Nỗi lòng sếp doanh nghiệp địa ốc: Không biết có trụ được đến Tết nữa không, chưa dám nghĩ đến chuyện thưởng Tết!
Dù là câu nói “vui”, nhưng đó là những trải lòng thật của nhiều sếp doanh nghiệp bất động sản khi Tết cận kề. Câu chuyện thưởng Tết trong bối cảnh khó khăn suốt thời gian dài trở thành một nỗi trăn trở không nhỏ của các doanh nghiệp.
Khi được hỏi về chế độ thưởng Tết trong năm nay, sếp một doanh nghiệp địa ốc phía Nam vừa cười, vừa nói: “Em phải hỏi là, doanh nghiệp có trụ được đến Tết không rồi hãy hỏi đến thưởng Tết”. Câu nói tưởng “bông đùa” nhưng sau đó là một nỗi niềm của người đứng đầu doanh nghiệp. Những khó khăn về dòng tiền càng trở nên áp lực hơn vào dịp cuối năm. Vấn đề lương – thưởng Tết, thậm chí doanh nghiệp còn “chưa dám nghĩ tới”.
Ghi nhận cho thấy, hiện chỉ một số ít doanh nghiệp bất động sản cho biết, vẫn sẽ cố gắng đảm bảo lương tháng 13 kèm thưởng cho nhân viên dịp Tết này, dù rất khó khăn. Trong khi phần lớn doanh nghiệp khi được hỏi đều cho hay: Tết này có lương trả cho nhân viên đã là nỗ lực rất lớn rồi.
“Doanh nghiệp hiện vẫn tiếp tục cắt giảm nhân sự và giảm lương thêm 10% toàn công ty. Lý do, doanh nghiệp vẫn phải dự phòng nguồn lực để duy trì hoạt động với kịch bản thận trọng doanh thu vẫn chưa cải thiện nhiều trong năm 2024”, Tổng giám đốc một công ty bất động sản khu vực phía Nam cho hay.
Đây vốn là doanh nghiệp làm phân khúc bất động sản cao cấp, hạng sang. Hiện thanh khoản khá chậm. Vị này cho biết, công ty đang xác định tập trung cho sản phẩm căn hộ với diện tích đa dạng từ 1-3 phòng ngủ đáp ứng nhu cầu ở thực của người mua trong giai đoạn thị trường khó khăn này.
Tương tự, khi hỏi về chế độ thưởng Tết năm nay đại diện một Tập đoàn bất động sản cho biết, năm nay mục tiêu kế hoạch không đạt. Theo quy định đạt chỉ tiêu kế hoạch, nhân viên sẽ có lương tháng 13 kèm thưởng Tết. Với tình hình khó khăn hiện tại, rất khó để cân các chi phí thưởng Tết.
Theo vị này, hiện công ty vẫn phải giãn lương và cắt quỹ lương khoảng 10% (tuỳ vào từng vị trí). Đồng thời, cắt tiếp khoảng 10% nhân sự (năm ngoái cắt nhiều hơn).
“Thưởng Tết là sự trăn trở rất nhiều của ban lãnh đạo ở giai đoạn thị trường khó khăn này. Trước mắt là đảm bảo việc trả lương cho những nhân sự còn ở lại công ty”, vị này cho hay.
Cũng đem câu hỏi này hỏi một đại diện công ty bất động sản có trụ sở tại quận 7, Tp.HCM thì đây là doanh nghiệp “hiếm hoi” có tín hiệu khả quan về thưởng Tết. Đại diện đơn vị này cho biết, năm nay lợi nhuận công ty đạt mục tiêu. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp chưa phải cắt giảm nhân sự. Thậm chí, ở một số bộ phận thiếu người vẫn tuyển thêm vào.
Được biết, thời điểm thị trường tốt, doanh nghiệp này thưởng tết khoảng 4-5 tháng lương. Năm ngoái, ngoài tháng lương thứ 13 doanh nghiệp còn thưởng thêm 1 tháng lương. Mặc dù năm nay chưa có thông tin cụ thể về thưởng Tết nhưng với mục tiêu kinh doanh đã đạt thì có thể mức thưởng Tết bằng năm ngoái.
Nhìn chung, những khó khăn dòng tiền của doanh nghiệp địa ốc vẫn tiếp diễn. Nhiều doanh nghiệp dù đã cắt giảm đi lượng nhân sự nhưng việc chi trả lương vẫn chậm, thậm chí nợ lương kéo dài 2-3 tháng do không có nguồn thu.
Hiện khá nhiều công ty địa ốc đang nợ lương 2-3 tháng. Thay vì trả đúng ngày như trước đây, doanh nghiệp nợ gối đầu, kéo dài thời gia trả lương. Hoặc trả lương “nhỏ giọt” theo tiến độ nguồn thu.
Nguồn thu không có trong khi chi phí chi ra nhiều khiến không ít doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn dòng tiền. Điều này đã diễn ra từ cuối năm 2022 đến nay. Ngay cả những doanh nghiệp đang có dự án mở bán cũng trong tình trạng hụt tiền. Nhiều nhân sự do bị nợ lương lâu ngày đã chuyển chỗ làm, xin việc sang các doanh nghiệp khác.
Những tháng cuối năm 2023, khi hỏi về vấn đề thưởng Tết dường như là “niềm đau” của nhiều doanh nghiệp bất động sản. “Gồng gánh” là cụm từ chính xác mà không ít doanh nghiệp đang đối diện. Theo những người trong cuộc, nếu tình trạng thị trường – thanh khoản không cải thiện trong các tháng tiếp theo, rất có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp tiếp tục ra đi, trên bờ vực phá sản.
Chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, các nhà phát triển bất động sản sử dụng đòn bẩy tài chính cao đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ gia tăng. Doanh nghiệp đang đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu tăng từng ngày và danh sách doanh nghiệp chậm thanh toán ngày càng kéo dài thêm do chưa có khả năng thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. “Hiện chỉ 1/4 doanh nghiệp bất động sản có thể cầm cự qua hết năm nay, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ vỡ nợ”, ông Đính cho biết.