Nợ xấu của các ngân hàng niêm yết đang ở mức nào?

04/06/2018 08:39 AM | Kinh doanh

Thời điểm này hầu hết các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý 1 cũng như kết quả xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), chi phí dự phòng tăng 19,5% lên 692 tỷ đồng, gồm 663,6 tỷ đồng dự phòng cụ thể và 39,7 tỷ đồng dự phòng chung cho vay khách hàng.

Tổng nợ xấu xử lý trong quý 1 của MB là 345 tỷ đồng. Sau khi xử lý 345 tỷ đồng nợ xấu trong quý  1, tỷ lệ nợ xấu của MB là 1,41% so với mức 1,2% vào cuối năm 2017. Dư nợ xấu là 2.730 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm.

Trong đó, nợ nhóm 3 chiếm 0,68% tổng dư nợ, tăng 78,1% so với đầu năm lên 1.310 tỷ đồng.  Nợ nhóm 4 chiếm 0,32% tổng dư nợ, giảm 8,3% so với đầu năm xuống 613 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 chiếm 0,42% tổng dư nợ, giảm 0,8% so với đầu năm xuống 807 tỷ đồng.

Trong khi đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng công bố chi phí dự phòng tăng mạnh 156,07% so với cùng kỳ,  lên 6.013 tỷ đồng. Trong đó, 215 tỷ đồng chi phí dự phòng chung cho vay khách hàng;  7.794 tỷ đồng chi phí dự phòng cụ thể cho vay khách hàng (tăng 60,2% so với cùng kỳ).

Trên thực tế, các ngân hàng có thể hoán đổi lại trái phiếu VAMC và nhận lại nợ xấu cùng tài sản đảm bảo do VAMC nắm giữ, để thực hiện trích lập hoàn toàn và xóa nợ, hoặc tự xử lý với điều kiện tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 3% sau khi hoán đổi lại.

Bên cạnh việc trích lập dự phòng ở mức cao kỷ lục, BIDV cũng xóa 9.077 tỷ đồng nợ xấu trong quý 1, tương đương 1,03% tổng dư nợ. ngân hàng đã trích lập tổng cộng 42.823 tỷ đồng chi phí dự phòng từ năm 2014 đến quý 1/2018, tương đương 9% tổng dư nợ năm 2014. Cùng với đó, BIDV cũng xử lý tổng cộng 33.392 tỷ đồng nợ xấu, tương đương 7% tổng dư nợ năm 2014.

 Nợ xấu của các ngân hàng niêm yết đang ở mức nào?  - Ảnh 1.

Tính đến hết quý 1/2018, tỷ lệ nợ xấu sau xử lý tại BIDV là 1,62% so với mức 1,61% vào cuối năm 2017. Nợ mới hình thành chỉ là 259 tỷ đồng trong quý 1/2018. Cụ thể:  Nợ nhóm 3 là 4.766 tỷ đồng, tương đương 0,54% tổng dư nợ. Nợ nhóm 4 là 3.544 tỷ đồng, tương đương 0,4% tổng dư nợ. Và nợ nhóm 5 là 5.898 tỷ đồng, tương đương 0,67% tổng dư nợ.

Trong số các ngân hàng niêm yết, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu sau xử lý không đổi, ở mức 0,71% so với nức này vào cuối năm 2017. ACB cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 4 và nợ nhóm 5 tăng mạnh trong quý đầu năm.

Cụ thể, nợ nhóm 3 giảm 31,2% so với đầu năm còn 224 tỷ đồng, tương đương 0,11% tổng dư nợ. Nợ nhóm 4 tăng 55,5% so với đầu năm lên 428 tỷ đồng, tương đương 0,20% tổng dư nợ. Nợ nhóm 5 tăng 4,7% so với đầu năm lên 825 tỷ đồng tương đương 0,39% tổng dư nợ.

Chi phí dự phòng của ACB cũng giảm mạnh 78% so với cùng kỳ, còn 134 tỷ đồng. Trong đó, 129,12 tỷ đồng là dự phòng chung cho vay, và chỉ 16,23 tỷ đồng là dự phòng cụ thể.  ACB đã xử lý toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2017 và không cần phải trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt này kể từ năm 2018.

Do ACB đã trích lập xong toàn bộ các tài sản tồn đọng liên quan đến nhóm 6 công ty liên quan đến bầu Kiên, nên chi phí dự phòng giảm 77,93% so với cùng kỳ.

Cùng có chi phí dự phòng giảm như ACB, Ngân hàng LienVietPostBank (LPB), công bố chi phí dự phòng giảm 73,71% so với quý 1/2017, xuống 61,16 tỷ đồng. Toàn bộ 61,16 tỷ đồng chi phí dự phòng là trích lập cho trái phiếu VAMC.

Tỷ lệ nợ xấu sau xử lý của LPB ở mức 1,07% và cũng chỉ có 79,74 tỷ đồng nợ xấu hình thành mới trong quý 1.

Phân loại các khoản vay của LPB gồm: Nợ nhóm 3 tăng 45,91% so với cùng kỳ lên 276 tỷ đồng, tương đương 0,26% tổng dư nợ; Nợ nhóm 4 giảm 3,43% so với cùng kỳ xuống 148 tỷ đồng, tương đương 0,14% tổng dư nợ; Nợ nhóm 5 không đổi, là 728 tỷ đồng, tương đương 0,67% tổng dư nợ.

Với Eximbank, chi phí dự phòng quý 1 tăng nhẹ 13,92% so với cùng kỳ lên 151 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí dự phòng trong quý 1 là chi phí dự phòng cụ thể đối với các khoản nợ thông thường.

Eximbank không trích lập dự phòng trái phiếu VAMC trong quý năm nay. Mặc dù vậy, ngân hàng hiện vẫn nắm giữ 5.973 tỷ đồng giá trị trái phiếu VAMC và lộ trình trích lập dự phòng cho số trái phiếu này là 10 năm (10% mỗi năm). Như vậy, EIB sẽ phải trích lập khoảng 600 tỷ đồng dự phòng trái phiếu VAMC trong năm nay.

Tỷ lệ nợ xấu sau xử lý là 2,32% (vào cuối năm 2017 là 2,27%). Nợ xấu hình thành mới trong Q1/2018 là 38,59 tỷ đồng. Eximbank đã không xử lý bất kỳ khoản nợ nhóm 5 nào trong quý 1 năm nay, trong khi đó nợ nhóm 2 chiếm 0,61% tổng dư nợ, tăng 36,2% so với đầu năm lên 610 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 chiếm 0,88% tổng dư nợ, giảm 0,3% so với đầu năm xuống 811 tỷ đồng.  Nợ nhóm 4 chỉ chiếm 0,26% tổng dư nợ, giảm 26,5% so với đầu năm xuống 259 tỷ đồng.  Nợ nhóm 5 chiếm 1,19% tổng dư nợ, tăng 12,7% so với đầu năm lên 1.195 tỷ đồng.

Theo Ngân Giang

Cùng chuyên mục
XEM