Nỗi lòng các bà vợ 'sếp ngân hàng' khi ngày tết cận kề

20/01/2017 11:36 AM | Xã hội

Chắc rằng, ai cũng nghĩ được làm vợ "sếp" ngành ngân hàng thì sẽ sướng cả đời. Thế nhưng mấy ai hiểu được các vị "sếp bà" này cũng có nỗi lo của mình, nhất là khi ngày tết gần đến. Đó không phải nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhưng cũng mệt mỏi không kém là bao bởi đó nỗi lo bệnh tật, tính mạng…

Không riêng gì ngành ngân hàng, hầu như vợ của các ông "sếp" dù to hay nhỏ cứ đến dịp cuối năm đều lo ngay ngáy khi chồng mình phải liên tục đi công tác để hoàn thành công việc. Trong mỗi buổi công tác ấy chắc chắn không thể thiếu rượu. Liên hoan cũng rượu, trao thưởng cũng rượu, họp hành xong cũng rượu. Đó là nỗi lo của người ở nhà nhỡ đâu có hàng loạt hệ lụy xảy tới như bệnh tật hay tai nạn giao thông làm nguy hiểm đến tính mạng.

Vợ "sếp" lớn có nỗi lo lớn, "sếp" nhỏ có nỗi lo nhỏ nhưng tựu chung chẳng ai sung sướng toàn vẹn như những gì người ngoài nhìn vào. 

Chị Dương (Hà Nội), người có chồng đang làm giám đốc của một chi nhánh ngân hàng cho biết: "Cứ gần cuối năm, chồng tôi lại phải đi công tác nhiều, nào là đi họp tổng kết, đi tiếp các đoàn, đi từ thiện. Mỗi lần đi như vậy kéo dài vài ngày, mỗi ngày 2-3 bữa rượu thì sức khỏe nào chịu cho nổi. Từ ngày chồng tôi lên làm lãnh đạo thì chả có mấy khi bữa cơm gia đình được đầy đủ, sum họp cả. Cứ tối về là say khướt, hai mẹ con đang ngủ cũng phải dậy dọn dẹp "bãi chiến trường" của ông ấy. Sức khỏe thì ngày một yếu đi, mới hôm rồi đi khám ra đủ các thứ bệnh…".

Cùng với nỗi lòng như chị Dương, chị Thảo (Thanh Hóa) cho biết: "Chồng tôi chỉ giữ chức vụ nhỏ thôi nên gần tết thì lại càng nhiều các việc không tên đổ lên đầu. Rồi còn phải đi hầu các sếp tiếp khách. Tết đến ngân hàng nhiều khách càng phải đi nhiều. Có khi ông ấy đi suốt đến gần 30 tết mới về, việc sắm sửa đồ đạc mình tôi lo hết. Người ngoài cứ bảo có chồng làm lãnh đạo là hết ý nhưng tôi chỉ thấy lo".

Mới đây, một số ngân hàng đã công bố thưởng tết, có ngân hàng thưởng lên tới 7 tháng lương, có nơi hơn trăm triệu thế nhưng có nơi chỉ được ba cọc ba đồng. Thế nhưng, nào đâu ai biết việc đó, nhất là với họ hàng ở quê. Mang tiếng là "sếp" ngân hàng nên năm nào gia đình chị Hồng (Hà Nội) cũng phải sắm cả một danh sách dài đồ biếu. 

Chị Hồng kể, năm trước ngân hàng làm ăn bết bát, thưởng tết chẳng được bao nhiêu nên quà mua ít lại, khi về đến quê chồng thì lại bị dè bỉu. Nhiều người còn thì thầm sau lưng rằng cô con dâu không biết đạo nghĩa với nhà chồng, cố tình bớt xén quà tết để biếu nhà ngoại. 

Chị Hồng than thở: "Lắm lúc uất lắm mà không biết nói với ai, nhà mình cũng khá giả nên quà đã nhiều hơn so với các gia đình khác rồi. Được năm thưởng tết chẳng được bao nhiêu nên bớt tiền quà một chút là bị nói này nói nọ ngay. Năm nay ông chồng mới báo là thưởng tết chẳng có nên tôi cũng đang nghĩ xem có nên cố gắng một chút để biếu ông bà nhiều hơn, không lại bị nói ra nói vào".

Và còn nhiều trường hợp "sếp bà" nữa cũng gặp hoàn cảnh éo le như nhà chị Hồng. Bởi bà con xóm làng ở quê luôn quan niệm, đã làm lãnh đạo, lại còn lãnh đạo ngân hàng thì tiền tiêu không hết. Chị Thương là một người cũng rơi vào hoàn cảnh đó. Chị kể: "Hôm trước mới về quê, các chú dì nhà chồng đã xúm lại hỏi năm nay chồng thưởng tết mấy trăm triệu. Họ nghĩ là chồng mình làm lãnh đạo nên năm nào cũng phải được như vậy. Năm nào cũng trực chờ xem quà gia đình mình mang về như nào rồi so với các năm trước…".

Ấm ức như vậy, nhưng hầu hết chẳng ai dám than vãn với gia đình, nhất là gia đình nhà chồng vì đã mang cái danh vợ "sếp". Lo chồng ốm đau bệnh tật vì rượu chè ngày tết, lo tai nạn sau khi uống rượu, lo phải biếu quà nhiều vì chồng làm lãnh đạo, trăm ngàn nỗi lo đè nén lên đầu những "sếp bà". Như vậy, đâu hẳn cứ làm vợ "sếp" là sướng.

Minh Kiên

Cùng chuyên mục
XEM