NÓNG: Lộ diện 4 điểm cầu đặc biệt của Chung kết năm Đường Lên Đỉnh Olympia 2024
4 điểm cầu truyền hình trực tiếp Chung kết năm Đường Lên Đỉnh Olympia 2024 sẽ được đặt tại 4 địa danh mang tính biểu tượng của mỗi tỉnh và thành phố.
Chung kết năm Đường Lên Đỉnh Olympia 2024 là cuộc so tài của 4 thí sinh Trần Trung Kiên (học sinh trường THPT Lê Hồng Phong, Phú Yên); Nguyễn Quốc Nhật Minh (học sinh trường THPT chuyên Hùng Vương, Gia Lai); Vũ Quang Phú Đức (học sinh trường THPT Chuyên Quốc học Huế - Thừa Thiên Huế) và Nguyễn Nguyên Phú (học sinh trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội).
Trận Chung kết Olympia năm thứ 24 sẽ diễn ra vào lúc 8h30 ngày 13/10 tới đây. Giống như năm ngoái, 4 điểm cầu truyền hình trực tiếp Chung kết năm Đường Lên Đỉnh Olympia 2024 sẽ được đặt tại 4 địa danh mang tính biểu tượng của mỗi tỉnh và thành phố.
1. Điểm cầu tại Quảng trường Tháp Nghinh Phong (Phú Yên)
Thí sinh Trần Trung Kiên - Trường THPT Lê Hồng Phong, Phú Yên - Nhất Quý I
Quảng trường Nghinh Phong nằm ở ngã tư Nguyễn Hữu Thọ và Độc Lập, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Thiết kế của quảng trường được lấy ý tưởng từ Gành Đá Đĩa với những khối đá tròn xếp chồng liền kề nhau, biểu tượng của du lịch Phú Yên.
Ngoài tháp đôi, khu vực quảng trường Nghinh Phong còn có các hạng mục khác như hệ thống kè bảo vệ, công viên, đường đi dạo lát đá granite… với tổng diện tích hơn 7.000 m2. Tháp Nghinh Phong nằm ở quảng trường cùng tên, tọa lạc trên bãi biển Nguyễn Hữu Thọ. Công trình tháp được chia làm hai phần, mỗi phần có 50 khối đá xếp liền kề. Những khối đá này chính là hình ảnh đại diện cho 100 người con trong truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên, được chia hai nửa với ý nghĩa "lên rừng xuống biển".
Về đêm, nơi này được chiếu sáng với công nghệ Bobine Tesia, 3D mapping và laze cường độ cao tạo nên vũ điệu ánh sáng đa sắc màu. Một điều đặc biệt khác của tháp Nghinh Phong chính là khoảng trống giữa hai tòa tháp chỉ đủ cho hai người đứng, mỗi khi có gió thổi qua khe hở sẽ tạo ra âm thanh như bản nhạc từ thiên nhiên.
2. Điểm cầu tại Quảng trường Đại đoàn kết (Gia Lai)
Thí sinh Nguyễn Quốc Nhật Minh - Trường THPT chuyên Hùng Vương, Gia Lai - Nhất Quý II
Quảng trường Đại Đoàn Kết hay còn được người dân Pleiku (Gia Lai) gọi là quảng trường lớn với diện tích hơn 12ha. Nơi đây tọa lạc tại trung tâm thành phố và là điểm đến mà người dân thường ra đi bộ, tập thể dục vào các buổi trong ngày.
Điểm nhấn đáng chú ý của quảng trường là bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại được đặt chính giữa. Tượng cao gần 11 mét, đặt trên một bệ bê tông cốt thép ốp đá xanh ra bên ngoài cao 4.5 mét. Tượng có trọng lượng khoảng 16 tấn và được đúc bằng đồng nguyên khối. Điểm đặc biệt của tượng đồng này là nó có một khung xương như người thật được làm bằng thép không gỉ.
Đây là bức tượng tạc Chủ tịch Hồ Chí Minh lớn nhất thế giới được tạo ra bởi nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Bá Đua tại xưởng thép của sân bay Gia Lâm trong hơn 2 năm. Đằng sau bức tượng là một bia đá có khắc lên bức thư mà Bác gửi tới đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam được long trọng tổ chức tại chính phố núi Pleiku này vào năm 1946.
3. Điểm cầu t ại Quảng trường Ngọ Môn (Thừa Thiên Huế)
Thí sinh Vũ Quang Phú Đức - Trường THPT Chuyên Quốc học Huế - Thừa Thiên Huế - Nhất Quý III
Quảng trường Ngọ Môn là một trong những quảng trường đẹp nhất Việt Nam, nằm giữa cổng Ngọ Môn và Kỳ Đài của Kinh thành Huế. Quảng trường Ngọ Môn cũng gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, trong đó có thời khắc vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị.
Ngày nay, Quảng trường Ngọ Môn là một điểm thăm quan du lịch của nhiều du khách. Đến đây thăm quan, du khách còn có thể khám phá nhiều điểm tham quan lân cận thuộc Quần thể Di tích lịch sử đặc biệt của Kinh thành Huế.
4. Điểm cầu t ại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)
Thí sinh Nguyễn Nguyên Phú - Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội - Nhất Quý IV
Nhắc đến những công trình kiến trúc độc đáo của Hà Nội không thể không nhắc đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (toạ lạc tại số 58 Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội). Trải qua hơn 1.000 năm với những biến thiên của lịch sử, Văn Miếu vẫn vẹn toàn được nét cổ kính, tôn nghiêm.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một quần thể kiến trúc ấn tượng được xây dựng từ thời nhà Lý. Với bề dày lịch sử cùng với nét kiến trúc cổ độc đáo, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xem là một trong những di sản đặc biệt của quốc gia. Khu di tích này cũng là một trong những điểm du lịch Hà Nội nổi tiếng được du khách gần xa. Không chỉ có vậy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn là minh chứng lịch sử mang biểu tượng văn hóa của Việt Nam.
Tổng hợp