Nợ thẻ tín dụng đầm đìa, lương vừa nhận đã hết, thấp thỏm vì tiền bạc: Đây là cách giải quyết!

24/04/2022 16:06 PM | Sống

Vẫn có lối thoát cho tình trạng túng thiếu nặng nề, có thể sụp đổ tài chính bất cứ lúc nào.

Việc không kiếm đủ tiền để trang trải cho cuộc sống có thể gây ra rất nhiều rắc rối. Bên cạnh chuyện bạn phải vật lộn với cuộc sống mỗi ngày, chật vật chi trả từng hóa đơn hay nợ thẻ tín dụng đầm đìa, vẫn có những dấu hiệu khác cho thấy bạn đang không kiếm đủ tiền . Dù nhìn ngoài có vẻ bạn vẫn đang ổn, song nếu có những dấu hiệu dưới đây bạn cần cân đối lại tài chính, chi tiêu để tránh rơi vào tình trạng khốn khó.

Dưới đây là 5 dấu hiệu thiếu tiền và cách giải quyết phổ biến nhất!

1. Sử dụng thẻ tín dụng hàng tháng

Dấu hiệu rõ rệt nhất cho chuyện bạn có vấn đề về thu nhập là bạn phải sử dụng thẻ tín dụng hàng tháng. Thậm chí, có người dù đang nợ tín dụng đầm đìa, chỉ có thể trả thanh toán tối thiểu vẫn quẹt thẻ tín dụng vì không đủ tiền xoay xở cho các nhu cầu thiết yếu. Lâu dần sẽ tạo ra thói quen xấu, dẫn bạn đến nợ nần ngày càng tồi tệ hơn và trở thành "nô lệ" cho các tổ chức tín dụng với khoản lãi trên trời.

Giải pháp: Ngưng sử dụng thẻ tín dụng

Điều này rất khó khăn, ban đầu vì có thể tình trạng tài chính của bạn đang rất tồi tệ, nếu không có thẻ tín dụng sẽ không đủ tiền trang trải cho những nhu cầu cơ bản. Song, đây lại là lối thoát nhất duy nhất để cắt đứt cảnh "gồng lãi" nợ thẻ tín dụng và cũng giúp bạn kiểm soát lẫn hạn chế chi tiêu không cần thiết, mua sắm bốc đồng.

 Nợ thẻ tín dụng đầm đìa, lương vừa nhận đã hết, thấp thỏm vì tiền bạc: Đây là cách giải quyết!  - Ảnh 1.

2. Phân vân nên thanh toán hóa đơn nào trước

Tất nhiên, ai cũng cần thanh toán hóa đơn mỗi tháng. Song nếu bạn phải phân vân nên thanh toán hóa đơn nào trước chứ không phải trả tất cả cùng lúc, chắc chắn rằng bạn đang gặp phải khủng hoảng thu nhập.

Lý do cho tình huống này có thể là do bạn đang thuê nhà, sử dụng các dịch vụ quá mức so với thu nhập dẫn đến bội chi, tiền kiếm được không đủ tiêu dùng. Muốn tình huống không tệ hơn, tiền bạc ngày càng túng thiếu bạn phải giải quyết tình huống này càng nhanh càng tốt.

Giải pháp: Cắt giảm lối sống

Có rất nhiều cách để cắt giảm lối sống và giảm tiền hóa đơn mỗi tháng. Việc cắt giảm ngân sách không có nghĩa là bạn phải sống cuộc sống khốn khó mà là xem lại cách tiêu tiền, cân đối mọi thứ cho hợp lý với thu nhập.

 Nợ thẻ tín dụng đầm đìa, lương vừa nhận đã hết, thấp thỏm vì tiền bạc: Đây là cách giải quyết!  - Ảnh 2.

3. Lương chưa ấm túi đã hết nhẵn

Có bao giờ bạn gặp tình trạng tiền "bốc hơi" ngay khi cầm chưa nóng tay chưa? Nếu tình huống này xảy ra thường xuyên, bạn đang thiếu tiền trầm trọng. Nó có thể dẫn đến vòng luẩn quẩn khủng hoảng tài chính khó thoát ra: vay nợ để chi trả hóa đơn - lãnh lương - trả nợ hết tiền - lại vay nợ. Tiêu hết tiền lương trước khi lãnh, không dư ra cho quỹ khẩn cấp báo hiệu việc bạn sắp sửa phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thu nhập tồi tệ.

Giải pháp: Chủ động tạo thêm nguồn thu

Tìm một công việc với mức lương cao hơn là giải pháp hữu hiệu nhất. Song, nếu bạn thật sự yêu thích và muốn gắn bó với công việc hiện tại, bạn vẫn có thể giữ nguyên nó và chủ động tìm thêm những việc khác hoặc đầu tư, kinh doanh để trả bớt nợ tiêu dùng, tích lũy cho tình huống khẩn cấp. Quan trọng nhất là bạn nên nâng cao nghiệp vụ và kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình để được tăng lương sau này.

 Nợ thẻ tín dụng đầm đìa, lương vừa nhận đã hết, thấp thỏm vì tiền bạc: Đây là cách giải quyết!  - Ảnh 3.

4. Không thể xử lý tình huống khẩn cấp

Bạn sẽ làm gì khi một tình huống tồi tệ xảy ra và cần nhiều tiền để giải quyết? Dùng quỹ khẩn cấp hay vay mượn, sử dụng thẻ tín dụng? Nếu bạn chọn giải pháp thứ 2, bạn có thể rơi vào khủng hoảng, đưa ra quyết định nóng vội - ảnh hưởng đến tài chính theo chiều hướng xấu sau này.

Giải pháp: Lập quỹ khẩn cấp

Đang khó khăn còn bắt tiết kiệm? Nghe có vẻ điên rồ nhưng đó là cách duy nhất để đảm bảo tài chính và túi tiền của bạn an toàn khi trường hợp khẩn cấp xảy ra. Khoản tiền này cũng sẽ mang lại sự yên tâm và cho phép bạn tập trung vào các mục tiêu, vấn đề khác.

Việc lập quỹ khẩn cấp không phải chuyện một sớm một chiều, nếu đang khó khăn bạn có thể bắt đầu để dành 100k, 200k và nhiều dần lên theo thời gian.

 Nợ thẻ tín dụng đầm đìa, lương vừa nhận đã hết, thấp thỏm vì tiền bạc: Đây là cách giải quyết!  - Ảnh 4.

5. Không đạt được các mục tiêu tài chính

Mục tiêu tài chính không chỉ là những thứ lớn lao như mua nhà, sắm xe hay tự do tài chính. Nó còn bao gồm việc trả bớt nợ, tiết kiệm được thêm tiền. Nếu sau một khoảng thời gian dài, bạn vẫn không đạt được bất cứ mục tiêu nào trong số đó, bạn đang không kiếm đủ tiền.

Dấu hiệu này không nghiêm trọng như những thứ kể trên, nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bạn sau này và nên được giải quyết trước khi nó trở nên rắc rối hơn.

Giải pháp: Khả thi hóa mục tiêu

Nếu bạn đang mắc nợ 100 triệu nhưng thu nhập hằng năm chỉ có 120 triệu mà còn phải thanh toán nhiều loại hóa đơn, chi tiêu thiết yếu nhiều, bạn không thể nào đạt mục tiêu của mình trong 1 năm được. Thay vì đặt ra những mục tiêu lớn lao, khó thực hiện bạn nên chia nhỏ mục tiêu hoặc đặt mục tiêu thấp hơn để khả thi hóa nó. Từ đó bạn mới có động lực và biết cách cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm để đạt được nó. Còn không, bạn sẽ dễ bị mơ hồ và nản lòng nếu thấy mục tiêu ngày càng xa vời.

Ảnh: Tổng hợp

Theo NE

Cùng chuyên mục
XEM