Nóng: Nhật Bản nguy cơ chỉ còn 1 trẻ em vào năm 2720
Dự đoán được giáo sư Hiroshi Yoshida, chuyên gia về xu hướng nhân khẩu học tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội người cao tuổi, Đại học Tohoku, đưa ra ngày 7/1.
Số trẻ em dưới 14 tuổi tại Nhật Bản sẽ giảm xuống còn 1 người vào năm 2720 nếu nước này duy trì tỷ lệ sinh thấp như hiện tại. Dự đoán được giáo sư Hiroshi Yoshida, chuyên gia về xu hướng nhân khẩu học tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội người cao tuổi, Đại học Tohoku, đưa ra ngày 7/1.
Để tính toán được con số này, ông Yoshida sử dụng một dạng “đồng hồ” nhân khẩu học, hiển thị dữ liệu thời gian thực về số lượng trẻ em ở Nhật Bản. “Đồng hồ” này so sánh số trẻ em giữa các năm liên tiếp, dựa trên dữ liệu chính thức từ Cục Thống kê. Dựa trên tỷ lệ trẻ giảm qua các năm, đồng hồ đếm ngược thời điểm số trẻ xuống còn 1 người vào khoảng năm 2720, tức là 695 năm nữa.
Được biết, mục đích “đồng hồ đếm trẻ em” của ông Yoshida nhằm nâng cao nhận thức về sự suy giảm dân số nhanh chóng và những tác động rộng lớn hơn của tỷ lệ sinh giảm. Tỷ lệ sinh của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,20 vào năm 2023, trong đó Tokyo giảm xuống dưới 1 dù con số lý tưởng là 2,1.
Số trẻ em sinh ra tại Nhật Bản trong nửa đầu năm 2024 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969. Từ tháng 1 đến tháng 6 năm ngoái, nước này ghi nhận 350.074 ca sinh, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2023, theo báo cáo sơ bộ của Bộ Y tế.
Theo báo cáo điều tra dân số vào năm 2020, khoảng 28% nam giới ở độ tuổi 50 chưa từng kết hôn và tỷ lệ này ở nữ giới là 17,8%. Trước đó, vào năm 1990, chỉ có khoảng 5,6% nam giới ở độ tuổi ngũ tuần chưa từng kết hôn và chỉ 4,3% đối với nữ giới.
Để cải thiện vấn đề này, chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực thực hiện các biện pháp, chẳng hạn như mở rộng cơ sở trông trẻ, trợ cấp nhà ở, thậm chí ra mắt ứng dụng hẹn hò do chính phủ điều hành để khuyến khích kết hôn và sinh con. Đầu năm 2023, nước này còn cam kết chi 3,5 nghìn tỷ Yên (23,6 tỷ USD) nhằm tăng tỷ lệ sinh, song bản chất thiếu hụt lao động sẵn có vẫn thách thức tất cả. Theo các chuyên gia, tình trạng suy giảm dân số của Nhật Bản sẽ kéo dài nhiều thập kỷ nữa do cấu trúc nhân khẩu học hiện tại.
Theo báo cáo về thay đổi nhân khẩu học tại châu Á do Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương thuộc Liên hợp quốc thực hiện, dân số châu Á đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng có. Tại Nhật Bản, số người từ 75 tuổi trở lên được dự báo sẽ lên tới 22,58 triệu vào năm 2030, chiếm khoảng 20% tổng dân số.
Dân số già hóa nhanh chóng tạo gánh nặng cho hệ thống lương hưu, đồng thời tăng nhu cầu đối với các loại hàng hóa, dịch vụ và cơ sở hạ tầng cho người cao tuổi. Chính phủ Nhật Bản ước tính với xu hướng dân số như hiện nay, chi phí chăm sóc người cao tuổi hàng năm trên đầu người sẽ tăng 75%, lên hơn 1.500 USD vào năm 2050 so với mức của năm 2019.
Ngoài Nhật Bản, một số quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với áp lực dân số, trong đó có Singapore. Nước này hồi tháng 2/2024 đã công bố tỷ lệ sinh lần đầu tiên giảm xuống dưới 1 vào năm 2023, giảm từ mức 1,04 của năm 2022. Cơ quan Thống kê quốc gia Hàn Quốc cũng công bố tỷ lệ sinh là 0,72 vào năm 2023, giảm từ mức 0,78 vào năm 2022.
Theo: Nikkei Asia