Ninh Thuận quyết tâm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước

25/05/2019 08:34 AM | Kinh doanh

Dù đang là địa phương có số dự án đầu tư trong mảng năng lượng tái tạo cao nhất nhì Việt Nam, nhưng Ninh Thuận vẫn chưa thỏa mãn mà họ muốn đến năm 2030, công suất phải tăng lên gấp 3.

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới, Ninh Thuận có lượng gió lớn nhất nước. Toàn tỉnh có 14 vùng gió tiềm năng, tập trung ở các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Phước, với tốc độ gió trung bình ở độ cao 65 m đạt 7,25 m/giây. Lượng gió thổi đều suốt 10 tháng/năm, đảm bảo cho turbin gió phát điện ổn định.

Ninh Thuận cũng là địa phương khô hạn, nắng nóng nhất Việt Nam. Theo bản đồ bức xạ mặt trời của Meteonorm, nguồn bức xạ của tỉnh này vào khoảng 1.800 KWh/m2/năm. Mặt khác, sự chênh lệch về bức xạ mặt trời giữa các mùa trong năm không cao, là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời.

Tổng số giờ nắng trung bình ở Ninh Thuận là 2.837,8h/năm, cao nhất trong cả nước (so với Cam Ranh 2.663,6h/năm; Phan Thiết 2.782,8h/năm), phân bố gần như quanh năm.

Ninh Thuận có 43 dự án năng lượng sạch đã được cấp phép đầu tư

Với việc nguồn nguyên liệu hóa thạch và tài nguyên thủy điện ở Việt Nam đang dần cạn kiệt, Nhà nước đã cho phép chính quyền Ninh Thuận đưa ra rất nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo để có thể tận dụng triệt để lợi thế vốn có.

Thế nên, không ngạc nhiên, khi Ninh Thuận có tới 69 dự án điện gió và điện mặt trời đã được khảo sát, trong đó có 43 dự án đã có giấy phép đầu tư.

Về điện gió, Ninh Thuận có 16 dự án chấp thuận chủ trương khảo sát và 12 trong đó đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, cụ thể hơn: 3 dự án đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1, đưa vào vận hành thương mại với công suất 117 MW và 1 dự án vừa khởi công vào tháng 4/2019...

Về điện mặt trời, tỉnh đã chấp thuận chủ trương khảo sát cho 54 dự án với tổng công suất trên 3.500 MW; trong đó có 31 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư cùng tổng quy mô công suất gần 2.000 MW và với tổng vốn đăng ký trên 50.000 tỷ đồng.

Đến nay, Ninh Thuận đã có 7 dự án điện mặt trời hoàn tất giai đoạn chạy thử nghiệm, chính thức phát điện thương mại với tổng công suất 454 MW, cụ thể: nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 - công suất 36,8 MW; nhà máy điện mặt trời BIM 1, 2 và 3 với tổng công suất 264 MW và dự án năng lượng mặt trời Trung Nam, giai đoạn 1, công suất 90 MW.

Theo kế hoạch, trong năm 2019 tỉnh tiếp tục đôn đốc tiến độ, hoàn thành thêm 5 dự án. 12 dự án nữa sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2020. Mặc dù chưa có những số liệu thống kê chính thức, nhưng xét về số lượng dự án hay quy mô đầu tư trong mảng năng lượng sạch, Ninh Thuận nếu không đứng đầu cả nước thì sẽ đứng thứ 2.

Ninh Thuận quyết tâm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước - Ảnh 1.

Các diễn giả trong buổi Hội thảo.

Ông Phạm Đăng Thành - Giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận, cho biết: "Khi các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đi vào hoạt động sẽ góp phần đáng kể đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nói chung và của tỉnh Ninh Thuận nói riêng.

Ngành năng lượng sạch sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như thu hút nguồn vốn FDI, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, nó còn đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp mà Ninh Thuận đề ra đến năm 2020 từ 19% đến 20%".

Tuy nhiên, lãnh đạo Ninh Thuận vẫn chưa hài lòng với những thành quả hiện tại, phát biểu trong Hội thảo "Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước" hôm 24/5, đại diện tỉnh này muốn đến năm 2030, công suất điện gió trên toàn tỉnh phải tăng lên 1.430MW và điện mặt trời phải tăng lên 10.480 MW, gấp 3 lần công suất của tất cả dự án đã được khảo sát.

Tối ưu hóa công suất nhà máy năng lượng mặt trời với kinh nghiệm từ Điện Gia Lai

Để có thể đạt được mục tiêu đó, theo anh Trần Diên Quý Thành – Phó Phòng vận hành và bảo trì Công ty CP Điện Gia Lai (thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công), thì tỉnh Ninh Thuận cần phải giúp các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn tối ưu hóa công suất.

Hiện tại, đã có rất nhiều nhà máy điện gió cũng như điện mặt trời ở Ninh Thuận đã đi vào hoạt động và chỉ khi những nhà máy này mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp, thì tỉnh mới có thể tiếp tục kêu gọi thêm đầu tư vào mảng này.

Hiện tại, Điện Gia Lai có 8 nhà điện mặt trời: 6 đang vận hành là Phong Điền – Huế, IZ01 - Tây Ninh, IZ02 - Tây Ninh, Krongpa – Gia Lai, Đức Huệ 1 – Long An, Hàm Phú 2 – Bình Thuận; 1 đang trong thời gian triển khai là Trúc Sơn – Đắc Nông; 1 ở Nhị Hà – Ninh Thuận đang xin bổ sung quy hoạch.

Với kinh nghiệm vận hành nhà máy điện mặt trời hoạt động sớm nhất Việt Nam khi khánh thành vào 5/10/2018 ở Phong Điền, ông Quý Thành đã có rất nhiều kinh nghiệm quý báu chia sẻ lại cùng đồng nghiệp.

Để có thể tối ưu hóa công suất của các nhà máy điện mặt trời, các doanh nghiệp cần chú ý 6 điểm sau: áp dụng các công cụ để phân tích dữ liệu thu thập được, áp dụng các tiêu chuẩn chuyên ngành trong quản lý và giám sát nhà máy, thiết lập quy trình tương tác rõ ràng giữa phòng quản lý vận hành và nhà máy, thường xuyên đào tạo cho đội ngũ vận hành nhà máy – quản lý, thường xuyên kiểm tra tình trạng nhà máy, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, luôn sẵn sàng cho những tình huống bất ngờ.

Ninh Thuận quyết tâm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước - Ảnh 2.

Robot làm vệ sinh tấm pin năng lượng mặt trời do Điện Gia Lai phát triển.

Một trong các yếu tố quan trọng trong việc tối đa khả năng hoạt động của nhà máy điện mặt trời là đảm bảo duy trì hiệu suất các tấm pin. Tuy nhiên, theo thống kê, trong quá trình vận hành, khi các tấm pin bị bẩn sẽ giảm khả năng hấp thụ bức xạ, từ đó giảm nguồn năng lượng mà các tấm pin tạo ra - gây tổn thất năng lượng có thể lên đến 50%, điều này sẽ giảm hiệu quả đầu tư của dự án, lâu ngày sẽ làm giảm tuổi thọ của pin. Do đó cách thức và phương án làm sạch tấm pin rất quan trọng để tối ưu hóa hiệu quả của dự án.

Qua nhiều năm nghiên cứu cùng với thử nghiệm thực tế tại 6 nhà máy của mình, Điện Gia Lai đã sáng tạo ra một robot làm sạch tấm pin năng lượng mặt trời rất hiệu quả và phù hợp nhiều loại địa hình.

Doanh nghiệp này cho biết, phương pháp dùng robot này có ưu điểm hơn so với các phương thức truyền thống khác. So với cách thủ công, chỉ với 2 robot và 3 công nhân có thể làm sạch lên đến 3 MW chỉ trong 4,5 giờ, tiết kiệm nước đến 10 lần cho dự án.

Để cùng nhau đi xa hơn, Điện Gia Lai sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm - cung cấp dịch vụ vận hành và bảo trì cũng như các sản phẩm Robot vệ sinh tấm pin năng lượng mặt trời cho các nhà đầu tư khác.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM