Những người hướng ngoại, họ luôn phải đối mặt với 5 nhược điểm này!

18/09/2017 08:34 AM | Sống

Người hướng ngoại thường được nhắc đến như là những người năng động, tự tin - cởi mở và luôn biết tìm niềm vui chốn đông người. Vì thế người hướng ngoại khó tránh khỏi bứt rứt những lúc “ăn không ngồi rồi”, những tình huống một đối một, khó vượt qua thất bại, sợ gặp người hướng nội - ít nói và sợ những lúc phải ở một mình.

Những người hướng ngoại ghét cảm giác ăn không ngồi rồi

Những người hướng ngoại cho rằng muốn phát triển bản thân thì phải tôi luyện chính mình trong môi trường làm việc, môi trường tập thể. Họ khát khao được thể hiện năng lực và sợ rằng sẽ bỏ lỡ mất một phi vụ ngon ăn nếu chỉ vắng mặt một vài giờ.

Họ luôn tìm cách giữ liên lạc với người xung quanh hoặc đồng nghiệp để có thể nắm bắt thông tin và kịp thời hiểu về thế giới để luôn có cảm giác tồn tại. Họ sẵn sàng đến công sở làm việc với đồng nghiệp dù sắp đến kì sinh nở. Họ sẽ kêu ca và thực sự bị trầm cảm nếu 3 tuần, một tháng không thể đến nơi công cộng.

Bản chất của những người hướng ngoại là ham vui và ham hoạt động. Sự bận rộn khiến cho họ luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng, họ không hề ngần ngại phải giao tiếp và học hỏi nên họ coi thường và khó chịu với những người thụ động và không làm việc.

Đối với họ làm việc cá nhân tuy cần thiết nhưng lại khiến họ vô cùng nhớ không khí teamwork thú vị và ngập tràn niềm vui, tính cạnh tranh cao đi cùng sự tương tác thường xuyên; suy nghĩ độc lập khiến họ cảm thấy bản thân ích kỉ và thiếu tính thời đại.

Chỉ có làm việc sinh hoạt trong môi trường tập thể, những người hướng ngoại mới có thể phát huy hết năng lực, thể hiện được đa dạng tính cách của bản thân và tạo nên những điều ý nghĩa cả trong công việc và cuộc sống. Vậy nên những người hướng ngoại rất ghét cảm giác ăn không ngồi rồi, chẳng được việc gì.

Họ cũng chẳng ưa tình huống 1 VS. 1

Tuy là những người biết khuấy động đám đông và dễ gây thiện cảm cho người đối diện, nhưng việc phải làm việc hay tiếp xúc thường xuyên với chỉ một người khiến họ thấy nhàm chán và thiếu sự kịch tính.

Kể cả với những đối tác lí tưởng là một người hướng ngoại tương tự, bản năng khám phá và ham vui khiến họ dễ mất hứng thú nếu thường xuyên ở trong tình huống một đối một. Những cuộc nói chuyện 3, 4 người hoặc hoạt động tập thể sẽ hấp dẫn họ hơn là những cuộc đi chơi hai người.

Điều này có vẻ cũng đúng cả khi người hướng ngoại có người yêu. Bên cạnh những giây phút riêng tư bên bạn trai, họ cũng rất thích người thương của mình hoà nhập với cộng đồng xung quanh họ và làm mới tình yêu của họ bằng các cuộc gặp gỡ tiếp xúc quy mô rộng.

Họ có thể cho rằng, tình yêu có chất xúc tác bên ngoài sẽ luôn mới mẻ và có tình yêu không đồng nghĩa với việc họ sẽ ngừng tụ tập và "join" vào các nhóm cộng đồng khác.

Người hướng ngoại cực kỳ sợ thất bại

Thành công thường xuyên đến với người hướng ngoại theo nhiều cách khác nhau: dựa vào các mối quan hệ, dựa vào sự năng động của bản thân, dựa vào vốn kiến thức phong phú hoặc dựa vào việc họ có nhiều kinh nghiệm làm việc nhóm...

Nhờ có hướng ngoại họ mới thành công và thành công dẫn dắt họ ngày càng hướng ngoại nhiều hơn. Họ khao khát được làm những dự án mới mẻ, trao đổi với những đồng nghiệp xuất sắc, hay giao du với những nhóm người thú vị để thoả mãn cảm giác khám phá và trải nghiệm.

Khi họ thất bại bước đầu, nghĩa là thực sự không ai có thể giúp được họ - những người bạn mà họ nghĩ có thể nhiệt tình giống như họ trong nhiều tình huống không thể ở bên cạnh họ. Thất bại làm sụp đổ một vài thứ trong họ, mất đi một vài mối quan hệ.

Thất bại nghĩa là họ sẽ phải sống trong bóng tối một thời gian, có thể ngắn hoặc dài, dẫn đến việc họ ngại giao tiếp, ngại phải bộc bạch nỗi những suy nghĩ muộn phiền trong lòng mình. Họ lại càng có ít kinh nghiệm gượng dậy sau thất bại hơn bởi số lần họ thành công nhiểu hơn nên sẽ rất khó khăn để họ vượt qua thất bại, nhất là khi không có ai đó bên cạnh đồng hành cùng họ.

Khó khăn khi phải đối mặt với người hướng nội

Những người hướng ngoại không nói nhiều thì cũng hành động nhiều và họ chia đều sự quan tâm của họ cho nhiều người, nhiều lĩnh vực. Lí tưởng nhất với họ là tìm được một cạ cứng cùng chia sẻ mọi sở thích, cùng là người hướng ngoại, đồng hành với nhau trên mọi chặng đường.

Thế nên với họ những người hướng nội thực sự là những ca khó tiếp cận bởi im lặng hoặc không giao tiếp với họ là cực hình.

Người hướng ngoại cần và không tiếc những lời khen, cổ vũ hay tán thưởng cho những ý tưởng của mình giúp gắn kết mọi người, nên điều gây cản trở nhất với họ là những người hướng nội thường thích làm việc một mình, hoặc ít hứng thú với việc liên tục chia sẻ, tương tác.

Thỉnh thoảng sẽ xuất hiện những khoảng im lặng dài có thể khiến cho những người hướng ngoại lúng túng, khó xử. Với khả năng giao tiếp của mình họ cũng thừa hiểu phá vỡ khoảng im lặng rất có thể sẽ làm hỏng mối quan hệ của họ với đối tác.

Người hướng ngoại sợ cảm giác một mình

"Cuồng chân" là một từ chính xác nhất diễn tả tình trạng người hướng ngoại khi ở một mình. Họ sợ phải ở nhà một mình giữa một thành phố ồn ào náo nhiệt trong khi bạn bè đang tụ tập ngoài kia, họ chán ghét cảm giác yên bình trôi qua đều đều nơi làng quê.

Họ phải tìm mọi cách có thể để rủ rê ai đó tương tác với họ, đi ăn với họ hoặc đơn giản chỉ nghe họ kể chuyện.

Họ không thể hiểu nổi tại sao một số người có thể ở lì trong nhà hơn 3 ngày mà không ra ngoài. Trên Facebook của họ hầu như tuần nào cũng sẽ post ảnh một hoạt động cộng đồng nào đó. Hoà nhập vào đám đông khiến những người hướng ngoại có thêm sức sống.

Trên đây là 5 đặc điểm nhưng cũng là nhược điểm của người hướng ngoại, vì những đặc điểm này mà đôi khi người hướng ngoại lạc lõng trong chính xã hội, cộng đồng của mình vì không thể tìm thấy tiếng nói chung. Họ cũng đặt ra yêu cầu quá cao cho công việc cũng như đời sống riêng tư của mình nên dù hướng ngoại đấy, nhưng họ cũng cô đơn lắm!

Theo Phạm Thùy Liên Ybox

Cùng chuyên mục
XEM