Nỗi khổ của lao động Nhật Bản: 30 năm chưa được tăng lương

04/02/2023 10:09 AM | Xã hội

Nhật Bản là nền kinh tế G7 duy nhất có mức lương đi ngang trong suốt 30 năm qua.

Nỗi khổ của lao động Nhật Bản: 30 năm chưa được tăng lương - Ảnh 1.

Theo hãng tin CNN, ông Hideya Tokiyoshi đã làm giáo viên tiếng Anh tại Tokyo được 30 năm và mức lương của anh hầu như vẫn chẳng thay đổi gì. Chính vì lý do này mà cách đây 3 năm, ông Tokiyoshi quyết định đi viết sách để kiếm thêm thu nhập.

“Tôi thấy hạnh phúc vì công việc viết sách cho tôi thêm thu nhập. Bằng không chắc tôi vẫn bị kẹt trong vòng lặp lương cố định suốt 30 năm qua mất. Nhờ công việc mới này mà tôi có thể sống sót được”, ông Tokiyoshi nay đã 54 tuổi cho biết.

Trường hợp của anh Tokiyoshi chỉ là một trong vô số những người lao động Nhật Bản không hề được tăng lương suốt vài chục năm qua. Kinh tế giảm tốc và lạm phát thấp khiến người dân cũng không bị sốc quá với vấn đề này.

Nỗi khổ của lao động Nhật Bản: 30 năm chưa được tăng lương - Ảnh 2.

Giờ đây sau nhiều năm tăng trưởng chậm và đối mặt nguy cơ giảm phát, Nhật Bản bắt đầu chứng kiến đà tăng mạnh của lạm phát và nền kinh tế thứ 3 thế giới đang gặp khó vì chuyện lương lậu của lao động.

Lạm phát tăng khiến chất lượng cuộc sống của người dân Nhật đi xuống khi mức lương không đổi, thế nhưng các doanh nghiệp thì lại chẳng muốn gánh nặng thêm chi phí nhân công.

Tình hình nghiêm trọng đến mức vào tháng 12/2022, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã phải hối thúc các công ty nâng lương cho nhân viên để theo kịp đà lạm phát. Tuy nhiên mới chỉ có vài doanh nghiệp ủng hộ lời kêu gọi này.

Cũng tương tự như nhiều nơi trên thế giới, lạm phát đang dần trở thành vấn đề khiến Nhật Bản đau đầu. Trong năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản (loại trừ thực phẩm và năng lượng) tại Nhật đã tăng 4%. Dù con số này chẳng là gì so với mức lạm phát ở Mỹ hay Châu Âu nhưng đây lại là mức cao nhất 41 năm qua của Nhật Bản.

“Tại đất nước mà mức lương danh nghĩa (Nominal) của bạn chẳng hề tăng suốt 30 năm qua thì điều này đồng nghĩa thu nhập thực của bạn đang giảm mạnh vì lạm phát”, chuyên gia kinh tế Stefan Angrick của Moody’s Analytics nói với CNN.

Tháng 12/2022, Nhật Bản chứng kiến mức suy giảm thu nhập đã tính kèm lạm phát của người lao động cao nhất gần 10 năm qua.

Di sản giảm phát

Số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy năm 2021, mức lương bình quân của người Nhật là 39.711 USD/năm, hơn chút đỉnh so với 37.866 USD của năm 1991.

Như vậy lao động Nhật Bản chỉ có mức tăng lương chưa đến 5%, kém xa so với mức tăng bình quân 34% của các quốc gia phát triển khác như Pháp hay Đức trong cùng kỳ.

Một trong những nguyên nhân chính được các chuyên gia chỉ ra cho vấn đề ít tăng lương là giá cả không tăng mạnh. Giảm phát tại Nhật diễn ra từ giữa thập niên 1990 do đồng Yên mạnh đã khiến hàng nhập khẩu rẻ. Trong khi đó sự xì hơi của các bong bóng tài sản như bất động sản khiến chi phí cuộc sống khá ổn định.

Nỗi khổ của lao động Nhật Bản: 30 năm chưa được tăng lương - Ảnh 3.

“Về cơ bản trong suốt 20 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng tại Nhật Bản không có biến động mạnh”, chuyên gia Muge Adalet McGowan của OECD nhấn mạnh.

Giáo sư Shintaro Yamaguchi của trường đại học Tokyo cũng đồng tình khi cho biết đến tận năm 2022, người tiêu dùng Nhật Bản vẫn chưa rơi vào cảnh thiếu tiền sinh hoạt hay cần tăng lương gấp để chi trả cho cuộc sống. Tuy nhiên với mức lạm phát dần tăng trở lại, những tiếng nói yêu cầu nâng lương đang dần mạnh lên.

Năng suất thấp

Một nguyên nhân nữa khiến các chuyên gia đánh giá Nhật Bản không chịu tăng lương là do năng suất lao động thấp.

Bạn không nghe nhầm đâu, quốc gia nổi tiếng chăm chỉ dù có thời gian làm việc dài nhưng hiệu quả thì bình thường.

Giáo sư Yamaguchi cho biết sản lượng bình quân mỗi lao động đóng góp cho GDP Nhật Bản tính theo giờ hiện đang thấp hơn mức bình quân của nhóm OECD và đây là một trong những lý do lớn nhất khiến các công ty không muốn tăng lương.

“Về lý thuyết thì mức tăng lương và năng suất sẽ phải đi cùng nhau. Khi năng suất tăng, kết quả kinh doanh tốt thì họ sẽ nâng thu nhập cho người lao động”, chuyên gia McGowan có đồng quan điểm.

Bên cạnh đó, bà McGowan còn cho rằng việc dân số Nhật lão hóa nhanh càng làm năng suất lao động của nước này bị ảnh hưởng và gián tiếp tác động đến mức lương.

Thêm nữa, phong cách làm việc của giới trẻ Nhật Bản giờ đây cũng đã khác. Vào năm 2021, gần 40% lao động Nhật Bản làm nghề bán thời gian hoặc hợp đồng thời vụ theo giờ, cao gấp đôi so với mức 20% của năm 1990.

“Với tỷ lệ nghề bán thời gian tăng lên như thế này thì đương nhiên mức lương bình quân sẽ thấp, bởi những nhân viên đó chắc chắn sẽ không được trả công cao”, bà McGowan cho biết.

Nỗi khổ của lao động Nhật Bản: 30 năm chưa được tăng lương - Ảnh 4.

Nhân viên “trọn đời”

Hãng tin CNN nhận định một yếu tố nữa ảnh hưởng đến mức lương là văn hóa làm việc trọn đời cho một doanh nghiệp. Công ty sẽ chăm lo hết mức có thể cho nhân viên, hạn chế sa thải, nhấn mạnh vào sự trung thành với doanh nghiệp để người lao động phục vụ trọn đời cho tổ chức. Thế nhưng đi kèm với những ưu đãi này là một mức lương vừa phải.

Chiến lược không tăng lương trong thời điểm công ty làm ăn tốt này để có thể bảo vệ lao động, hạn chế sa thải khi có khó khăn thường được áp dụng khá phổ biến ở Nhật Bản.

“Họ không muốn đuổi việc nhân viên nên cần tích trữ lợi nhuận để có thể trả lương lao động trong thời buổi khó khăn”, chuyên gia Angrick của Moody nhận định.

Với cơ chế trả lương dựa trên thâm niên thay vì kết quả công việc như vậy thì lao động Nhật không muốn chuyển việc nhiều vì họ sẽ phải bắt đầu lại, nhưng năng suất làm việc cũng vì thế mà không thực sự cao. Đây là điều khác biệt hoàn toàn so với những nền kinh tế phát triển như Mỹ, khi mức lương dựa trên năng lực và thành tích.

“Vấn đề lớn nhất của thị trường lao động Nhật Bản là sự cố chấp trong văn hóa trả lương theo thâm niên. Nếu tính thu nhập theo thành tích thì chắc chắn sẽ có nhiều người nhảy việc và mức lương cũng sẽ đi lên”, nhà đầu tư nổi tiếng Jesper Koll tại Nhật Bản nói với CNN.

Thủ tướng Kishida từng cảnh báo nền kinh tế Nhật sẽ rơi vào cảnh lạm phát kèm suy thoái (lạm phát cao, tăng trưởng chậm) nếu mức lương không được giải quyết.

Ban đầu ông Kishida muốn mức tăng lương bình quân 3%/năm, nhưng hiện nay nhà lãnh đạo này muốn tiến thêm bước nữa khi lập kế hoạch tạo nên một chế độ tăng lương chính thức cho người lao động Nhật Bản.

*Nguồn: CNN

Băng Băng

Từ khóa:  nhật bản
Cùng chuyên mục
XEM