"Những người mang tiếng học giỏi hiếm khi có đam mê vì ở Việt Nam học giỏi là nhắc lại lời của người khác"

07/04/2018 11:12 AM | Sống

Trong talk show "Chuyện nghề, chuyện ta" được tổ chức ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày hôm qua 6/4, các diễn giả đã để lại những câu chuyện, những góc nhìn tưởng cũ mà không cũ tới người trẻ, đặc biệt là các bạn còn đang loay hoay với những quyết định của riêng mình trong việc nên thi đại học hay không, vào đại học rồi có nên thôi học để chạy theo đam mê của mình hay không, nên chọn nghề vì điều gì...

Cuối năm 2017, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 215 nghìn người có trình độ "đại học trở lên" thất nghiệp và theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tỷ lệ học sinh không đăng ký xét tuyển đại học chiếm 26%, học cao đẳng, trung cấp chiếm 23%, học nghề tại trung tâm đào tạo nghề là 13%.

Những người mang tiếng học giỏi hiếm khi có đam mê vì ở Việt Nam học giỏi là nhắc lại lời của người khác - Ảnh 1.

Khi được hỏi về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ánh, Giảng viên Đại học Ngoại Thương đã chia sẻ: "Tôi nhận thấy là những bạn đạt điểm cao khi vào trường thì khi ra ngoài đời không hạnh phúc lắm. Những bạn là thủ khoa sau bao nhiêu năm tốt nghiệp ra trường không đạt vị thế cao, cũng không phải là những người giàu có về tiền bạc.

Những người mang tiếng học giỏi hiếm khi có đam mê vì ở Việt Nam học giỏi là nhắc lại lời của người khác, sau 18 năm chỉ biết nhắc lại lời của người khác nên khi vào đại học lại không biết nói nên lời của chính mình như thế nào."

Cùng nói về chủ đề này, Viện sĩ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Nguyễn Khắc Giang cho biết: "Tôi cũng đã nghiên cứu sơ qua về vấn đề này, ở Mỹ, nhóm người có bằng đại học là nhóm người thất nghiệp ít nhất. Còn ở Việt Nam, nhóm người có bằng đại học lại là nhóm người thất nghiệp nhiều nhất trong số những nhóm người được đào tạo chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, tôi vẫn khuyên các bạn nên chọn học đại học vì đi học đại học, chúng ta sẽ có thêm nhiều cơ hội, nhiều mối quan hệ. Ngoài những kiến thức phải học ra, đại học cho chúng ta rất nhiều điều tuyệt vời khác, đơn cử là kĩ năng xã hội." 

Những người mang tiếng học giỏi hiếm khi có đam mê vì ở Việt Nam học giỏi là nhắc lại lời của người khác - Ảnh 2.

Nói về vấn đề học đại học, nhà báo Phạm Gia Hiền cho biết: "Vào đại học hay không hay vào đại học rồi có học tiếp hay không đang là vấn đề của rất nhiều bạn trẻ. Nhưng chúng ta cần xác định đơn giản là sống hay làm việc đều như thế, xã hội đều có những quy chuẩn của riêng nó. 

Nếu bạn không chấp nhận cuộc chơi theo những quy chuẩn đó để rồi chính bạn một ngày nào đó sẽ thay đổi những quy chuẩn, thì phải xác định cái tôi, xác định năng lực của mình cực mạnh, mạnh đến mức xã hội phải chấp nhận cái tôi của bạn. Bạn có chắc mình mạnh đến thế không? 

Bạn có chắc là nếu bạn không có bằng báo chí để trở thành một phóng viên dễ dàng như khởi đầu của các bạn phóng viên khác, để rồi sau một năm chứng minh, bạn là người giỏi nhất thì bạn có chấp nhận là người có năng lực cao nhất nhưng lại bị đánh giá là người thấp nhất vì không có bằng chính quy hay không? 

Bạn có chắc là mình sẽ trở thành nhà thơ có rất nhiều người thích đọc thơ của bạn và bạn sống được với những tác phẩm không bán được hay không? Xã hội là như thế, chúng ta cần cân nhắc và tỉnh táo trong chuyện chúng ta sẽ chấp nhận cuộc chơi hoặc bắt xã hội phải chơi cuộc chơi của chính chúng ta."

Những người mang tiếng học giỏi hiếm khi có đam mê vì ở Việt Nam học giỏi là nhắc lại lời của người khác - Ảnh 3.

Khi được hỏi rằng các bạn trẻ ngày nay có nên chọn một công việc là đam mê hay không, anh Nguyễn Khắc Giang bày tỏ: "Thị trường lao động hiện nay ở Việt Nam rất rộng, có nhiều công việc lạ, mới, có nhiều không gian sống hơn dành cho các bạn trẻ, nhưng khả năng cạnh tranh cũng khá cao.

Chấp nhận làm nghề theo đam mê là chấp nhận rủi ro, thất bại cao hơn những nghề khác. Tôi ví xã hội như một cái cốc, nếu bạn để cái cốc rơi xuống thì nó sẽ vỡ ra thành rất nhiều mảnh. Xã hội cũng vậy, xã hội được tạo nên bởi nhiều mảnh ghép, càng phát triển càng xuất xuất hiện những ngành nghề khác nhau. Áp lực được tự do chọn nghề của người trẻ bây giờ thoải mái hơn nhiều."

Cô Nguyễn Hoàng Ánh đồng tình quan điểm: "Thang bậc đánh giá thành công của mỗi người là khác nhau. Bằng đại học bạn có thể thích hoặc không thích nhưng nó giúp mình hệ thống hóa khối lượng kiến thức lớn, tôi biết khá nhiều người ở độ tuổi 30 - 40 hối hận vì đã không học tử tế hơn ở đại học.

Còn đam mê, nếu có thì hãy theo đuổi đam mê, với điều kiện là hãy trả giá cho đam mê của chính mình. Bởi bạn không thể bắt bố mẹ nuôi mình ăn học 4 năm trời, sau đó lại bắt bố mẹ chi tiền cho đam mê riêng của mình được. Cứ nghỉ học đi nếu thích, nếu muốn theo đuổi đam mê!"

Ninh Linh

Cùng chuyên mục
XEM