Nổi tiếng cứng rắn, nhưng Apple đang phải nhún nhường trước quy định của nước Nga

18/03/2021 17:31 PM | Công nghệ

Từ tháng Tư tới đây, các iPhone được bán ra tại Nga sẽ có tùy chọn các phần mềm cài đặt sẵn theo quy định của chính phủ Nga.

Apple vốn nổi tiếng là một công ty cứng rắn, không chỉ với các đối tác mà đôi khi họ còn dám đối đầu với chính sách của nhiều chính phủ trên thế giới nếu nó đi ngược chính sách của họ. Thế nhưng người khổng lồ công nghệ đang phải tạo ra một ngoại lệ theo yêu cầu từ chính phủ Nga đối với mỗi iPhone họ bán ra từ tháng 4 này.

Bắt đầu từ tháng 4 tới đây, mỗi iPhone và một thiết bị iOS mới bán ra tại Nga sẽ phải có thêm một bước thiết lập nữa. Bên cạnh các câu hỏi về tùy chọn ngôn ngữ và cho phép bật Siri, người dùng sẽ thấy một màn hình nhắc họ cài đặt một danh sách các phần mềm từ các nhà phát triển của Nga.

Nổi tiếng cứng rắn, nhưng Apple đang phải nhún nhường trước quy định của nước Nga - Ảnh 1.

Điều này để đáp ứng một yêu cầu từ chính phủ Nga ban hàng vào năm 2019 rằng, mọi máy tính, smartphone, smart TV và các thiết bị tương tự được bán ra phải được cài đặt sẵn một số các ứng dụng được chính phủ phê duyệt, bao gồm trình duyệt, các ứng dụng nhắn tin và dịch vụ diệt virus.

Đối với Apple, quy định này cũng được nới lỏng hơn một chút. Các ứng dụng này không được cài đặt sẵn trong iPhone hay thiết bị iOS và người dùng có thể chọn không tải xuống cũng như cài đặt chúng. Dù vậy quyết định này cũng đi ngược quy tắc của công ty về các ứng dụng cài đặt sẵn trên thiết bị của mình.

Quy định này của Nga sẽ phạt nặng các nhà cung cấp nào không tuân thủ yêu cầu cài đặt phần mềm lên máy tính hoặc smartphone, thay vì nhà sản xuất làm ra chúng. Tuy nhiên, đối với những công ty trực tiếp bán sản phẩm của mình cho người dùng, như Apple, điều này cũng sẽ áp dụng cho họ.

Chính vì vậy, quyết định này của Apple cũng là điều dễ hiểu vì nếu không làm vậy, họ sẽ buộc phải rút lui hoàn toàn khỏi thị trường Nga. Tuy vậy, việc người dùng iPhone có quyền lựa chọn cài đặt hay không các ứng dụng này cũng là một nỗ lực đàm phán đáng kể của Apple khi các đối thủ Android của họ đều không có được ngoại lệ này.

Trên thực tế, đây cũng không phải lần đầu Apple gặp phải sức ép từ những quy định áp đặt của chính phủ các nước và buộc phải nhân nhượng một phần để giữ được thị trường đó.

Trước đó, để được tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc, Apple đã đồng ý sử dụng một nhà cung cấp dịch vụ đám mây trong nước để lưu trữ dữ liệu iCloud và các khóa mã hóa của người dùng tại nước này. Bên cạnh đó, Apple cũng phải loại bỏ các ứng dụng iOS trên App Store tại Trung Quốc mỗi khi chính phủ nước này yêu cầu.

Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục
XEM