Những phát biểu làm nóng Nghị trường trong phiên chất vấn vị Tư lệnh ngành y tế
Ngay sau 3 phút báo cáo của vị Bộ trưởng, 58 đại biểu đã đăng ký chất vấn. Màn chấn vấn đã kéo dài liên tục cho đến gần hết giờ chiều
Chiếm khoảng thời gian từ nửa sau giờ sáng hôm nay ngày 14/6 cho đến gần hết buổi chiều là phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Các câu hỏi và các màn tranh luận, giải trình đã chủ yếu xoay quanh các nội dung: thực trạng hoạt động chữa bệnh, giá thuốc và việc quản lý hay đời sống của các y bác sĩ.
Ngay đầu phiên, Nghị trường đã nóng bởi các câu hỏi về thái độ phục vụ, về ý đức của một bộ phận y bác sĩ bị xuống cấp.
Đại biểu Nguyễn Chiến đoàn Hà Nội phản ánh tình trạng quá tải cơ sở y tế dẫn đến y bác sĩ thiếu tôn trọng người bệnh, trong khi ở nước ngoài nhân viên y tế "cúi rạp người cảm ơn bệnh nhân khi xuất viện". “Vậy ở nước ta, Bộ trưởng có biện pháp thường xuyên nào để cải thiện việc này?" – Ông Chiến đặt câu hỏi.
Theo Bộ trưởng Tiến thì đây chỉ ‘con sâu làm rầu nồi canh’, ở đâu cũng có nhưng chỉ là số ít. "Bộ có giải pháp là dùng đường dây nóng, dùng camera, có giám sát chuyên môn, đã có hơn 7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật trong thời gian qua, đồng thời nâng cao thu nhập của cán bộ nhân viên y tế bằng cách đưa quy định tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế" – bà Tiến nói.
Sau đại biểu Chiến, đại biểu Trịnh Ngọc Phương đoàn Tây Ninh ý kiến rằng giá thuốc Việt Nam là cao hơn giá thuốc thế giới. Tuy nhiên, bà Tiến cho rằng giá thuốc Việt Nam đang ổn định, không cao. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì giá biệt dược gốc ở Việt Nam thấp hơn ASEAN tới 10%.
Vị Bộ trưởng thể hiện sự kinh nghiệm trong lần thứ 2 đăng đàn trả lời chất vấn của mình. Một đại biểu đã đứng lên nêu thực trạng ‘không mấy tích cực’ của ngành Y tế rằng người dân có thể đến hiệu thuốc mua thuốc mà không hề cần toa thuốc.
Thừa nhận đây là yếu kém còn tồn tại của Bộ, bà Tiến đã tiếp thu và nói trong nhiệm kỳ này sẽ cố gắng chấm dứt. Bà còn nói thêm rằng Bộ Y tế sẽ cố gắng đưa các biệt dược đã gần hết bản quyền đưa vào đấu thầu, từ đó người dân có thể được mua thuốc giá rẻ hơn.
Sang đến phần chất vấn buổi chiều, nhân câu hỏi của một đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã bộc bạch về tình trạng nhân lực ngành y tế. Bà thừa nhận rằng đúng là có tình trạng vừa thiếu vừa yếu ở tuyến dưới, nên xảy ra chuyện bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên.
Đồng thời, các bác sĩ cũng muốn chuyển lên tuyến trên hoặc ra ngoài làm việc hẳn để tăng thêm thu nhập cho bản thân. Theo bà Tiến, đây là một thực trạng xảy ra ở nền y tế của nhiều nước chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Hầu khắp phần còn lại của thời gian chất vấn buổi chiều được các đại biểu tận dụng nói về vấn đề bảo hiểm y tế.
Với tư cách Tư lệnh ngành, bà Tiến chia sẻ thực trạng trục lợi bảo hiểm y tế: có những người đến khám bệnh đến 20-30 lần, sáng đã khám thì chiều lại khám, suốt từ bệnh viện này sang bệnh viện khác.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường đoàn Hà Nội yêu cầu được biết các giải pháp mà bộ Y tế áp dụng để siết chi bảo hiểm y tế, tránh vỡ quỹ. Ông này nhận định rằng ngành y tế của Việt Nam dường như vì muốn siết chi mà đang hướng đến điều trị giá rẻ, đi ngược lại với mục tiêu nâng cao chất lượng y tế.
"Thậm chí có ý kiến cho rằng nó làm gia tăng nguy cơ tai biến y khoa. Đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ quan điểm về vấn đề này để nhân dân yên tâm" - đại biểu Thường nói.
Được mời tham gia giải trình thêm, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: "Tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế gần đây khá phổ biến. Có những bệnh viện đã thực hiện cả cách kéo dài ngày nằm của bệnh nhân".
Tổng giám đốc Bải hiểm xã hội Việt Nam cũng chia sẻ thêm với thực trạng trên thì đúng là “quyền lợi được hưởng so với mức đóng bảo hiểm y tế của chúng ta là rất tốt”.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh lại có quan điểm khác. Vị này tranh luận với bộ trưởng Y tế và tổng giám đốc BHXH rằng "chuyện tiêu cực bảo hiểm y tế có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu”Không thể cứ đổ lỗi cho dân và ngành y tế là muốn tiêu cực, tất cả là từ cái nghèo mà ra”.
Bà Phong Lan nói thêm: “Muốn không vỡ quỹ thì phải xem lại bài toán quỹ bảo hiểm y tế, chứ không chỉ nhăm nhăm siết chi", Như vậy, ở câu chuyện này, ý của vị đại biểu cho rằng bảo hiểm xã hội cần xem lại trách nhiệm của mình trước tiên.