Những viễn cảnh “không báo trước” trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

31/07/2020 14:00 PM | Xã hội

Ngày Bầu cử có thể không phải là ngày kết thúc cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 mà là ngày đánh dấu những tranh cãi không hồi kết trong chính trường Mỹ.

Đề xuất hoãn cuộc bầu cử Tổng thống được tổ chức vào ngày 3/11 của Tổng thống Trump do lo ngại gian lận phiếu bầu đã ngay lập tức bị các nhà lập pháp và các chuyên gia pháp luật bác bỏ nhưng điều này đã đã làm dấy lên nỗi ám ảnh về một cuộc bầu cử gây tranh cãi có thể mất hàng tuần hoặc hàng tháng để giải quyết.

Những viễn cảnh “không báo trước” trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Dưới đây là một số viễn cảnh có thể xảy ra và kết thúc trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới:

Kết quả bị trì hoãn

Theo Hiến pháp Mỹ, chỉ Quốc hội mới có quyền thay đổi ngày bầu cử và với việc đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện, gần như chắc chắn không có khả năng viễn cảnh này xảy ra.

Tuy nhiên, việc bỏ phiếu qua thư do đại dịch Covid-19 có thể gây nên sự trì hoãn đáng kể trong việc kiểm phiếu và công bố kết quả. Tại nhiều bang, những lá phiếu này có thể đến nơi sau Ngày Bầu cử và các quan chức phải mở và xác minh chữ ký một cách thủ công. Trong năm nay, một số cuộc bầu cử sơ bộ được tổ chức chủ yếu bằng hình thức bỏ phiếu qua thư vẫn chưa giải quyết xong trong nhiều tuần, thậm chí là sau Ngày Bầu Cử.

Đảng Dân chủ lo ngại sự trì hoãn này có thể dẫn đến những nhận định về gian lận bầu cử được đưa ra nhằm thu hút sự chú ý của dư luận.

Một người trong chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden cho biết, các nhân viên trong đội ngũ tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ này đang chuẩn bị cho "viễn cảnh ác mộng" khi Tổng thống Trump tuyên bố chiến thắng dựa trên số phiếu cá nhân mà ông dẫn trước được kiểm ở các bang dao động ngày 3/11.

Dù vậy, trong những ngày sau đó, khi những lá phiếu qua thư ở các khu vực đô thị tập trung đông dân được kiểm, lợi thế của ông Trump sẽ biến mất trong cái mà các chuyên gia gọi là "sự dịch chuyển màu xanh" và Tổng thống sẽ tuyên bố rằng chiến thắng của ông đã bị đánh cắp.

Vai trò của các tòa án

Các bang ở Mỹ đều có những luật lệ khác nhau về việc bỏ phiếu qua thư và phiếu vắng mặt như yêu cầu sự phù hợp về chữ ký, dấu bưu điện, hạn chót gửi phiếu. Bất kỳ yếu tố nào trong số các yêu cầu trên đều có thể gây nên sự tranh cãi hoặc kiện tụng từ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về việc những lá phiếu nào được tính là hợp lệ.

Cuộc cạnh tranh đề cử ứng viên Tổng thống được tổ chức trong năm nay đã cho thấy những thách thức to lớn của việc chuyển phát phiếu qua thư đúng hẹn bởi vì các quan chức phụ trách bầu cử và nhân viên bưu điện đều có thể bị quá tải nếu lượng phiếu đổ về quá nhiều.

Các cử tri không thể bỏ phiếu kịp thời vì lý do khách quan có thể coi như đã bị tước quyền công dân. Việc này sẽ gây nên những thách thức về pháp lý tại các bang mà cuộc đua giữa các ứng viên được quyết định bởi sự cách biệt rất nhỏ.

Việc kiện tụng ở từng bang có thể kết thúc bằng phán quyết cuối cùng từ Tòa án Tối cao Mỹ như trong năm 2000, ứng viên đảng Cộng hòa George W. Bush đã chiếm ưu thế trước ứng viên đảng Dân chủ Al Gore với cách biệt chỉ 537 phiếu ở bang Florida sau khi tòa án tối cao nghiêng về phe bảo thủ dừng việc kiểm lại phiếu.

Các chuyên gia về pháp lý cho rằng, mặc dù đa số thành viên bảo thủ trong tòa án hiện nay nhìn chung đều thừa nhận về những hạn chế của quá trình bỏ phiếu nhưng điều đó không có nghĩa là tòa án sẽ nghiêng về Tổng thống Trump trong cuộc tranh cãi về kết quả bầu cử.

Tranh cãi trong Đại cử tri đoàn

Theo một số chuyên gia, điều đáng lo ngại hơn cả việc kiện tụng về quy trình kiểm phiếu là sự tranh cãi ở Đại cử tri đoàn.

Tổng thống Mỹ không thực sự được bầu ra từ đa số phiếu phổ thông. Theo Hiến pháp, 538 đại cử tri, còn được gọi là Đại cử tri đoàn sẽ quyết định người chiến thắng. Trên thực tế, ứng viên chiến thắng phiếu phổ thông sẽ cần thu thập cả phiếu của các đại cử tri ở bang đó, vốn được phân chia dựa trên dân số.

Trong cuốn sách mới 'Will He Go", giáo sư luật của Cao đẳng Amherst Lawrence Douglas đã phác thảo một viễn cảnh mà kết quả ở 3 bang như Michigan, Wisconsin và Pennsylvania "sát nút" nhau tới mức cả 2 bên đều tuyên bố chiến thắng.

Các cơ quan lập pháp do đảng Cộng hòa kiểm soát ở mỗi bang vốn ủng hộ ông Trump sẽ nộp giấy chứng nhận những lá phiếu đại cử tri ủng hộ ông thậm chí cả khi các thống đốc đảng Dân chủ của các bang này gửi những giấy chứng nhận khác, xác nhận các lá phiếu đại cử tri dành cho ông Biden.

Trong lịch sử Mỹ, các bang thỉnh thoảng cũng nộp giấy chứng nhận để cạnh tranh nhau, đáng chú ý nhất là vào năm 1876 khi cuộc bầu cử không thể giải quyết trong nhiều tháng. Cuộc tranh cãi này chỉ kết thúc sau khi các quan chức của các đảng dàn xếp một thỏa thuận để cho ứng viên đảng Cộng hòa Rutherford B. Hayes trở thành Tổng thống nhằm đổi lấy việc rút số quân Mỹ còn lại trong cuộc Nội chiến khỏi các bang miền Nam, một động thái mở ra thời kỳ phân biệt chủng tộc Jim Crow.

Tòa án Tối cao gần đây đã khẳng định rằng, các bang có thể trừng phạt "các đại cử tri không trung thành", những người bỏ phiếu cho một người khác ngoài người chiến thắng của bang đó. Tuy nhiên, nhiều bang ở Mỹ không có quy định trừng phạt các đại cử tri này.

Quốc hội Mỹ sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết các tranh cãi của Đại cử tri đoàn chứ không phải Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, trên thực tế, bất kỳ sự chia rẽ nào trong Quốc hội đều có thể khiến cho các giải pháp khó có thể đạt được.

Quân đội sẽ “hộ tống” Tổng thống ra ngoài?

Một số chuyên gia cho biết điều họ lo ngại nhất về sự tổn hại lâu dài đến các quy chuẩn về dân chủ là liệu Tổng thống Trump có từ chối chấp nhận thất bại hay không, thậm chí cả khi ông Biden tuyên bố chiến thắng.

Sự chuyển giao hòa bình là một tiêu chuẩn của nền dân chủ Mỹ. Theo chuyên gia Douglas, quyết định của Tòa án Tối cao trong vụ việc ông Bush và ông Gore không thực sự chấm dứt được các tranh cãi. Việc ông Gore chấp nhận phán quyết này mới là yếu tố quyết định.

Ông Biden từng đề xuất rằng, quân đội có lẽ cần "hộ tống" ông Trump ra khỏi Nhà Trắng nếu ông Trump thất bại nhưng từ chối rời đi. Bất kỳ ai tuyên thệ Tổng thống vào ngày 20/1/2021 đều sẽ có quyền chỉ huy cả lực lượng quân đội lẫn các các cơ quan an ninh thuộc nhánh hành pháp, chẳng hạn như Cơ quan Mật vụ.

Hành động này của ông Trump cũng có thể khiến hàng triệu người ủng hộ ông cho rằng cuộc bầu cử đã bị gian lận và có lẽ sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn sau nhiều tháng biểu tình về tình trạng phân biệt sắc tộc diễn ra trước đó.

Mark Brewer, một luật sư về bầu cử đang hỗ trợ đào tạo cho các tình nguyện viên pháp lý đảng Dân chủ ở Michigan cho rằng cách tốt nhất để tránh một cuộc chiến pháp lý kéo dài cho ông Biden là phải chiến thắng với cách biệt lớn./.

Kiều Anh

Cùng chuyên mục
XEM