Nữ CEO Zalopay: Tốt nghiệp MBA tại Harvard, từng không thích làm CEO và quyết định từ chối phòng làm việc riêng để gần nhân viên

01/11/2024 14:59 PM | Kinh doanh

Có 12 năm kinh nghiệm học tập và làm việc tại Mỹ, tốt nghiệp MBA tại Harvard (Mỹ), nhưng cô gái trẻ Lê Lan Chi lại quyết định trở về Việt Nam để gắn bó với Zalopay, vì niềm tin vào “một xã hội không tiền mặt”.

'Làm những gì tốt nhất giúp ZaloPay ngày càng tốt hơn'

CEO Lê Lan Chi gia nhập Zalopay từ năm 2019 trong vai trò Trưởng phòng Tài chính. 5 năm sau đó, bà đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau  từ Vận hành, Marketing, Chăm sóc khách hàng đến phát triển nhóm sản phẩm Tài chính toàn diện. Quãng thời gian nửa thập kỷ làm việc tại nhiều vị trí giúp nữ CEO có cái nhìn tổng quát, hiểu sản phẩm, người dùng và đối tác.

Đến đầu năm 2023, Lê Lan Chi chính thức được bổ nhiệm làm CEO của Zalopay. “Thực ra, tôi chỉ muốn tập trung làm chuyên môn chứ không muốn làm CEO” , nữ CEO nhớ lại.

Thay vì thoái thác nhiệm vụ mới vì "không thích", khi ngồi ghế nóng ZaloPay, CEO Lê Lan Chi thay đổi phần nào suy nghĩ, muốn làm tốt nhất có thể.

Để có thể đảm đương vai trò lãnh đạo của một tập thể hơn 600 nhân viên, CEO Lê Lan Chi đề ra các chiến lược liên quan đến ví điện tử, về nhân sự với mục tiêu tối thượng là “đáp ứng đầy đủ nhu cầu người dùng và đặt con người là trung tâm của sự phát triển".

“Tất cả những điều ấy chỉ để hướng đến mục tiêu duy nhất: cố gắng làm những gì tốt nhất có thể để giúp Zalopay ngày một tốt hơn”, nữ CEO nói và tiết lộ đã từ chối phòng làm việc riêng để gần gũi, sâu sát hơn với đội ngũ nhân viên.

Nữ CEO Zalopay: Tốt nghiệp MBA tại Harvard, từng không thích làm CEO và quyết định từ chối phòng làm việc riêng để gần nhân viên- Ảnh 1.

Theo nữ CEO, hiện áp lực của ngành thanh toán điện tử không chỉ từ tình hình kinh tế chung toàn cầu, cạnh tranh thị trường, sự đòi hỏi sự đầu tư lớn...

Do đó, với Zalopay, việc quan trọng nhất vẫn là đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dùng để họ thật sự yêu thích và gắn bó với sản phẩm. Muốn vậy, nữ CEO xác định bản thân đội ngũ nhân sự phải tin tưởng, kiên định và nỗ lực phát triển sản phẩm, hướng về một xã hội không tiền mặt tại Việt Nam là điều quan trọng nhất.

Để phát triển nguồn lực nhân sự tại ZaloPay, CEO Lan Chi muốn việc xây dựng một môi trường làm việc cởi mở, đề cao sự sáng tạo và văn hóa trao quyền. Town Hall Zalopay (buổi họp quý định kỳ) ra đời cũng vì lẽ đó.

“Tôi muốn biến nó trở thành truyền thống của Zalopay, trong mỗi buổi gặp gỡ này, ban lãnh đạo Zalopay sẽ cố gắng minh bạch nhất, trả lời tất cả các câu hỏi của nhân viên, không có ngoại lệ nào cả”, nữ CEO nói.

Không chỉ giải đáp tất cả thắc mắc của nhân viên, nữ CEO của Zalopay còn ưu tiên phát triển nguồn lực, nhất là nhân sự trẻ.

Hiện, Zalopay đang xây dựng chương trình Fresher cho nhóm Sản phẩm và nhóm Kinh doanh, giúp nhân viên trẻ hiểu sản phẩm, có tư duy công nghệ, từng bước trang bị kiến thức và dần dần đảm nhận những trọng trách lớn hơn.

CEO của Zalo Pay nhận định: “Đội ngũ đằng sau là yếu tố cốt lõi để đưa một sản phẩm phát triển. Tôi mong mỗi thành viên của Zalopay đều có cơ hội trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình”.

Các thay đổi tích cực trong chiến lược quản trị Zalopay đã từng bước xây dựng niềm tin và thúc đẩy phát triển nhân sự cũng như sản phẩm.

“Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính, nhân sự nhưng tất cả thành viên Zalopay đều chia sẻ cùng mục tiêu, đồng lòng tạo nên những thay đổi lớn về sản phẩm. Chi rất tự hào về các bạn ”, CEO Zalopay chia sẻ.

Ví điện tử chỉ là phương tiện  

Sự am hiểu về Zalopay giúp “nữ tướng” Zalopay xác định rằng ví điện tử là phương tiện chứ không phải là đích đến. Điều này đã được chứng minh khi Zalopay đã liên tục cho ra mắt các sản phẩm thanh toán và tài chính trong những năm gần đây.

Đến tháng 7 năm nay, ứng dụng thanh toán này công bố nhận diện thương hiệu mới định hướng trở thành nền tảng thanh toán mở, không chỉ phục vụ người dùng ví điện tử mà còn mở rộng đến người dùng thanh toán số nói chung. Song song đó, ZaloPay đồng thời cung cấp bộ sản phẩm tài chính cá nhân.

Để có bước ngoặt này là điều không hề dễ dàng khi ban đầu từng xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. CEO Lê Lan Chi nhớ lại mình không biết đã dành bao nhiêu thời gian để giải đáp thắc mắc, cũng như thuyết phục từng nhóm nhân viên một cách chi tiết về hệ sinh thái mở.

“Zalopay tin rằng khi tất cả các thành viên đều hiểu và chia sẻ chung mục tiêu phát triển, tổ chức sẽ phát triển đúng hướng và bền vững”, CEO nói.

Nữ CEO Zalopay: Tốt nghiệp MBA tại Harvard, từng không thích làm CEO và quyết định từ chối phòng làm việc riêng để gần nhân viên- Ảnh 2.

 

Sau hơn 6 năm phát triển, Zalopay hiện phục vụ hơn 14 triệu người dùng, cung cấp danh mục sản phẩm hơn 100 dịch vụ tiện ích. Bên cạnh lượng người dùng Ví ổn định thì số lượng giao dịch thanh toán qua các hình thức không phải Ví như chuyển khoản ngân hàng, thẻ quốc tế hay Apple Pay chiếm khoảng 37% người dùng mới hàng tháng.

Nguồn: VNG - Tin tức

Thảo Vân

Cùng chuyên mục
XEM