Nỗi buồn chưa từng thấy ở các doanh nghiệp địa ốc sau Tết
Bên cạnh một số doanh nghiệp đã làm thủ tục khai xuân năm mới thì khá nhiều đơn vị còn đang được nghỉ Tết qua thời điểm rằm tháng Giêng.
Khai xuân lấy ngày, nhân viên vẫn luân phiên làm việc
Mọi năm hoạt động khai Xuân diễn ra rầm rộ ở các doanh nghiệp địa ốc. Năm nay có phần im ắng hơn. Một số doanh nghiệp vẫn làm thủ tục khai xuân nhưng trễ hơn mọi năm. Đáng nói, dù khai xuân nhưng nhân viên vẫn luân phiên đi làm. Lương chưa có gì thay đổi so với thời điểm trước Tết. Một số doanh nghiệp khác thì khai xuân lấy ngày đẹp và tiếp tục nghỉ qua thời điểm rằm tháng giêng mới chính thức đi làm. Tình hình này của doanh nghiệp khác hẳn so với các năm trước.
Chia sẻ mới đây, một doanh nghiệp địa ốc phía Nam cho biết, mọi năm doanh nghiệp thường khai xuân vào ngày mùng 6 Tết nhưng năm nay qua ngày mùng 10 (âm lịch) mới làm thủ tục cúng đầu năm. Dù khai xuân nhưng nhân viên chưa đi làm hết mà luân phiên theo ngày. Những nhân viên sales thì chưa phải lên văn phòng. Chủ yếu các bộ phận hành chính, kế toán.
Dù đã gần tới thời điểm rằm tháng giêng nhưng chị H, nhân viên bộ phận truyền thông của một công ty BĐS vẫn đang ở quê. Theo chị H, công ty có thông báo khai xuân ngày mùng 9 Tết nhưng do bộ phận chưa có công việc để làm đầu năm nên xin phép nghỉ thêm. Đây cũng là kì nghỉ Tết “dài nhất” từ trước đến nay khi chị làm tại công ty BĐS.
Dù không luân phiên làm việc nhưng một sàn giao dịch BĐS trên địa bàn Q.7, Tp.HCM đã cắt giảm nhân sự đến hơn 60%. Công ty còn khoảng hơn 10 nhân sự dự khai xuân đầu năm mới. Dù làm thủ tục khai xuân nhưng sàn cũng chưa có việc để nhân sự làm trong đầu năm mới.
Ghi nhận cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp địa ốc đều tổ chức thủ tục khai xuân đầu năm mới để lấy ngày đẹp. Tuy nhiên, tình hình có vẻ ảm đạm hơn so với các năm trước là doanh nghiệp chưa vào “guồng đua” công việc ngay mà đúng nghĩa “Du xuân cho hết tháng giêng”.
Cùng kì năm trước, ngay thời điểm sau Tết nguyên đán, nhân sự các doanh nghiệp BĐS đã bắt đầu với công việc kinh doanh. Hoạt động mở bán, khai trương văn phòng hay giới thiệu dự án đã vào guồng ngay sau Tết. Đó cũng là thời điểm mà phân khúc đất nền có dấu hiệu nóng sốt cục bộ ở một số địa phương. Các môi giới BĐS có việc ngay sau kì nghỉ Tết nguyên đán. Hiện tại, tình hình BĐS chưa có gì thay đổi so với quý 4/2022.
Doanh nghiệp áp lực chi trả lương sau Tết
Đây cũng là câu chuyện khó khăn của không ít doanh nghiệp địa ốc thời điểm này. Thực tế, có khá nhiều doanh nghiệp đuối sức khi đã trả lương và thưởng cuối năm 2022 cho nhân sự. Và hiện tiếp tục xoay tài chính để chi trả lương tháng 1/2023 cho nhân viên. Một số bên đã cho nhân viên nghỉ qua rằm một phần cũng giảm tải áp lực chi phí vận hành. Điều này chưa từng diễn ra trong suốt mấy năm qua, kể cả thời điểm Covid-19.
Mới đây, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc phía Nam giãi bày, áp lực chi phí là có thật. Dù chưa đến mức “bi đát hay bi quan” nhưng các chi phí lương – thưởng cuối năm và sau Tết cho nhân viên trở thành áp lực lớn với doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay. Doanh thu gần như không phát sinh từ giữa năm 2022 đến nay khiến các chi phí hoạt động của doanh nghiệp liên tục bị “khựng”. Mặc dù đã cắt giảm nhân sự, lương nhưng tình trạng vẫn khá khó khi không có đầu vào.
Trong khi đó, một doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn Q.Phú Nhuận, Tp.HCM đã “bãi bỏ” việc luân phiên làm việc trong năm 2023 nhưng lương vẫn giảm từ 20-50% ở các nhân viên. Cùng với đó, các chi phí như cơm trưa, xăng xe, tiếp khách… đã cắt hết từ tháng 12/2022. Được biết, nhân viên vẫn đi làm đủ ngày nhưng lương giảm như thời điểm trước. Trường hợp nhân viên không đủ ngày công sẽ bị trừ lương. Như vậy, nếu so với quý 4/2022, áp lực của nhân sự tăng lên trong khi mức lương đã giảm rõ nét.
Vừa nghỉ Tết xong, nhiều doanh nghiệp lại tiếp tục xoay sở chi trả khoản lương tháng 1/2023 cho nhân viên. Đây là áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp hụt nguồn thu. Chưa kể, một số khoản như hoa hồng của nhân viên chi trả sau Tết cũng tạo áp lực dòng tiền đối với doanh nghiệp. Nhiều đơn vị đang cố xoay sở vừa để giữ nhân sự, vừa để gồng bộ máy qua thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, ngay bản thân họ cũng chưa định hình tương lai các tháng tiếp theo sẽ thế nào.
“Nợ lương, trả chậm hay cắt giảm chỉ là tình thế duy trì trong ngắn hạn. Còn về lâu dài, tình hình tiếp tục khó khăn, doanh nghiệp chắc chắn đuối sức và đứt gãy”, đại diện một doanh nghiệp phía Nam chia sẻ.
Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường BĐS năm 2023 vẫn sẽ đối diện nhiều thách thức. Trong đó, việc khơi thông nguồn vốn tín dụng, các chính sách pháp lý dự án là cần thiết để doanh nghiệp và thị trường phục hồi.
“Vấn đề về dòng vốn và lãi suất sẽ là yếu tố quyết định đến thanh khoản của thị trường BĐS trong năm 2023. Khi vấn đề dòng vốn được khơi thông thì sẽ giảm tình trạng bán tháo để cân đối dòng tiền, các doanh nghiệp có khả năng hoàn thiện và đảm bảo nguồn cung sản phẩm phù hợp cho thị trường. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ tài chính hay định hướng giảm mặt bằng lãi suất cũng kích cầu hiệu quả. Khi niềm tin trên thị trường được củng cố thì thanh khoản chắc chắn sẽ cải thiện”, đại diện một doanh nghiệp BĐS nhấn mạnh.