Những tấm huy chương Olympic và vị thế trong nền kinh tế toàn cầu
Mặc dù không am hiểu nhiều về thể thao và nhất là khả năng thi đấu của các vận động viên, các nhà kinh tế tự tin rằng họ có thể dự đoán tương đối chính xác vị trí các quốc gia trên bảng xếp hạng huy chương trong kỳ thế vận hội Olympics.
Giành được một tấm huy chương cần có cả khả năng, sự hy sinh và cống hiến. Nhưng con mắt lạnh lùng của những nhà kinh tế học lại cho thấy nơi vận động viên sinh ra còn quan trọng hơn cả 3 điều trên.
Theo trưởng nhóm kinh tế học tại PwC, chỉ có 30 quốc gia được dự đoán sẽ giành được khoảng 80% số lượng huy chương được trao trong kỳ Olympics Rio 2016. Điều này phản ánh một cách chân thực quy mô nền kinh tế toàn cầu, khi mà chỉ có một vài nền kinh tế mạnh nắm vai trò sản xuất ra phần lớn sản lượng cho toàn thế giới.
Bên cạnh Mỹ và Trung Quốc – 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ nắm giữ số lượng huy chương lớn, các nhà kinh tế còn tự tin cho rằng họ có thể dự đoán các quốc gia khác trong bảng xếp hạng đó.
Kể từ năm 1950, giới học giả đã có nhiều công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa các biến số trong nền kinh tế như dân số, thu nhập trên đầu người với thành công trong các sự kiện thể thao.
Tuy nhiên, kể từ kỳ Olympics 2000 tại Sydney đến nay, đề tài này lại càng trở nên nóng bỏng. Klaus Nielsen – chuyên gia tại Birkbeck’s Sport Business Centre cho biết.
Trước thềm thế vận hội Olympics năm nay diễn ra tại Rio, thế giới nổi lên hẳn một ngành dự đoán kết quả xếp hạng các quốc gia với sự tham gia của các nhà kinh tế đến từ các định chế lớn như Goldman Sachs và PwC bên cạnh giới học giả.
“Hầu hết mọi người đều khẳng định yếu tố quyết định thứ hạng quan trọng nhất đó là nguồn tài trợ”. Klaus Nielsen chia sẻ. Ví dụ, Pháp có truyền thống là một trong số những nhà tài trợ vàng cho các sự kiện thể thao xếp vị trí đầu bảng trong danh sách dự đoán của Goldman.
Trong một số trường hợp đối với quốc gia Hồi giáo, phụ nữ tham gia thể thao không được hỗ trợ, do đó làm giảm số lượng huy chương một nước có thể đạt được.
Một trong số những thay đổi đáng kể đó là tầm ảnh hưởng của các nước đăng cai đã tăng lên.
Nhóm Goldman dự đoán số huy chương Brazil giành được trong năm nay tăng 30% so với năm 2012. Tương tự, PwC dự kiến một hiệu ứng chủ nhà sẽ giúp Brazil kiếm được 25 tấm huy chương trong năm nay.
Tuy nhiên, người Brazil không nên trông đợi hiệu ứng này sẽ kéo dài mãi. Goldman cho biết những dự đoán sai lầm nhất của nhóm này trong kỳ vận hội 2012 đều rơi vào các quốc gia gần đây từng làm chủ nhà.
Ví dụ điển hình nhất là Australia. Từ một quốc gia chủ nhà giành được 58 tấm huy chương đã tuột dốc nhanh chóng với 35 tấm huy chương ở London.
Bằng mô hình thống kê, giáo sư Nielsen đã quyết định tìm hiểu vấn đề bằng một cách tiếp cận khác: tập trung thuần túy vào kết quả thể thao. Đứng đầu bảng xếp hạng của ông vẫn là những cái tên quen thuộc, tuy nhiên New Zealand và Hà Lan sẽ là những nhân tố bất ngờ.