975, toàn bộ các rạp chiếu phim được đặt dưới sự quản lý của công ty Phát hành phim và chiếu bóng TP.HCM (Fafim). Trong 5 năm đầu, lượng khách đến với phim khá đông nhất là khi bộ phim "Ván bài lật ngửa" được công chiếu.

Đến năm 1990, máy chiếu phim nhựa không được sử dụng, các rạp được trang bị máy chiếu video 300 inch với những bộ phim không hấp dẫn lắm.

Tình hình sinh hoạt của các rạp chiếu phim trở nên bi đát hơn trước sự phát triển quá nhanh của các loại phim ảnh, cũng như sự hiện đại từ các rạp phim mới như chuỗi rạp Galaxy, BHD Star Cineplex… kèm theo một loạt phòng chiếu phim tại các siêu thị, tại quán cà phê khiến các rạp chiếu phim này dần đi vào quên lãng.

Theo Trần Chánh Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM