Nới “room” tăng trưởng tín dụng: Ai hưởng lợi?
Việc mở tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng sẽ có lợi cho khách hàng và doanh nghiệp, vì ngân hàng dồi dào thanh khoản sẽ không dẫn đến tình trạng tăng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiều ngân hàng đã vượt mức tăng trưởng tín dụng chung của ngành và ngấp nghé chỉ tiêu được giao. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao chỉ tiêu từ đầu năm cho nhóm ngân hàng quốc doanh như Agribank, BIDV, VietinBank từ 6,5 - 7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5% và MBBank, VPBank, Techcombank được cấp chỉ tiêu tín dụng cao hơn hẳn từ 10,5 - 12%. Các ngân hàng thương mại còn lại như VIB, ACB, Sacombank dao động trong khoảng 8,5 - 9,5%,...
NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế
Theo đánh giá từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế- Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), hàng năm, NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng tùy thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh và tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng. Riêng năm nay, mặt bằng "room" tăng trưởng tín dụng mà các ngân hàng được cấp vào đầu năm thấp hơn tổng thể các năm trước, nên dẫn đến tình trạng hết hạn mức sớm. Mà yêu cầu quan trọng của Chính phủ đang là ổn định vĩ mô, trước hết phải ổn định thị trường tài chính tiền tệ. Chính vì vậy, hạn mức tín dụng đang là một trong những công cụ hiệu quả để NHNN bình ổn thị trường tiền tệ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính-Ngân hàng cho rằng, việc mở tỷ lệ tín dụng cho các ngân hàng sẽ có lợi cho khách hàng và doanh nghiệp, vì ngân hàng dồi dào thanh khoản sẽ không dẫn đến tình trạng tăng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay.
"Nếu tín dụng ít đi thì lãi vay sẽ tăng lên là điều tất yếu. Từ đó, các ngân hàng sẽ khắt khe hơn trong việc cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và tăng lãi suất cho vay để đảm bảo mức lợi nhuận đề ra. Trong những tháng tới, dự báo nhu cầu vốn của doanh nghiệp sau dịch kỳ vọng sẽ còn tăng cao", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Trước vấn đề này, ngày 14/7, NHNN đã có văn bản gửi các ngân hàng về việc chấp thuận điều chỉnh room tăng trưởng tín dụng. Điển hình một số ngân hàng được cấp room tăng trưởng tín dụng lần 1 ở mức khoảng 8,5% nay đã được lên 12,5%; những ngân hàng được cấp room trước từ 10,5-12% cũng được xem xét nới lên trong khoảng 14-15%. VIB, MBBank, Vietcombank, Techcombank, Sacombank, ACB... được cho là những ngân hàng trong danh sách NHNN nới room đợt này.
Các doanh nghiệp mong muốn NHNN có những điều chỉnh chính sách hợp lý để việc vay vốn "dễ thở" hơn
Phía NHNN cho biết, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng (TCTD), đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD; ưu tiên đối với TCTD thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng đã nhấn mạnh, mọi hoạt động của ngân hàng phải hài hoà song hành giữa 2 mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, song vẫn đảm bảo an toàn một cách cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và cho từng TCTD nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, Giám đốc một công ty Thiết bị y tế và Phòng khám Đa khoa tại Bình Phước cho hay, trong thời gian dịch bệnh, việc tiếp cận tín dụng với doanh nghiệp vẫn không phải dễ dàng. Nguyên nhân là do các ngân hàng xét duyệt hồ sơ khá chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro nợ xấu.
"Với nhu cầu về thiết bị y tế phục vụ các công tác khám, chữa bệnh, xét nghiệm COVID-19 tăng cao, chúng tôi phải cần nhiều vốn để đảm bảo đủ vật tư y tế cho ngành. Nhưng nếu thủ tục quá khó, lãi suất tăng cao thì khó khăn sẽ nhân đôi. Doanh nghiệp mong muốn NHNN có những điều chỉnh chính sách hợp lý để các doanh nghiệp "dễ thở" hơn", vị Giám đốc bày tỏ.
Ghi nhận của DĐDN, từ mùa dịch COVID đầu tiên cho đến làn sóng trở lại lần thứ tư, ngành Dược và Y tế là một trong những lĩnh vực đã được nhiều NHTM tích cực thúc đẩy cho vay nhằm hỗ trợ ngành này đầu tư vật tư, trang thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu chống dịch. Dù có nhiều ưu đãi được thiết kế riêng như chấp nhận đa dạng loại tài sản đảm bảo với quyền đòi nợ đã hình thành, quyền đòi nợ hình thành trong tương lai từ các bệnh viện, hàng hóa là dược phẩm và vật tư y tế cung cấp cho bệnh viện; Được trải nghiệm việc thế chấp 100% tài sản đảm bảo là quyền đòi nợ đối với khách hàng mới; Được vay vốn nhiều hơn với tỷ lệ cho vay tối đa lên đến 90% giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản...nhưng nhìn chung lãi suất ưu đãi cho ngành này vẫn ở khoảng từ 6,5%.
Theo đó, nhiều ngành không được ưu đãi bằng so với Dược và Y tế do bối cảnh kinh doanh và đặc thù hiện tại, càng khó khăn hơn trong tiếp cận vốn lẫn điều kiện lãi suất.