Những người lần đầu tiên nghĩ đến chuyện mua ô tô vì... dịch bệnh và đường sống của ngành ô tô hậu Covid-19

21/05/2020 19:39 PM | Xã hội

Những nỗi lo về sức khỏe lại đang trở thành động lực lớn nhất thúc đẩy doanh số của ngành ô tô.

 Những người lần đầu tiên nghĩ đến chuyện mua ô tô vì... dịch bệnh và đường sống của ngành ô tô hậu Covid-19  - Ảnh 1.

Suốt từ năm 1999 đến nay, Rebecca Coleman chưa từng nghĩ đến chuyện sở hữu 1 chiếc xe hơi. Nhưng đầu tháng 3 vừa qua, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu càn quét New York, cô ngày càng e ngại về việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đã mua 1 chiếc ô tô hãng Honda từ 1 đại lý ở Queens, sau khi trao đổi qua chat video.

"Tôi từng không muốn có 1 chiếc xe, nhưng giờ thì cần có xe riêng để tới thăm người thân đang sống bên ngoài thành phố 1 cách an toàn. Về cơ bản thì dịch bệnh đã làm tôi thay đổi nhiều suy nghĩ cố hữu. Chắc ai cũng vậy", cô nói.

Trong khi các nhà sản xuất ô tô trên toàn thế giới phải đối mặt với tình trạng doanh số bán ra lao dốc thảm hại và tương lai là nhiều tháng bất ổn sau khi đã mở cửa nhà máy trở lại, câu chuyện của Coleman đang đem đến niềm hi vọng nhỏ bé cho ngành này.

Từ nhiều năm nay, các hãng đứng ngồi không yên khi chứng kiến tỷ lệ sở hữu xe liên tục giảm trong nhóm người trẻ và dân thành phố, vì các phương tiện giao thông công cộng ngày càng tốt hơn và sự phổ biến của những dịch vụ đi chung xe khiến sức hấp dẫn của việc có 1 chiếc xe riêng giảm đi đáng kể. Từ General Motors đến Daimler đã chi hàng tỷ USD nhằm thích nghi với hoàn cảnh mới, ví dụ như đầu tư vào mảng đi chung xe, dịch vụ taxi hay đưa ra những lựa chọn giúp khách hàng có thể sử dụng xe mà không cần mua.

Nhưng Covid-19 có thể khiến mọi chuyện đảo lộn.

 Những người lần đầu tiên nghĩ đến chuyện mua ô tô vì... dịch bệnh và đường sống của ngành ô tô hậu Covid-19  - Ảnh 2.

Đến giữa tháng 4, lượng xe cộ đi lại ở các thành phố lớn của Trung Quốc đã quay lại mức tương đương 90% trước khi phong tỏa, nhưng lượng người đi tàu điện ngầm chỉ bằng 50%, theo số liệu của Bernstein. Chuyên gia phân tích Robin Zhu của Bernstein cho rằng đây sẽ là xu hướng lâu bền vì với tình hình hiện nay thì nỗi sợ dịch bệnh vẫn còn kéo dài.

Doanh số ô tô bán ra ở Trung Quốc đã hồi phục nhanh đến mức khó ai có thể tưởng tượng ra. Con số của tháng 4 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cá biệt, Volvo báo cáo doanh số ở Trung Quốc cao hơn 20% so với 2019.

Các giám đốc marketing đã ngay lập tức "lợi dụng" tâm lý sợ sử dụng phương tiện công cộng của người tiêu dùng. Trên báo chí Đức mới đây xuất hiện mẩu quảng cáo có hình ảnh chiếc ô tô Volkswagen Tiguan đeo 1 chiếc khẩu trang khổng lồ, đi kèm dòng chữ lớn được viết hoa in đậm: "AN TOÀN LÀ TRÊN HẾT".

 Những người lần đầu tiên nghĩ đến chuyện mua ô tô vì... dịch bệnh và đường sống của ngành ô tô hậu Covid-19  - Ảnh 3.

Nếu như trước đây doanh số được quyết định bởi những yếu tố như sự thoải mái hay sức mạnh động cơ thì giờ đây nỗi lo về sức khỏe đang là động lực chính. Ở Trung Quốc, Ford sử dụng lệnh phong tỏa để thiết kế lại hệ thống lọc không khí trong các mẫu xe của mình. Mặc dù không tuyên bố là có thể ngăn chặn virus, hệ thống mới được quảng cáo là giúp lọc khói và các hạt nhỏ trong không khí tốt hơn. Ngay sau khi đại lý được mở cửa trở lại, hãng đã lắp đặt hệ thống mới được cho 40.000 chiếc xe cả mới cả cũ.

Câu hỏi lớn ở đây là sự hồi phục ở Trung Quốc có thể lặp lại trên thị trường châu Âu và Bắc Mỹ hay không. Ở Anh, nhu cầu mua xe tăng lên kể từ khi Thủ tướng Boris Johnson thông báo nới lỏng nhẹ lệnh phong tỏa hồi đầu tháng 5. Ông khuyến khích bất kỳ ai quay trở lại làm việc hãy "tránh sử dụng phương tiện công cộng nhiều nhất có thể". Lượng truy cập vào chợ xe trực tuyến Auto Trader đã đạt đỉnh hơn 1 triệu lượt vào ngày ông Johnson phát biểu.

Một khảo sát mới đây của Auto Trader cho thấy hơn một nửa người có bằng lái xe nhưng không sở hữu xe ở Anh đang xem xét mua xe để tránh sử dụng phương tiện công cộng sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở Mỹ. 20% trong số 3.000 người tham khảo khảo sát của Cars.com cho biết đang xem xét mua xe. Khoảng 43% chia sẻ họ đã ngừng sử dụng phương tiện công cộng và con số tương tự cho biết đã giảm thiểu tối đa việc đi xe chung.

Thậm chí lệnh phong tỏa cũng không thể ngăn những người mua háo hức nhất có được chiếc xe của riêng mình dù các đại lý đang đóng cửa. Jordan Jeong và hôn thê đã mua thêm 1 chiếc xe cũ, ký hợp đồng ngay tại căn hộ của họ sau khi đại lý giao xe tới và đứng cách người bán xe 2m. Chặng đường 1 tiếng 15 phút đi tàu điện ngầm từ nhà riêng ở Brooklyn tới bệnh viện nơi anh làm việc đã được rút ngắn xuống chỉ còn nửa giờ lái xe.

 Những người lần đầu tiên nghĩ đến chuyện mua ô tô vì... dịch bệnh và đường sống của ngành ô tô hậu Covid-19  - Ảnh 4.

Đối với những người không thể mua xe – dù đó là những chiếc xe rẻ nhất hoặc xe đã qua sử dụng, họ đang sử dụng các dịch vụ khác để có thể tiếp cận phương tiện cá nhân.

Zipcar, dịch vụ chia sẻ xe thuộc sở hữu của tập đoàn Avis, chứng kiến nhu cầu tăng vọt tại các thành phố trên khắp nước Mỹ sau khi tung ra dịch vụ cho phép người thuê sử dụng riêng 1 chiếc xe trong vài ngày.

Ở Nhật Bản, Idom, một trong những đại lý xe đã qua sử dụng lớn nhất nước, từ tháng 2 đã triển khai gói "thuê xe theo tháng" giá 280 USD và số đơn đặt đã tăng gấp đôi chỉ trong 2 tháng. Nhu cầu đặc biệt lớn trong nhóm các nhân viên y tế và những phụ nữ cần di chuyển hàng ngày tới các cửa hàng thực phẩm và đưa đón con đi học. Trước dịch, 70% khách hàng là nam giới.

Đứng trước cơ hội có được tệp khách hàng trung thành mới, các hãng cần đến 1 cách tiếp cận mới. Gần 80% người trong độ tuổi 25-35 chưa từng sở hữu xe, vì thế những thông điệp truyền thống thường đưa ra những so sánh phức tạp với các sản phẩm khác trên thị trường sẽ không hiệu quả.

 Những người lần đầu tiên nghĩ đến chuyện mua ô tô vì... dịch bệnh và đường sống của ngành ô tô hậu Covid-19  - Ảnh 5.

Khi nhiều người quay trở lại làm việc hơn, tắc đường quay trở lại và xe cá nhân sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn. Ở các thành phố lớn xe riêng thực sự vẫn là 1 khái niệm không thực tế. Nhưng dù những thay đổi hiện nay cuối cùng cũng sẽ chấm dứt, có những thay đổi là mãi mãi. Một trong số đó là mua sắm trực tuyến.

Khi Coleman mua xe, cô không cần tới showroom, thậm chí không lái thử. Thay vào đó, người bán xe giới thiệu chiếc xe qua cuộc gọi FaceTime. Cách đây 1 năm, các giao dịch online chỉ chiếm khoảng 7% doanh số, trong thời dịch bệnh thì con số là 100% và được dự báo sẽ vẫn giữ ở mức cao sau khi nới lỏng phong tỏa.

Ở Trung Quốc, rất nhiều trong số 2.000 đại lý Volkswagen thực hiện live-stream trên các nền tảng như TikTok. Hơn 70.000 người đã được đào tạo để tương tác online. "Người bán xe đang trở thành những nhân vật giải trí", Michael Mayer, giám đốc kinh doanh thị trường Trung Quốc của Volkswagen nói.

 Những người lần đầu tiên nghĩ đến chuyện mua ô tô vì... dịch bệnh và đường sống của ngành ô tô hậu Covid-19  - Ảnh 6.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất của ngành ô tô trong cuộc khủng hoảng virus corona là những tác động đến nhu cầu về xe điện. Được khuyến khích bởi bầu trời trong xanh và không khí trong lành trong thời gian phong tỏa, nhu cầu về xe điện được dự đoán sẽ tăng mạnh.

Mặc dù hiện nay giá xe điện vẫn khác cao, CEO Oliver Zipse của BMW tin rằng người tiêu dùng sẽ bị thuyết phục bởi chi phí vận hành thấp, dù giá xăng hiện nay cũng đang ở mức thấp kỷ lục.

Trong bối cảnh hiện nay, bất cứ tia sáng hi vọng nào cũng rất đáng giá. Doanh số toàn cầu được dự báo sẽ giảm 20% trong năm nay. Kể cả trước dịch, các nhà sản xuất cũng đang phải đối mặt với 1 năm 2020 đầy thử thách với nhu cầu ở Trung Quốc suy giảm và các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn ở châu Âu buộc họ phải giảm lợi nhuận thặng dư trên mỗi chiếc xe được bán ra.

 Những người lần đầu tiên nghĩ đến chuyện mua ô tô vì... dịch bệnh và đường sống của ngành ô tô hậu Covid-19  - Ảnh 7.

Thách thức ngay trước mặt là làm sao để có thể thuyết phục người tiêu dùng chi tiền cho khoản mua sắm thường là lớn thứ hai trong đời trong khi nền kinh tế chìm trong suy thoái như hiện nay. Các hãng đang triển khai một số chiến lược đã được sử dụng sau khủng hoảng tài chính 2008, ví dụ như bảo hiểm thất nghiệp sẽ bảo vệ chủ xe trong trường hợp họ không thể chi trả.

Ngành ô tô cũng đang mong chờ xem chính sách giải cứu của các nước liệu có tập trung riêng vào thị trường xe điện hay sẽ là toàn ngành. Một số người cho rằng sẽ là "lãng phí tiền bạc" nếu khuyến khích người dân mua những chiếc xe sử dụng công nghệ cũ, hay như thành viên hội đồng quản trị của Daimler Martin Daum cho rằng nên dành tiền để phát triển cơ sở hạ tầng, ví dụ như các trạm sạc.

Dù nguyên nhân là từ đâu, từ xu hướng e ngại sử dụng phương tiện công cộng hay từ sự chuyển dịch sang xe điện, đà phục hồi theo bất kỳ hình dáng nào đều có ý nghĩa quan trọng đối với ngành ô tô để có thể trở lại trạng thái bình thường sau quãng thời gian tồi tệ vừa qua. Tất nhiên lãnh đạo của các công ty ô tô không hề ảo tưởng về những cơn gió ngược mà họ đang phải đối mặt. Hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều suy thoái sâu, nhưng những dấu hiệu tích cực nói trên có thể bảo vệ họ khỏi những hệ quả tồi tệ nhất mà dịch bệnh có thể mang lại.

Tham khảo Financial Times

Thiết kế: Hương Xuân - Bài: Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM