Nỗ lực 'giải cứu' Hồ Tây

04/10/2016 08:46 AM | Xã hội

Xác định vụ việc hàng chục tấn cá, trong đó có nhiều loại cá tầng đáy trọng lượng 4 - 5 kg đột ngột chết là sự cố nghiêm trọng, Sở TN&MT Hà Nội, UBND quận Tây Hồ và nhiều cơ quan chuyên môn đang khẩn trương phân tích các mẫu vật, truy tìm nguyên nhân cá chết để công bố với người dân trong thời gian sớm nhất.

Hơn 1.000 người tham gia “giải cứu” Hồ Tây

Đến cuối ngày 3/10, công tác khắc phục sự cố cá chết hàng loạt ở Hồ Tây cơ bản đã hoàn thành. Theo thống kê, hơn 1.000 người được huy động, bao gồm: Bộ Tư lệnh Thủ đô, Tiểu đoàn kiểm soát quân sự 103, Công ty TNHH MTV Vệ sinh môi trường Hà Nội, Xí nghiệp thoát nước, Chi cục Vệ sinh dịch tễ… Dù đã được nhân viên vệ sinh quét dọn, nhân viên y tế xịt khử khuẩn nhưng mùi tanh và mùi Clo trên dọc tuyến phố Nguyễn Đình Thi, Trích Sài (quận Tây Hồ) vẫn nồng nặc. Nhiều nhà hàng, quán ăn đã tạm dừng hoạt động.

Một nhà hàng nổi trên bến thuỷ Hồ Tây (đầu đường Thụy Khuê) đã điều toàn bộ 20 nhân viên đi vớt xác cá, bèo để tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Chị Oanh, nhân viên ở đây cho biết, từ sáng đến trưa nhân viên đã vớt được 15 túi ni lông cá, trong đó có những con cá to, nặng đến 5kg. “Vớt cá xong mùi vẫn nồng nặc, tôi đeo 2 khẩu trang mà vẫn thấy khó thở”, chị Oanh nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, sự cố cá chết ở Hồ Tây về cơ bản đã được kiểm soát. Ngay trong sáng 3/10, đã có hơn 30 máy lọc nước tạo ôxy được Sở Xây dựng lắp đặt nên hiện tượng cá chết không còn xuất hiện, số cá chết được thu gom trong đêm 2/10 được các lực lượng chức năng tiến hành xử lý theo quy trình. Về việc truy tìm nguyên nhân dẫn đến sự cố nghiêm trọng trên, ông Hoàng cho biết, sau khi Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo sớm xác định nguyên nhân, UBND quận Tây Hồ đã giao cho Ban Quản lý (BQL) Hồ Tây tiến hành kiểm tra các nguồn xả thải quanh khu vực Hồ Tây và có báo cáo trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đến số lượng cá chết ở Hồ Tây, ông Đỗ Hùng Vương, Phó BQL Hồ Tây cho biết, đến nay chưa thể xác định được sản lượng cá Hồ Tây, bởi hồ đã có từ rất lâu, vì vậy chưa thể xác định rõ lượng cá chết và số lượng còn lại. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, hiện Chi cục đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện xét nghiệm các mẫu vật thu thập được tại hiện trường để xác định nguyên nhân. Theo lời ông Thái, có thể phải mất 3 - 4 ngày mới có thể xác định ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt tại Hồ Tây những ngày qua.

Trước thông tin cho rằng mỗi ngày có hàng ngàn m3 nước thải đổ trực tiếp xuống Hồ Tây, đại diện Sở TN&MT Hà Nội khẳng định, toàn bộ hệ thống nước thải của các khách sạn, các khu dân cư xung quanh Hồ Tây đều có đường thu gom nước riêng trước khi đổ vào hệ thống thoát nước chung thành phố, nên nước thải không thể chảy vào Hồ Tây. Hiện Sở TN&MT và nhiều cơ quan chức năng đang khẩn trương tiến hành xét nghiệm các mẫu vật thu thập được để tìm ra những độc tố (nếu có), từ đó tiến hành khoanh vùng và xác định nguyên nhân.

Thu gom được 60 tấn cá chết

Trưa ngày 3/10, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp tục xuống trực tiếp hiện trường kiểm tra công tác khắc phục sự cố. Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo UBND thành phố thông tin, số cá chết thu gom được đã lên đến 60 tấn. Số lượng cá chết còn lại phải thu gom tương đối nhiều. Tuy nhiên, sau khi thành phố có nhiều biện pháp xử lý nước ô nhiễm, tăng cường ô xy cho nước Hồ Tây thì hiện nay cá đã không còn chết nữa.

Ông Chung cho biết thêm, theo kết quả sơ bộ vào chiều 2/10 toàn bộ phần mặt nước trên Hồ Tây lượng oxy bằng 0. Sau khi áp dụng nhiều biện pháp lọc nước, cùng máy tạo oxy, đến giờ phút này lượng oxy đã tăng lên mức 2. Các đơn vị đang tiến hành làm rõ nguyên nhân cá chết, từ đó có biện pháp xử lý. Đầu tiên là Hồ Tây sau đó sẽ áp dụng cho các hồ của Hà Nội để tránh hiện tượng cá chết hàng loạt. “Có thể nói đây là sự kiện đầu tiên xảy ra trên địa bàn, do đó thành phố đang tiến hành khẩn trương thu gom và xác minh nguyên nhân, kiên quyết không để xảy ra một sự cố môi trường trên địa bàn thành phố”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội bố trí hơn 30 máy lọc nước tạo oxy đưa vào hoạt động trên mặt hồ. Tiến hành mua, bổ sung thêm máy đảm bảo tạo oxy để cứu số cá còn sống ở các tầng nước sâu. Đồng thời với việc vớt cá, xử lý bằng các biện pháp trên, thành phố tiến hành sử dụng chế phẩm làm sạch hồ Redoxy-3C (loại chế phẩm mới được sử dụng làm sạch một số hồ trên địa bàn thành phố) nhằm nhanh chóng làm sạch nước hồ, khử mùi và tạo oxy tại các tầng nước sâu.

Ngày 3/10, UBND thành phố Hà Nội cũng có Công điện về tăng cường công tác kiểm tra quản lý các hồ nước trên địa bàn thành phố. Theo đó, để đảm bảo an toàn tại các hồ nước trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu giám đốc các sở, ngành, quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước tại các hồ chứa nước trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các hồ nước trên địa bàn. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường phải thực hiện các phương án xử lý ngay và báo cáo UBND thành phố để kịp thời chỉ đạo.

Khẩn trương làm rõ nguyên nhân cá chết

Chiều 3/10, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc cá chết bất thường ở Hồ Tây (Hà Nội). Văn bản nêu rõ, những ngày gần đây, nhiều báo đài liên tục đưa tin về vụ việc cá chết bất thường, xảy ra trên diện rộng ở Hồ Tây (Hà Nội). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, UBND thành phố Hà Nội tập trung xử lý vụ việc, nhất là xử lý ô nhiễm, phòng ngừa dịch bệnh có thể xảy ra, nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm, đồng thời khẩn trương kiểm tra làm rõ nguyên nhân, sớm thông tin cho nhân dân.

Văn Kiên

Thành lập 10 đội cơ động xử lý môi trường

Chiều 3/10, Sở Y tế TP Hà Nội cho biết, đang tập trung các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường cá chết, phòng chống dịch bệnh tại khu vực Hồ Tây.

Theo đó, Sở Y tế TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm y tế quận Tây Hồ, Trung tâm Y tế quận Ba Đình, Trung tâm y tế quận Hai Bà Trưng, Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm cử 10 đội phòng chống dịch cơ động với đầy đủ các phương tiện, máy móc, hóa chất, nguồn nhân lực khẩn trương có mặt tại hiện trường cùng với các lực lượng chức năng của thành phố tập trung phun thuốc khử khuẩn xác cá chết, xử lý ô nhiễm môi trường xung quanh hồ, phòng chống dịch bệnh.

Thái Hà

Theo Ngọc Cương - Trần Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM