Những việc nhỏ không ngờ này có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bạn, tại sao phải tìm kiếm xa vời?
Trên thực tế, những vấn đề lớn nhất có thể là hậu quả tích lũy của những quyết định sai lầm rất nhỏ, hoặc đôi khi là một khoảnh khắc "bốc đồng".
Trong suốt những năm tháng tuổi 20, tôi đã không suy nghĩ nhiều về tiền bạc. Tôi đi học suốt một quãng thời gian dài, tổng cộng là 7 năm từ lúc tôi lấy được bằng thạc sỹ rồi đến tiến sỹ. Tôi tự huyễn hoặc bản thân rằng cha mẹ sẽ sắp xếp mọi thứ cho tôi sau khi tốt nghiệp và dễ dàng tìm được một công việc mới.
Nhưng ngay khi tôi vừa ổn định với công việc mới, tiền lãi vay sinh viên của tôi đến hạn và tôi nhận ra rằng tôi thực sự đã gần đến bờ vực của sự khánh kiệt. Không những thế, gia đình tôi lại xảy ra vấn đề và cha mẹ tôi cần một khoản tiền lớn. Tôi lâm vào hoảng loạn và không biết làm thế nào để xử lý. Tôi từng nghĩ rằng chắc phải có phép màu hoặc một thay đổi gì thực sự lớn lao mới có thể giúp tôi giải quyết vấn đề này.
Tuy nhiên khi đó tôi đã không nhận ra rằng nguồn gốc của những thay đổi lớn nhất bao giờ cũng bắt nguồn từ những trải nghiệm nhỏ.
Hãy nhớ rằng vấn đề có thể xảy ra bất cứ lúc nào
Đôi khi chúng ta cho rằng mình đã gặp phải vấn đề cực kỳ lớn, chẳng hạn như nợ thẻ tín dụng hay trục trặc trong chuyện tình cảm. Trong những trường này, ta thường nghĩ rằng phải có giải pháp cực kì phi thường mới có thể giải quyết được vấn đề. Đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.
Trên thực tế, những vấn đề lớn nhất có thể là hậu quả tích lũy của những quyết định sai lầm rất nhỏ, hoặc đôi khi là một khoảnh khắc "bốc đồng". Vì thế, để giải quyết vấn đề, bạn cần tập trung vào những thứ nhỏ nhất, những lựa chọn hàng ngày có thể dẫn đến sai lầm bạn đang gặp phải hiện tại.
Chẳng hạn, khi tôi quyết định thực hiện một ngân sách chi tiêu, tôi đã phải giải quyết rất nhiều vấn đề từ những quyết định sai lầm trong cuộc sống hàng ngày. Bước đầu tiên tôi làm là xác định những khoảnh khắc mình đã đưa ra quyết định và tìm cách giải quyết chúng trước tiên.
Tôi có thói quen chuẩn bị sẵn cho bữa trưa vào buổi sáng và mang đến cơ quan, nhưng thường thì sau khi nấu ăn xong là tôi chạy vội đến chỗ làm và không bao giờ nhớ đem theo đồ ăn. Hậu quả là bữa trưa hôm đó tôi lại phải lang thang đi ăn bên ngoài. Tôi biết rằng do quá vội vàng nên tôi đã phạm sai lầm và tôi cố gắng sửa chữa việc này bằng cách cố gắng chuẩn bị bữa trưa càng sớm càng tốt.
Tôi từng thử nấu sẵn thức ăn từ đêm hôm trước, nhưng tôi phát hiện ra rằng mình đã quá mệt sau cả ngày làm việc. Tôi thử thức dậy từ 5 giờ sáng để có thêm thời gian chuẩn bị bữa trưa và tôi sẽ không bị muộn nữa; nhưng tôi cay đắng nhận ra việc dậy sớm quá khổ sở. Sau đó tôi quyết định ăn thực phẩm đông lạnh hoặc thực phẩm đóng gói sẵn.
Thậm chí tôi từng lên kế hoạch bữa trưa cho cả một tuần vào mỗi ngày chủ nhật của tuần trước đó. Mỗi thử nghiệm đã mang lại cho tôi nhiều khoảnh khắc và thử thách thú vị theo những cách khác nhau. Và tôi nghĩ chúng thực sự giúp thay đổi cuộc sống của tôi.
Hãy thực hiện những thay đổi nhỏ
Thông qua việc trải nghiệm những giải pháp khác nhau, tôi đã phát hiện ra cách tốt nhất để thay đổi thói quen của chúng ta. Hóa ra điều quan trọng không phải là tìm ra ý tưởng mới, mà là bạn phát hiện ra mọi thứ đang hoạt động thế nào.
Chẳng hạn, tôi luôn mang theo café đến chỗ làm để giải quyết vấn đề mỗi khi tôi “lên cơn nghiện cà phê”. Trên thực tế, tôi đã mua rất nhiều cốc pha cà phê ở Costco (một nơi cực kỳ đảm bảo về chất lượng) để sử dụng mỗi khi cần. Nhưng có một vài chiếc cốc đã không hoạt động như ý. Cà phê bị lạnh quá nhanh, đặc biệt là vào mùa đông.
Tôi đã cảm thấy rất tội lỗi khi phải ném chúng đi và thử các loại cốc khác. Tôi từng cố gắng những loại cốc xịn và rất đắt tiền, nhưng kết quả là chúng khiến tôi “cháy túi” mà cà phê thì vẫn chẳng nóng được lâu như mong đợi.
Khoảnh khắc “eureka” xuất hiện khi tôi được một người bạn giới thiệu cho chiếc bình giữ nhiệt – món đồ mà các công nhân xây dựng thường hay sử dụng. Hóa ra những chiếc bình này có khả năng giữ cà phê cực kỳ nóng và ngon suốt 7 tiếng, thậm chí kể cả khi thời tiết băng giá. Trong khi đó chúng lại chẳng ngốn quá nhiều tiền của tôi.
Kỳ vọng thất bại
Bạn không thể tập quen dần với một thói quen hoặc đạt được mục tiêu nếu như không trải qua vài lần thất bại. Nếu bạn có thể làm điều gì đó hoàn hảo ngay từ lần đầu, vậy thì bạn còn đặt mục tiêu và cố gắng làm gì? Do đó, hãy kỳ vọng thất bại nhiều hơn thành công, bạn sẽ không bao giờ bị áp lực.
Có 2 loại thất bại mà bạn nên kỳ vọng: thất bại tạo ra hiệu suất và thất bại mang tính phòng thủ.
Thất bại phòng thủ xảy ra khi bạn thề sẽ ăn kiêng hoặc cố gắng tìm kiếm một công việc mới sau nhiều tuần chẳng có chút tiến triển gì. Trong thâm tâm, bạn không thực sự nghĩ rằng mình có thể thực hiện được điều này, nhưng bạn vẫn cho rằng mình nên làm. Hoặc đôi khi bạn không tin rằng mọi người thích mình, nhưng vẫn cố gắng làm điều gì đó cho họ vui.
Trong khi đó, thất bại để tạo ra hiệu suất là thất bại mà chúng ta gặp phải khi cố gắng hướng đến một mục tiêu và làm mọi cách để thực hiện chúng. Bạn cố gắng dậy sớm để tập thể dục buổi sáng 3 lần mỗi tuần hay làm việc chăm chỉ hơn để được tăng lương… Mọi cố gắng đều gắn liền với cả thành công và thất bại.
Trở lại vấn đề nợ nần bủa vây mà tôi đã đề cập ở trên, tôi nhận ra rằng nợ sẽ khiến tôi rơi vào tình trạng khó khăn khẩn cấp, nhưng không thể khiến tôi phá sản ngay được. Dù tôi đã cố gắng làm việc cật lực để trả hết món nợ cũ, tôi sẽ lại có những khoản nợ mới nếu như không thay đổi thói quen chi tiêu và tiết kiệm.
Tôi đã từng thất vọng đến phát khóc khi nhận ra sự thật này và tôi quyết định bắt đầu thay đổi từ những khoản chi tiêu nhỏ nhất. Tôi ghi chép các khoản chi tiêu và cân nhắc thật kỹ trước khi bỏ tiền ra làm gì đó; đồng thời tôi cũng lập một khoản dự phòng để dành cho những trường hợp khẩn cấp nhất.
Tôi cho rằng khi bạn tìm ra nguồn gốc của vấn đề, thực hiện những thay đổi nhỏ và kỳ vọng thất bại trước thành công, bạn sẽ dạt được mục tiêu mà mình muốn.