Chiều đi xuống vẫn là xu thế ám ảnh đối với hạt gạo của Việt Nam
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch Thương nhân Kinh doanh và xuất khẩu gạo - quy định đang bị phàn nàn là gây khó doanh nghiệp.
Dù xuất khẩu sản lượng ít hơn Việt Nam, nhưng gạo Lào và Campuchia đã vào được thị trường Nhật - điều mà gạo Việt bao năm nay chưa làm được. Trong khi giá trị và lượng xuất khẩu gạo Việt sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, chiều đi xuống vẫn là xu thế ám ảnh đối với hạt gạo của Việt Nam, vẫn có doanh nghiệp than thở muốn xuất khẩu gạo phải lập công ty ở… Singapore.
“Năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã không đạt được mục tiêu đề ra. Giá trị và lượng xuất khẩu mặt hàng này giảm khá mạnh so với cùng kỳ. Chiều đi xuống vẫn là xu thế ám ảnh đối với hạt gạo của Việt Nam”, Bộ Công thương nhìn nhận.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến hết ngày 15/12/2016, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 4,68 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,1 tỷ USD. Lượng và giá trị gạo xuất khẩu giảm khoảng 1,62 triệu tấn và 600 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015.
Điều đáng buồn là xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng có xu hướng giảm về giá trị, thu hẹp về thị trường.
Trước đó năm 2010, xuất khẩu gạo Việt luôn đạt lượng khoảng 6,3 - 7 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch khoảng 2,7 - 3,3 tỷ USD. Gạo luôn là mặt hàng có kim ngạch cao thứ 3 sau thủy sản, cà phê.
Trong bối cảnh tình hình thị trường xuất khẩu gạo khó khăn, cạnh tranh gay gắt, việc bãi bỏ quy định này góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu gạo.
Theo Quyết định mới, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT (quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo) đã được chính thức bãi bỏ.
Trước đó, Quyết định số 6139/QĐ-BCT ban hành năm 2013, doanh nghiệp chỉ được xem xét, cấp Giấy chứng nhận xuất khẩu gạo khi đáp ứng 3 tiêu chí, trong đó tiêu chí 1 là phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của Nghị định 109/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cụ thể, doanh nghiệp phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa và có ít nhất 1 cơ sở xay, xát lúa, gạo công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ, phù hợp quy định do Bộ NNPTNT ban hành…
Cần phải nói thêm rằng Nghị định 109/2010/NĐ-CP ban hành từ năm 2010 đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi số doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí này thời điểm đó đếm không đủ 10 đầu ngón tay.
Đến tận năm 2016, một doanh nghiệp vẫn phải than thở với nghị định nói trên khi phải lập công ty ở … Singapore để tự nhập khẩu gạo từ Việt Nam của mình và bán ra tại thị trường Singapore.
2013 cũng là mốc xuất khẩu gạo Việt có dấu hiệu giảm sút. Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,6 tỷ USD; năm 2013, xuất khẩu đã có dấu hiệu giảm sút với khoảng 6,5 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD; năm 2014, xuất khẩu giảm còn 6,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD và năm 2015, Việt Nam chỉ giữ mức xuất khẩu 6,5 triệu tấn/năm.